Tổng phụ trách Đội duy nhất của Nghệ An nhận giải thưởng 'Cánh én hồng'
(Baonghean.vn) - Giải thưởng “Cánh én hồng” là phần thưởng cao quý của Hội đồng Đội Trung ương dành cho các giáo viên làm Tổng phụ trách Đội xuất sắc cả nước. Năm 2021, trong số 20 Tổng phụ trách Đội được vinh danh có 1 giáo viên của Nghệ An.
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng cùng các học sinh Trường THCS Tân Dân (Nam Đàn). Ảnh: Đức Anh |
Đó là thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng - Trường THCS Tân Dân (Nam Đàn). Anh cũng là giáo viên thứ 3 của Nghệ An được trao giải thưởng này. Nhân ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (15/5), P.V Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng trước ngày nhận danh hiệu cao quý này.
Nếu muốn thành công phải sáng tạo, đổi mới
P.V: Công tác Đoàn, Đội trong các nhà trường được xem là công tác bổ trợ cho việc dạy và học, là điểm xuất phát cho các phong trào giúp cho việc dạy và học ngày càng tốt hơn. Một trong những phương châm của công tác Đoàn, Đội là “lấy bề nổi để củng cố chiều sâu, lấy học sinh quyết định làm bề nổi”. Là một Tổng phụ trách Đội lâu năm, theo anh công tác Đội có ý nghĩa như thế nào đối với thanh, thiếu niên trong nhà trường?
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng: Phải khẳng định, công tác Đoàn, Đội có ý nghĩa rất lớn đối với thế hệ trẻ, bởi lẽ xuyên suốt các hoạt động là bám vào “5 điều Bác Hồ dạy”. Nếu tất cả các hoạt động đi theo guồng này thì sẽ xây dựng được tư cách và nhân cách học sinh. Những bài học từ Đội từ những ngày còn tiểu học sẽ hình thành cho các em ý thức và thói quen tốt như biết xếp hàng, biết nhường nhịn, biết tôn trọng người khác...
Thực tế cho thấy, tổ chức Đoàn, Đội đã đồng hành với thanh niên, đội viên trường học trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát huy được sức sáng tạo, nghị lực của tuổi trẻ học đường; tạo sân chơi an toàn, bổ ích, góp phần giáo dục kỹ năng sống, trang bị cho đoàn viên, thanh niên, đội viên nền tảng kiến thức vững vàng; giúp cho các em tự tin, chủ động trong học tập và rèn luyện.
Công tác Đoàn, Đội có ý nghĩa rất lớn đối với thế hệ trẻ, bởi lẽ xuyên suốt các hoạt động là bám vào “5 điều Bác Hồ dạy”. Ảnh: Đức Anh |
P.V: Công tác Đoàn, Đội trong các nhà trường rất quan trọng là vậy, nhưng có phải ai làm công tác Đội cũng có được đam mê?
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng: Theo tôi biết, không ít giáo viên cảm thấy miễn cưỡng khi nhận công việc Tổng phụ trách Đội. Do đặc thù công việc của Tổng phụ trách Đội là phải duy trì các hoạt động tập thể cho học sinh với một mục đích duy nhất là giúp cho các em có những trải nghiệm, có kỹ năng cần thiết trong học tập và rèn luyện, nên nhiều giáo viên vẫn quan niệm “đi dạy là an phận nhất”, nếu chăm chỉ thì chỉ cần tập trung thêm cho một vài cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Tôi cũng đã nghe nhiều giáo viên làm Tổng phụ trách Đội nói rằng “Tôi chỉ làm nghĩa vụ 2 năm rồi nghỉ”.
Tổng phụ trách Đội không phải là một nghề đi suốt cuộc đời của một giáo viên, thường là chỉ làm trong một thời gian nhất định. Đối với một giáo viên thì công việc chính vẫn là dạy học. Chính vì vậy mà rất nhiều người ngại làm Tổng phụ trách Đội vì sợ rằng sẽ mai một trong chuyên môn. Cái tâm của người Tổng phụ trách Đội thể hiện ở sự say mê với công việc, luôn suy nghĩ, tìm tòi đổi mới hình thức hoạt động, xây dựng được các chương trình, tạo ra nhiều hình thức hoạt động mới có sức hấp dẫn, cuốn hút học sinh vào tham gia hoạt động Đội. Với tôi, công việc này có lẽ đã ăn vào máu và khi nào cũng chỉ suy nghĩ làm thế nào để sáng tạo, làm thế nào để hoạt động Đội của trường mình có điểm nhấn.
Các hoạt động tập thể của Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng với các em học sinh. Ảnh: Đức Anh |
P.V: Tôi hiểu suy nghĩ của anh. Có phải vì vậy mà anh đã tham gia rất nhiều các khóa tập huấn của Trung ương Đoàn và lập nên được nhiều “kỳ tích” như đạt Thủ khoa trại Huấn luyện Kim Đồng toàn quốc, đạt kỷ lục môn Giáo án huấn luyện tại trại Huấn luyện Kim Đồng toàn quốc, là huấn luyện viên cấp II đầu tiên của Nghệ An?
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng: Thực tế để được đi tập huấn cũng là một điều rất khó khăn, rất nhiều cuộc tập huấn chúng tôi phải mang tiền nhà đi vì không có hỗ trợ về kinh phí... Tuy nhiên, những năm qua tôi đã đi tập huấn rất nhiều ở Sơn La, Đà Nẵng... Mỗi đợt tập huấn tôi lại học hỏi được nhiều, thay đổi được bản thân, tìm được nhiều ý tưởng mới. Có đi mới thấy rằng, so với nhiều tỉnh, thành khác, Tổng phụ trách Đội của ta thiếu rất nhiều kỹ năng như nối dây, đi đường, cứu thương, phòng tránh đuối nước... bởi để được trang bị những kỹ năng này phải được tập huấn nhiều, chuyên sâu. Như ở trại Huấn luyện Kim Đồng, trong vòng 6 ngày, chúng tôi được tập huấn 51 kỹ năng và để hoàn thành, chúng tôi phải học và luyện tập đến 2 - 3 giờ sáng. Trong khi đó, có rất nhiều người tham gia trại hè họ rất giỏi, chỉ cần nghe tiếng còi, chỉ cần một khẩu lệnh là họ đã biết trước được hoạt động gì.
Cá nhân tôi khi tham gia các trại hè mình chỉ biết cố gắng vì yêu thích thôi chứ chưa nghĩ đến thành tích hay giải thưởng. Vì yêu thích nên trong hoàn cảnh nào tôi cũng chỉ biết tự học, tự nghiên cứu.
Đừng ngại khó, hãy biết thích nghi
P.V: Anh vốn xuất thân là giáo viên mỹ thuật và hiện vẫn là giáo viên mỹ thuật của trường. Vậy anh đến với vai trò Tổng phụ trách Đội như thế nào?
Vì thấy tôi xông xáo, ưa các hoạt động phong trào nên ban giám hiệu nhà trường cắt cử thêm nhiệm vụ làm công tác Đội. Ảnh: Đức Anh |
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng: Có lẽ nếu so với các giáo viên bộ môn khác thì giáo viên mỹ thuật có sự khác biệt và có gắn với nghệ thuật. Chính vì thế, bên cạnh vẽ là nghề chính, tôi cũng ham mê ca hát và các hoạt động phong trào và có ít “tài lẻ” như đánh đàn ghi ta, thổi sáo... Ngày trước, ở trường, khi học sinh múa thì tôi cũng ra múa cùng các em... Chắc vì thấy tôi xông xáo, ưa các hoạt động phong trào nên ban giám hiệu nhà trường cắt cử thêm nhiệm vụ làm công tác Đội.
Quả thực, khi bắt đầu nhận công việc này tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ, bởi đây là công việc khá đặc thù không có nhiều tài liệu, việc tập huấn cũng chỉ được tổ chức một thời gian ngắn vào đầu năm học nên mình không thể nhớ hết được. Vì thế, những ngày đầu mới làm Tổng phụ trách Đội (từ năm 2009) ở Trường THCS Nam Cường (cách nhà khoảng 30 km), thời gian đầu tôi cũng không nghiên cứu được nhiều, vì phải đi đi, về về. Sau này, làm quen với công việc, được đi cọ xát nhiều và tính cũng ham học hỏi nên từ tài liệu của Đội, hỏi thêm những người đi trước, những người bạn đồng nghiệp..., tôi đã được chia sẻ, động viên. Gặp tôi, các bạn vẫn hay nói: “Bằng có năng khiếu đó, làm được đó”. Từ đấy, tôi cũng tin vào mình hơn.
P.V: Năm nay anh đã 45 tuổi và đến với công việc này khi tuổi cũng không còn trẻ. Trước đó, dường như anh cũng đã có nhiều năm lăn lộn ở những vùng khó khăn. Những năm tháng gắn bó với học trò vùng cao chắc chắn đã trang bị cho anh nhiều kinh nghiệm cho công tác Đội sau này?
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng: Tốt nghiệp xong tôi có 3 năm công tác ở Trung tâm Văn hóa thành phố Vinh nên biết các điệu nhảy, biết vẽ áp phích cổ động... Ngày ấy vất vả, lương hợp đồng nhưng nhờ làm công việc này tôi học được rất nhiều.
Nhưng tôi không thể xa được nghề sư phạm. Vì thế, những năm cuối thập niên 90 khi có chủ trương thu hút sinh viên sư phạm về với các huyện vùng cao tôi đã tình nguyện lên Kỳ Sơn và công tác tại Trường THCS Hữu Kiệm. Mặc dù công tác ở huyện Kỳ Sơn chỉ 5 năm, nhưng khi đó với vai trò là Bí thư Chi đoàn, tôi và các học trò có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng những tiểu phẩm tuyên truyền cho công tác phòng, chống ma túy, HIV – AIDS rất sinh động và đội lưu động của chi đoàn đã tổ chức nhiều cuộc biểu diễn lưu động trong dân rất hiệu quả. Từ năm 2008, tôi được chuyển về Trường THCS Phúc Cường và đây cũng là một ngôi trường vùng khó, năm nào cũng chịu lũ lụt.
Ai cũng nói rằng, ở vùng khó thì thiệt thòi. Nhưng tôi không nghĩ vậy, quan trọng là mình phải có đam mê, phải biết thích nghi và những trải nghiệm đã qua sẽ cho mình những kinh nghiệm quý giá sau này.
Ảnh: Đức Anh |
P.V: Đã ngoài 40 tuổi, anh có mệt không khi vẫn còn gắn bó với công tác Đội. Và với vai trò là một huấn luyện viên, anh đã làm gì để xây dựng đội ngũ Tổng phụ trách Đội của tỉnh nhà?
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng: Quả thật, đến nay tôi chưa thấy mệt. Tôi có thể đi cả ngày, nói cả ngày. Có lẽ công việc này đem đến cho tôi nhiều động lực. Chẳng hạn, tôi không còn trẻ nữa nhưng nhờ làm công việc này mà mọi người nói tôi trẻ ra, trẻ về cả tính cách, con người và cả lời nói... Tôi cũng được đi nhiều, được quen nhiều đồng nghiệp ở khắp đất nước và nhận được nhiều tình cảm từ bạn bè, đồng nghiệp và cả học sinh. Chị cũng thấy đấy, dù trường của tôi ở nông thôn, trường còn nhỏ, còn nghèo, nhưng tất cả những đồng nghiệp của tôi ở khắp mọi miền đất nước mỗi khi về Nam Đàn đều liên lạc để đến thăm trường và tìm hiểu về công tác Đội ở trường mình. Đó thực sự là một điều hạnh phúc.
Tôi đã đi nhiều huyện, thành, thị, gặp rất nhiều Tổng phụ trách Đội thấy có rất nhiều người đam mê nhưng dường như chưa được thổi lửa. Vì vậy, mỗi khi đi huấn luyện, dù ở nơi khó khăn hay thuận lợi thì mình cũng cố gắng truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho mọi người.
Mỗi khi đi huấn luyện, dù ở nơi khó khăn hay thuận lợi thì mình cũng cố gắng truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho mọi người. Ảnh: Đức Anh |
P.V: Tháng 5 này, anh và 20 Tổng phụ trách Đội khác trên cả nước sẽ được Hội đồng Đội Trung ương trao giải thưởng “Cánh én hồng” và anh cũng là người thứ 3 ở Nghệ An được giải thưởng này. Cảm xúc của anh như thế nào khi nhận được kết quả này?
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng: Từ năm 2020 tôi đã phấn đấu để đạt giải thưởng này nhưng chưa thành công (tôi chỉ nằm trong danh sách 27 Tổng phụ trách Đội xuất sắc sau danh sách giáo viên đạt giải “Cánh én hồng”). Chính vì thế, năm 2021, khi nhận kết quả này tôi thực sự vui mừng vì đây là danh hiệu cao quý nhất của một giáo viên Tổng phụ trách Đội và số giáo viên được vinh danh cũng rất ít. Giải thưởng cũng sẽ là động lực để tôi tiếp tục cống hiến và gắn bó với công việc này.
Thầy giáo Nguyễn Sỹ Bằng là một trong 20 Phụ trách Đội toàn quốc được trao giải thưởng “Cánh én hồng”. Ảnh: Đức Anh |