Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Nhật: 'Tối đa hóa' lợi ích quan hệ đồng minh

Thanh Huyền 26/05/2019 18:22

(Baonghean) - Tổng thống Mỹ Donald Trump là quốc khách đầu tiên tiếp kiến tân Nhật hoàng Naruhito kể từ khi Nhà vua đăng quang mở ra triều đại mới với niên hiệu Lệnh Hòa. Đây là sự kiện mang tính biểu tượng lớn của mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ, đồng thời cũng cho thấy cách hai bên cố gắng “tối đa hóa” lợi ích của đối phương.

Sự kiện ngoại giao mang tính biểu tượng cao

Với quan hệ song phương, sự kiện ngoại giao này mang tính biểu tượng cao, cho thấy một sự gắn bó không thay đổi của mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ.

Khác với những chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Trump, điều được báo giới chú ý không phải là chương trình nghị sự của ông như thế nào, đề cập những vấn đề gì mà là những lịch trình “ngoài phòng họp”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chơi golf tại Mobara, phía Nam Tokyo hôm 26/5/2019. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chơi golf tại Mobara, phía Nam Tokyo hôm 26/5/2019. Ảnh: AP

Đó là khoảng thời gian gặp gỡ bận rộn cho nhà lãnh đạo Mỹ bao gồm thời gian chơi golf riêng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tham dự một giải đấu sumo và trao tặng “cúp Trump” cho nhà vô địch; thăm tàu sân bay trực thăng lớp Izumo. Hai nhà lãnh đạo cũng có bữa tối riêng tại cửa hàng đồ nướng, nơi phục vụ món bò bít-tết ưa thích của ông Trump.

Cuộc hội đàm bàn công việc chỉ được sắp xếp vào ngày 27/5 sau khi ông Trump tiếp kiến tân Nhật hoàng Naruhito.

Việc truyền thông chú ý tới lịch trình ngoài phòng họp nhiều hơn, có vẻ như chuyến công du này của Tổng thống Trump mang ý nghĩa hữu nghị hơn là nghị sự chính sách.

Tuy nhiên thực tế, cách Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe “tô vẽ” cho liên minh Mỹ - Nhật cho thấy hai bên đều có những tính toán riêng.

Nhật Bản khẳng định vai trò

Việc mời Tổng thống Trump với vai trò quốc khách đầu tiên sau khi triều đại mới ở Nhật Bản bắt đầu là thông điệp cho thấy sự coi trọng đặc biệt của Tokyo trong mối quan hệ đồng minh với Washington.

Điều này cũng phù hợp với chiến lược dài hơi của Thủ tướng Shinzo Abe trong quan hệ với Mỹ: giữ ổn định mối quan hệ này, tìm cách tránh xa mâu thuẫn và xung đột với Washington.

Thực tế, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức với nhiều tuyên bố và quyết định “gây hấn” với các đồng minh, thay vì phản kháng và bất mãn, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe luôn tìm mọi cách “rút ngắn khoảng cách” với nhà lãnh đạo Mỹ.

Ông là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Kể từ đó họ có đến 40 cuộc nói chuyện, hoặc trực tiếp hoặc qua điện thoại, để bàn về các vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm.

Hai nhà lãnh cũng công khai chúc mừng nhau về chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở hai quốc gia. Thậm chí có nguồn tin cho rằng, Thủ tướng Abe là người đề cử Tổng thống Donald Trump nhận giải Nobel Hòa bình…

Với Nhật Bản, cách xử lý của Thủ tướng là bước đi khôn khéo. Bởi dù thế nào, Nhật Bản vẫn cần dựa vào “chiếc ô” an ninh của Mỹ ở khu vực, nhất là trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên luôn diễn biến khó lường.

Về kinh tế, mặc dù Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản song Mỹ cũng vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Tokyo. Chính vì thế, mối quan hệ đồng minh với Mỹ là điều mà Nhật Bản không thể để mất.

Thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Donald Trump ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Shinzo Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Donald Trump ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, dù cố giữ cho mối quan hệ này ổn định trong khuôn khổ, song vấn đề gai góc nhất trong quan hệ Mỹ - Nhật Bản hiện nay chính là thặng dư thương mại hai bên, vốn là vấn đề được Tổng thống Mỹ thường xuyên phàn nàn trong suốt thời gian qua. Nhật Bản hiện đang đối mặt với những rủi ro khi vướng vào “cuộc chiến thuế” với Mỹ.

Năm 2018, Mỹ quyết định áp mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu và một số nước. Mỹ cũng liên tục đe dọa tăng thuế nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, đàm phán về thỏa thuận thương mại giữa Nhật Bản và Mỹ cũng đang gặp khó khăn do quan điểm của hai bên về một số vấn đề còn nhiều khác biệt.

Bởi vậy, Thủ tướng Abe sẽ tận dụng triệt để các cuộc gặp Tổng thống Mỹ để thúc đẩy một thỏa thuận thương mại cùng có lợi cho cả đôi bên.

Mỹ tìm nhà “hòa giải”

Về phía Mỹ, chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày lần này của Tổng thống Donald Trump không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn đặt Tokyo vào vai trò lớn hơn trong chiến lược châu Á của Washington.

Quan hệ với Trung Quốc và Triều Tiên, 2 trụ cột trong chính sách châu Á của Tổng thống Trump đang ở giai đoạn nhạy cảm.

Chiến lược gây sức ép tối đa về thương mại với Bắc Kinh hay hòa giải đối thoại với Triều Tiên hiện chưa đạt được kết quả cuối cùng theo ý muốn của chính quyền Mỹ. Bởi vậy, Mỹ cần tới vai trò của đồng minh Nhật Bản - quốc gia có thể hỗ trợ Washington cả về kinh tế và an ninh.

Một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản sẽ giúp Washington duy trì áp lực với Bắc Kinh. Trong khi đó, Tổng thống Trump có thể cần tới sự hỗ trợ quân sự của Nhật Bản về các vấn đề an ninh với Triều Tiên.

Ngoài Triều Tiên và Trung Quốc, theo các nhà quan sát, Mỹ cũng cần tới Nhật Bản như một đồng minh đáng tin cậy và là lựa chọn phù hợp trong việc đối phó với Iran.

Hiện căng thẳng giữa Mỹ - Iran đang leo thang, thậm chí không bỏ qua khả năng xảy ra xung đột quân sự nên cần phải có một “sứ giả” với vai trò hòa giải các bên.

Trong lúc các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn tỏ ra “bênh vực” Tehran, còn các nước Vùng Vịnh lâu nay coi Iran là “kẻ thù”, việc tìm một đối tác bên ngoài, trung lập là lựa chọn thích hợp.

Tổng thống Trump sự kiến thăm tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, khí tài Nhật Bản đang cải tiến. Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump dự kiến thăm tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, khí tài Nhật Bản đang cải tiến. Ảnh: Reuters

Đúng lúc này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ lên kế hoạch thăm Iran trong tháng 6 tới đây. Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, nhưng cũng là một đối tác quan trọng về năng lượng của Iran.

Rất có thể, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đảm nhiệm vai trò đi sứ lần này để trở thành cầu nối hòa giải, giảm nhiệt căng thẳng của cả Mỹ và Iran.

Với việc cả hai bên cùng muốn “tối đa hóa” lợi ích mà đối phương mang lại, chắc chắn chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Donald Trump lần này sẽ không để bị gián đoạn bởi những vấn đề khiến 2 bên chia rẽ, chẳng hạn như vấn đề trừng phạt thuế quan, san sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng…

Mục tiêu trước mắt của Mỹ vẫn là tập trung đối phó Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 tới - cơ hội giúp liên minh cầm quyền của Thủ tướng Abe củng cố thế đa số trong Nghị viện.

Vậy nên tạo một “bầu không khí hòa bình”, đề cập những vấn đề quan tâm chung, tránh phát sinh mâu thuẫn và bất lợi có thể sẽ là mục tiêu quan trọng nhất mà Mỹ và Nhật Bản hướng tới trong sự kiện ngoại giao quan trọng này./.

Mới nhất
x
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm Nhật: 'Tối đa hóa' lợi ích quan hệ đồng minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO