Tổng thống Mỹ 'tuyên chiến' với truyền thông xã hội​

(Baonghean) - Hôm 28/5, chỉ vài ngày sau khi mạng xã hội Twitter gán nhãn cảnh báo cho 2 dòng trạng thái trên trang cá nhân của mình là “có thể gây hiểu nhầm”, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ký ban hành sắc lệnh hành pháp nhắm vào đối tượng là các công ty truyền thông xã hội, với tuyên bố nhằm “bảo vệ sự tự do ngôn luận khỏi một trong những mối nguy hiểm lớn nhất từng phải đối diện trong lịch sử Mỹ”.

Cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump

“Sự tình” bắt đầu hôm 26/5, khi Twitter - một trong những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay - gán cảnh báo tự động đề nghị người dùng kiểm chứng lại thông tin trong 2 bài đăng của ông Trump, trong đó có một bài chứa nội dung liên quan đến việc bỏ phiếu qua bưu điện trong bối cảnh sắp sửa diễn ra bầu cử giữa đại dịch Covid-19.

Gần như ngay lập tức, ông chủ Nhà Trắng đã “phản đòn”, cáo buộc ông lớn truyền thông xã hội lạm dụng quyền kiểm duyệt và cảnh báo nếu hãng này vẫn tiếp tục thêm “phụ lục” cho các thông điệp của mình, ông sẽ sử dụng quyền hành của Chính phủ Liên bang để kiềm chế hoặc thậm chí là đóng cửa nó.

Chỉ 2 ngày sau, dư luận sục sôi về thông tin nhà lãnh đạo xứ cờ hoa ban hành sắc lệnh mới, kèm theo tuyên bố của ông: “Vài đơn vị độc quyền truyền thông xã hội kiểm soát một phần lớn thông tin liên lạc công khai và riêng tư tại Mỹ. Họ sở hữu quyền năng không bị kiểm soát đối với việc kiểm duyệt, hạn chế, chỉnh sửa, định hình, che đậy, thay đổi, gần như là bất cứ dạng trao đổi thông tin nào giữa cá nhân các công dân với đông đảo công chúng”.

Tổng thống Trump chuẩn bị ký sắc lệnh hành pháp về các công ty truyền thông xã hội tại Phòng Bầu dục hôm 28/5. Ảnh: AFP
Tổng thống Trump chuẩn bị ký sắc lệnh hành pháp về các công ty truyền thông xã hội tại Phòng Bầu dục hôm 28/5. Ảnh: AFP

Hãng tin CNN cho biết, nội dung sắc lệnh hành pháp nói trên nhắm vào Đạo luật Điều tiết Truyền thông (CDA) được ban hành năm 1996. Mục 230 của CDA cho phép quyền miễn trừ đối với các trang web quản lý và điều tiết các nền tảng riêng, và được các chuyên gia pháp lý miêu tả là “26 từ tạo ra mạng internet".

Theo sắc lệnh vừa được ký ban hành, Bộ Thương mại Mỹ sẽ yêu cầu Ủy ban Thông tin liên lạc Liên bang (FCC) đưa ra những quy định mới làm rõ khi nào hoạt động của một công ty có thể vi phạm các điều khoản về tính trung thực trong Mục 230 của Đạo luật Điều tiết Truyền thông. Động thái này được cho là có thể khiến các công ty công nghệ dễ đứng trước khả năng bị kiện tụng hơn.

Không chỉ có vậy, sắc lệnh còn hướng dẫn Bộ Tư pháp tham vấn với tổng chưởng lý các bang liên quan đến các cáo buộc về sự thiên vị chống lại quan điểm bảo thủ; đồng thời cấm các cơ quan liên bang quảng cáo trên các nền tảng bị cáo buộc vi phạm các điều khoản của Mục 230.

Cuối cùng, sắc lệnh sẽ chỉ đạo Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) báo cáo các khiếu nại về sự thiên vị mang màu sắc chính trị mà Nhà Trắng thu thập được và xem xét kiện các công ty bị cáo buộc vi phạm Mục 230 theo cách diễn giải của chính quyền Trump. Tuy vậy, những điều khoản liên quan đến FTC có thể đặt ra nhiều dấu hỏi pháp lý, bởi FTC được xem là một cơ quan độc lập không nhận lệnh từ Tổng thống.

Như vậy, trong mắt giới quan sát, sắc lệnh là phép thử đối với giới hạn quyền uy của Nhà Trắng, tìm cách hạn chế quyền năng của các nền tảng truyền thông xã hội lớn thông qua diễn giải lại quy định vốn được xem là “lá chắn” bảo vệ các trang web và các công ty công nghệ khỏi các vụ kiện.

Tuy nhiên, với các chuyên gia pháp lý ở cả 2 cánh tả và hữu đều đã đặt ra quan ngại nghiêm túc về đề xuất nói trên, cho rằng chúng có thể vi hiến. Thượng nghị sỹ bang Oregon xuất thân từ đảng Dân chủ Ron Wyden, “kiến trúc sư” của CDA phát biểu: “Ông Trump đang cố gắng tước quyền của tòa án và Quốc hội để viết lại bộ luật đã có nhiều thập kỷ qua. Ông ta quyết định điều gì là hợp pháp dựa trên thứ có lợi cho mình”.

Bài đăng của ông Trump về bỏ phiếu qua đường bưu điện bị gán nhãn cần kiểm chứng thông tin. Ảnh: AFP
Bài đăng của ông Trump về bỏ phiếu qua đường bưu điện bị gán nhãn cần kiểm chứng thông tin. Ảnh: AFP

Cuộc chiến với truyền thông xã hội

Cũng theo CNN, sắc lệnh mới được Trump ký là sự đánh dấu một bước leo thang đột ngột trong cuộc chiến của nhà lãnh đạo này với các hãng công nghệ, trong bối cảnh các công ty này đang phải vật lộn với vấn đề thông tin giả trên truyền thông xã hội.

Từ trước đến nay, người ta đã chứng kiến không ít lần ông Trump cáo buộc các trang mạng xã hội thiên vị chính trị, kiểm duyệt phát ngôn của những người theo đường hướng bảo thủ. Phản ứng trước thông tin mới, các công ty công nghệ như Facebook và Google nói rằng đề xuất của Trump đặt ra nguy cơ gây tổn hại cho mạng internet cũng như nền kinh tế số.

Trong tuyên bố đưa ra, người phát ngôn Facebook Andy Stone khẳng định: “Bằng việc bắt các công ty có thể phải chịu trách nhiệm về mọi thứ mà hàng tỷ người trên khắp thế giới phát ngôn, điều này sẽ trừng phạt các công ty lựa chọn cho phép các phát ngôn gây tranh cãi và khuyến khích các nền tảng kiểm duyệt bất cứ điều gì có thể chọc giận bất cứ ai”.

Còn Riva Sciuto đại diện cho Google lên tiếng: “Phá hoại Mục 230 theo cách này sẽ làm tổn thương nền kinh tế của Mỹ cũng như vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ về tự do mạng internet”. Trong khi đó, “người trong cuộc” Twitter lại cho rằng, sắc lệnh của Tổng thống Mỹ mang “màu sắc chính trị”…

Nhưng với những gì mà người ta từng được biết về tính cách của ông Trump, có lẽ như một số ý kiến nhận định, bản thân ông xem đây là “cuộc chiến” cần phải tiến hành. Khúc mắc mới của Tổng thống Mỹ với Twitter càng củng cố thêm quan điểm cá nhân của ông, rằng có nhiều lực lượng hùng mạnh trong giới truyền thông đoàn kết chống lại ông, và tiếng nói của ông là thứ duy nhất mà những người ủng hộ có thể tin tưởng.

Jason Miller - Giám đốc truyền thông trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump và là người trực tiếp can thiệp chiến lược truyền thông xã hội của ông chủ Nhà Trắng nhận định: “Tình thế này có lợi cho Tổng thống Trump. Về cơ bản họ đã trao cho ông một món quà lớn".

Động thái gán nhãn cảnh báo của Twitter đối với các bài đăng của ông Trump đã khơi mào phản ứng giận dữ từ phía Nhà Trắng. Ảnh: AFP
Động thái gán nhãn cảnh báo của Twitter đối với các bài đăng của ông Trump đã khơi mào phản ứng giận dữ từ phía Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Hôm 27/5, nhiều đồng minh chính trị cũng đã lên tiếng ủng hộ ông, đơn cử như Nghị sỹ Florida, xuất thân đảng Cộng hòa Matt Gaet với quan điểm: “Twitter đang can thiệp vào cuộc bầu cử 2020. Họ đang nhúng ngón tay làm sai lệch cán cân. Quan niệm rằng họ sẽ thuê ngoài những người luôn sai lầm về mọi thứ để kiểm chứng sự thật là một sự xúc phạm”.

Như “thêm dầu vào lửa”, quản lý chiến dịch tranh cử của Trump là Brad Parscale khẳng định ê kíp của ông sẽ không chi trả quảng cáo trên Twitter nữa, và cáo buộc ông lớn công nghệ này cố ý gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử để gây tổn hại cho Trump.

Nhưng điều thú vị là, dẫu “cơm không lành, canh không ngọt” với đối phương đến mức ông Trump tuyên bố không có gì hơn ngoài việc bỏ tài khoản Twitter đi, song nhà lãnh đạo này vẫn quyết định giữ lại. Bởi theo ông, đây là cách để phá vỡ “âm mưu” của cánh báo chí và đưa quan điểm của mình đến với hàng triệu người theo dõi, ủng hộ mình!

Câu chuyện chưa biết sẽ “hạ màn” như thế nào, cũng không rõ liệu động thái của Trump có phải là “đòn gió” cảnh cáo các công ty truyền thông xã hội rằng hãy để mặc ông “tung hoành” và chớ nối gót Twitter như vừa qua hay chỉ là kế “điệu hổ ly sơn” để đánh lạc hướng chú ý của dư luận khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 như cáo buộc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Chỉ biết chắc một điều rằng, tổn thất với các ông lớn công nghệ là có thật, khi chứng khoán của Twitter đã giảm 4%, Facebook 1,6%... trong phiên giao dịch cùng ngày sắc lệnh được ký; còn các cơ quan hữu quan sắp sửa bận rộn để thực thi những nội dung theo lệnh của ông chủ Nhà Trắng.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó. 

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

(Baonghean.vn) - Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ngày 11/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.

Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không để ai bắt nạt trong vấn đề Ukraine

Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không để ai bắt nạt trong vấn đề Ukraine

(Baonghean.vn) - Bản tin hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau: Ukraine tuyên bố chuẩn bị kế hoạch phá hủy cầu Crimea; Nghị sĩ Ukraine thông qua dự thảo bước đầu về việc gọi nhập ngũ người bị kết án tù; Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không để ai bắt nạt trong vấn đề Ukraine...

Hoài nghi về ‘chiếc ô hạt nhân’ của Mỹ, châu Âu tăng chi tiêu quân sự: Liệu có muộn?

Hoài nghi về ‘chiếc ô hạt nhân’ của Mỹ, châu Âu tăng chi tiêu quân sự: Liệu có muộn?

(Baonghean.vn) - Từng tin tưởng giao an ninh cho Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ, châu Âu giờ thức tỉnh rằng, họ không còn có thể hoàn toàn trông cậy vào “chiếc ô hạt nhân”. Câu hỏi liệu một cường quốc hạt nhân có sẵn sàng đánh đổi lợi ích để bảo vệ đồng minh xa xôi, trở thành vấn đề cốt lõi.