Tổng thống Pháp quay cuồng chống chọi cuộc khủng hoảng “áo vàng”

(Baonghean) - Những ngày qua, trung tâm thủ đô Paris của Pháp đã rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng nhất kể từ năm 1968. Đây có thể nói là giọt nước tràn ly sau chuỗi ngày biểu tình của người dân và các phe phái nhằm phản đối các chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron liên quan đến giá nhiên liệu, vấn đề tăng lương hưu hay lương tối thiểu.

Giới quan sát cho rằng, biểu tình và bạo động của nhóm “áo vàng” quá khích mới chỉ là “màn dạo đầu” cho những khó khăn và thách thức mà ông Macron phải đối diện sau 18 tháng cầm quyền.

Khải Hoàn Môn thất thủ

Đại lộ Champs Elysees, Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris của Pháp những ngày qua đã rơi vào một cảnh tượng khó tin. Cảnh sát Pháp đã phải dùng tới bình xịt hơi cay, lựu đạn khói để giải tán đám đông người biểu tình “áo vàng” quá khích tìm cách phá các hàng rào an ninh.

Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris của Pháp những ngày qua đã chứng kiến tình trạng bất ổn nghiêm trọng nhất ở thủ đô kể từ năm 1968. Ảnh: AP
Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris của Pháp những ngày qua đã chứng kiến tình trạng bất ổn nghiêm trọng nhất ở thủ đô kể từ năm 1968. Ảnh: AP
Ngay trên Khải Hoàn Môn là những dòng chữ như: “Macron từ chức” hay “Áo vàng sẽ chiến thắng”… Hàng trăm người đã bị bắt giữ, hơn 100 người bị thương trong các cuộc biểu tình và bạo động.

Thực tế, quyết định tăng thuế nhiên liệu của chính phủ Pháp vốn đã có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua. Nhưng do được thực thi cùng lúc giá dầu thế giới tăng lên, đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân nước này.

Dù chính phủ Pháp cho rằng, tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, thế nhưng, hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố để phản đối. Nguy hiểm hơn theo giới quan sát, các nhóm thuộc phe cực tả, cực hữu cũng như phi chính phủ đã nhân cơ hội trà trộn vào đoàn người biểu tình và kích động dư luận.

Chiến lược kích động có vẻ đã thành công khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Macron trong các cuộc thăm dò đã tụt xuống mức thấp kỷ lục. Không những vậy, phản ứng cứng rắn, không khoan nhượng của ông Macron cũng đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến ông bị cáo buộc xa rời quần chúng.

Phong trào “áo vàng” là một phong trào biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu và chi phí đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Pháp. Phong trào đã nổ ra từ ngày 17/11 với hàng nghìn người biểu tình lập các chốt chặn đường trên khắp nước Pháp nhằm gây chú ý và cản trở giao thông.
Để xử lý tình hình, Tổng thống Macron đã phải cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong buổi gặp với các quan chức an ninh ngày 2/12. Dự kiến, trong ngày hôm nay (4/12), Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cũng sẽ trình bày trước Ủy ban pháp luật của Thượng viện tình trạng tấn công cảnh sát và phá hoại của những người biểu tình quá khích cũng như các biện pháp đối phó.
Thách thức mới chỉ bắt đầu

Giọt nước tràn ly những ngày qua thực tế không quá bất ngờ đối với dư luận Pháp. Theo giới quan sát, trong hơn 1 năm đầu nhiệm kỳ, nếu như Tổng thống Pháp Macron được đánh giá là thành công trong lĩnh vực đối ngoại thì lại khá thất bại trong việc xử lý các vấn đề đối nội.

Nhìn lại kể từ khi lên nắm quyền hồi năm ngoái, ông Macron đã thực hiện khá nhiều biện pháp nhằm cải cách nền kinh tế cũng như các cơ quan công quyền. Thế nhưng đáng tiếc, các giải pháp cải cách mà ông Macron đưa ra lại gây tranh cãi trong dư luận.

Đặc biệt, quyết định về thuế hay quyết định cho phép nới lỏng các luật về thuế và sa thải người lao động, đã khiến chỉ số tín nhiệm của người dân dành cho Tổng thống liên tục giảm mạnh.

Liên tiếp các cuộc biểu tình, tuần hành đã diễn ra trong suốt năm 2018 phản đối các chính sách khác nhau của chính phủ. Như hồi tháng 5, hàng chục nghìn người đã tuần hành qua quảng trường Bastille để phản đối chính sách cải cách kinh tế của Tổng thống Macron.

Sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, ngày 2/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Khải Hoàn Môn để khảo sát tình hình bạo loạn tại đây. Ảnh: AP
Sau khi trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina, ngày 2/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Khải Hoàn Môn để khảo sát tình hình bạo loạn tại đây. Ảnh: AP
Theo ông Macron, những cải cách này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế Pháp cạnh tranh với thị trường thế giới sau nhiều năm trì trệ. Tuy nhiên nhiều luồng ý kiến cho rằng, ông Macron đang đi theo khuynh hướng chỉ tập trung vào lợi nhuận chứ không đặt lợi ích của tầng lớp lao động làm vấn đề ưu tiên.

Như ông Philippe Martinez, người đứng đầu Tổng Liên đoàn Lao động CGT bình luận, nước Pháp cần thay đổi nhưng chính phủ trên hết phải chăm lo được cho đời sống của người dân. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, ông Macron là một vị Tổng thống của giới nhà giàu.

Những diễn biến này đang tái hiện những dự báo khó khăn mà người ta đưa ra khi ông Macron đắc cử Tổng thống hồi tháng 5 năm ngoái, với hàng loạt thách thức không phải mới xuất hiện mà đã tồn tại suốt gần 20 năm qua tại Pháp. Đó là nền kinh tế phát triển chậm chạp, xã hội và chính trường bị chia rẽ nặng nề.

Trọng trách của ông Macron khi đó đã được chỉ rõ, đó không chỉ dung hòa lợi ích, kết nối giới tinh hoa của nước Pháp mà còn cả trong toàn bộ người dân vốn đang rất thất vọng với giới cầm quyền. Thực tế nhiều năm qua, người dân Pháp đã vô cùng chán ngán sự đấu đá lẫn nhau trên chính trường giữa các chính đảng truyền thống, khiến cho cuộc sống của người dân không được quan tâm đầy đủ.

Vì thế, cử tri đã đặt niềm tin vào một vị Tổng thống “rất mới” như ông Macron. Thế nhưng mới chỉ sau hơn 1 năm cầm quyền, với không ít chính sách gây tranh cãi, người dân Pháp dường như đã dần hết kiên nhẫn. Cộng thêm những nhóm cực đoan quá khích luôn tìm kiếm cơ hội kích động, tình thế đã trở nên bất ổn nghiêm trọng như hiện nay.

Rõ ràng, các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn đã không chỉ dừng lại ở một bài kiểm tra đầu nhiệm kỳ, thể hiện thang đo tín nhiệm giảm sâu đối với Tổng thống. Chúng đang đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với ông Macron: Liệu sẽ kiên trì cứng rắn theo các chính sách hiện nay hay sẽ có những điều chỉnh để xoa dịu người dân?

Thế nhưng trong tuyên bố mới đây tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Argentina, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, mặc dù ông thấu hiểu sự giận dữ của một bộ phận người dân, nhưng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Tuyên bố này đã thể hiện quyết tâm của Tổng thống Pháp thực hiện lộ trình cải cách đất nước đã đặt ra, nhưng nó đồng nghĩa, một giai đoạn khó khăn mới đang chờ đợi ông Macron những ngày tới đây./.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.