Tổng thống Nga Putin thăm Saudi Arabia, Mỹ đứng ngồi không yên

Khang Duy 15/10/2019 09:37

(Baonghean) - Sau nhiều tín hiệu lạc quan trong quan hệ 2 nước thời gian qua, dư luận có lẽ không mấy bất ngờ với chuyến công du lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Saudi Arabia. Từ cú đập tay chào hỏi giữa Tổng thống Nga Putin và Thái tử Mohammed bin Salman tại Hội nghị G20 tại Argentina hồi năm ngoái hay chuyến thăm lịch sử đến Nga của Quốc vương Saudi Arabia năm 2017, lợi ích song phương và các tính toán địa chiến lược được cho là động lực để hai bên tìm đến nhau cũng như phát triển quan hệ lên mức chưa từng thấy!

Đúng thời điểm

Trước hết cần nhắc lại, Tổng thống Nga Putin mới chỉ thực hiện một chuyến công du duy nhất đến Saudi Arabia hồi năm 2007. Sau đó, cả hai bên đã từ chối triển khai các chuyến thăm cấp cao nhất cho đến khi Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud thực hiện chuyến thăm lịch sử đầu tiên đến Nga vào tháng 10/2017.

Dư luận chắc hẳn chưa nhiều người biết rằng, Quốc vương Saudi Arabia chưa bao giờ đến Moscow trong suốt thời kỳ Xô Viết. Dù Liên Xô là nước đầu tiên công nhận nhà nước độc lập đối với Saudi Arabia, nhưng mối quan hệ này đã rạn nứt và cắt đứt vào năm 1938.

Nguyên nhân là do Mockva đã hành quyết Đặc sứ của mình tại Riyadh, đáng nói đây lại là một người bạn thân thiết của Nhà vua Saudi Arabia lúc bấy giờ. Mối quan hệ giữa hai bên chỉ được nối lại sau khi Liên Xô tan rã năm 1991.

Quốc vương Saudi Arabia và Tổng thống Nga năm 2017. Ảnh: Sputnik
Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdul-Aziz Al Saud và Tổng thống Nga Putin năm 2017. Ảnh: Sputnik

Đến một vài năm trở lại đây, các động thái của hai bên đang báo hiệu xu thế hợp tác và cởi mở hơn rất nhiều. Theo giới quan sát, Nga được cho là bắt đầu nỗ lực xích lại gần khu vực Trung Đông nói chung và Saudi Arabia nói riêng vì hàng loạt mục tiêu chiến lược.

Đó phải kể đến vị thế và vai trò của Nga khi tham gia tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria; Nga cũng kiếm được không ít hợp đồng bán vũ khí cho các nước trong khu vực đồng thời tăng cường đầu tư các dự án năng lượng, hạ tầng tại đây.

Rõ ràng, đây là bước đi chiến lược trong bối cảnh Nga vẫn đang chịu nhiều tác động bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như giá dầu giảm sút.

Ngược lại, Saudi Arabia những năm qua đã không còn giữ lòng tin tuyệt đối vào đồng minh Mỹ, đặc biệt khi cựu Tổng thống Barack Obama quay lưng với Riyadh và ký thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi năm 2015.

Chưa hết, đến thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù quan hệ hai bên đã cải thiện hơn nhưng một nhà lãnh đạo với chính sách “Nước Mỹ trên hết” có thể quay lưng với bất kỳ đồng minh nào, cũng vẫn khiến cho Saudi Arabia lo lắng.

Bởi vậy, lựa chọn “mở lòng” với Nga hay Trung Quốc rõ ràng là cách mà Saudi Arabia có thể cân bằng quan hệ cũng như giảm thiểu rủi ro trong quan hệ với đồng minh Mỹ trong thời điểm hiện nay!

Cú đập tay chào hỏi độc đáo và những hình ảnh thân thiết giữa giữa Tổng thống Nga Vladirmia Putin và Thái tử Mohammed bin Salman tại Hội nghị G20 tại Argentina năm 2018. Ảnh: AFP - Reuters
Cú đập tay chào hỏi độc đáo và những hình ảnh thân thiết giữa giữa Tổng thống Nga Vladirmia Putin và Thái tử Mohammed bin Salman tại Hội nghị G20 tại Argentina năm 2018. Ảnh: AFP - Reuters

Mỹ đứng ngồi không yên

Mới đây, dư luận dấy lên nghi ngờ về khả năng của hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ khi không thể bảo vệ cơ sở lọc dầu của đồng minh Saudi Arabia trước các vụ tấn công hôm 14/9.

Sau sự cố, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất Saudi Arabia đã phải cắt giảm hơn một nửa sản lượng. Các tay súng phiến quân Houthi - nhóm vũ trang người Shiite thân Iran tại Yemen đã tuyên bố nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công.

Cả Mỹ và Liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu sau đó đều cáo buộc Iran có liên quan đến vụ tấn công. Tuy nhiên, chính quyền Tehran đã phủ nhận những cáo buộc này.

Trong bối cảnh đó, Nga với mối quan hệ thân thiết với Iran cũng như Thái tử Saudi Arabia đã tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Riyadh điều tra thủ phạm vụ tấn công.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Abquaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AP
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ nhà máy lọc dầu Abquaiq của Saudi Arabia. Ảnh: AP

Thực tế đến thời điểm này, ai, lực lượng nào là thủ phạm thực sự của vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia đã không còn quá quan trọng. Bởi theo tuyên bố mới đây của Tổng thống Putin, cả Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dù mâu thuẫn nhưng không hề muốn đối đầu căng thẳng hay một cuộc xung đột quân sự với Iran.

Bởi nếu kịch bản này xảy ra, bản thân các nước này cũng là bên thiệt hại nghiêm trọng. Thế nhưng điều quan trọng là chẳng bên nào chịu “mấy mặt” mà xuống thang.

Vì thế, Nga xuất hiện tại Trung Đông như một nhân tố trung gian với tiềm lực và tiếng nói đủ sức nặng có thể xoa dịu và hàn gắn các xung đột và hồ sơ nóng hiện nay, trong đó có mối quan hệ Iran - Saudi Arabia.

Nga xuất hiện tại Trung Đông như một nhân tố trung gian để xoa dịu mối quan hệ Iran - Saudi Arabia.
Nga xuất hiện tại Trung Đông như một nhân tố trung gian để xoa dịu mối quan hệ Iran - Saudi Arabia.

Với Nga, đây sẽ là bước tiếp theo để Nga nâng cao vai trò và tiếng nói tại khu vực, là loạt hợp đồng, thỏa thuận đầu tư, mua bán vũ khí với Saudi Arabia.

Còn với Saudi Arabia, kết quả tốt đẹp của chuyến thăm sẽ là thông điệp gửi đến Mỹ rằng, Riyadh sẽ không còn quá phụ thuộc vào “cái ô an ninh của Mỹ”.

Và rằng, việc Thái tử Saudi Arabia tuyên bố sẵn sàng xuống thang với Iran hoàn toàn phù hợp với đề xuất về khung an ninh tập thể cho khu vực vùng Vịnh của phía Nga thời gian qua.

Với những động lực này, nội dung chính mà Nga và Saudi Arabia thảo luận lần này sẽ là căng thẳng giữa Riyadh và Tehran, vấn đề Syria cũng như loạt lĩnh vực hợp tác song phương Nga - Saudi Arabia…

Trước những động thái nồng ấm của Nga và đồng minh Saudi Arabia như vậy, chính quyền Mỹ rõ ràng khó có thể ngồi yên. Mới đây, Mỹ đã ngay lập tức điều thêm 3.000 quân và 2 tổ hợp tên lửa phòng không Patriot đến Saudi Arabia cùng tuyên bố tăng cường bảo vệ Riyadh.

Mỹ tăng quân và hệ thống phòng thủ Patriot tới Saudi Arabia. Ảnh: Đất Việt/Sky News/US Air Force
Mỹ tăng quân và hệ thống phòng thủ Patriot tới Saudi Arabia. Ảnh: Đất Việt/Sky News/US Air Force

Cùng lo lắng Saudi Arabia sẽ chuyển sang mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, chính quyền Washington cũng đã tung ra đòn cảnh cáo khi tuyên bố, nếu Saudi Arabia hay Quatar chuyển sang mua S-400, Mỹ sẽ từ chối cung cấp các công nghệ quốc phòng tốt nhất.

Điều đó có nghĩa, dù quan hệ đã được hâm nóng nhưng không phải Nga và Saudi Arabia đã loại bỏ hoàn toàn những rào cản trong quan hệ hai nước. Không chỉ là “hòn đá tảng Mỹ”, đó còn là những quan điểm chưa thống nhất về nhiều vấn đề, các hồ sơ nóng đòi hỏi lãnh đạo hai bên phải có các cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở.

Tất nhiên, đây sẽ là cả một quá trình không ngắn! Nhưng dù sao, trước mắt, một chương mới giữa Nga và Saudi Arabia chắc chắn sẽ được mở ra trong chuyến công du lần này của Tổng thống Nga Vladirmia Putin!.

Mới nhất
x
Tổng thống Nga Putin thăm Saudi Arabia, Mỹ đứng ngồi không yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO