Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Mỹ: Thử thách của ‘tình bạn’

(Baonghean) - Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Nhà Trắng thực sự là “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Bởi lẽ, ông Erdogan đã có một quyết định dũng cảm khi tới thăm Mỹ trong bối cảnh gần như cả nước Mỹ đều chống lại ông. Chỉ có Tổng thống Mỹ Donald Trump thì vẫn luôn gọi ông là “người bạn tốt”, và người ta chờ đợi “tình bạn” đó có thể đưa quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua sóng gió như thế nào.

Sự chào đón băng giá

Ông Tayyip Erdogan có thể được trải thảm đỏ trong buổi đón tiếp tại Nhà Trắng, ông cũng có thể được Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nồng ấm. Thế nhưng, đó có lẽ là đốm lửa ấm áp duy nhất chào đón ông ở nước Mỹ, bởi bên ngoài Nhà Trắng, giới chính trị gia Mỹ và rất nhiều người dân Mỹ đều không chào đón chuyến thăm này. Bầu không khí băng giá trong chuyến thăm tới Mỹ lần này của ông Tayyip Erdogan khiến nhiều người liên tưởng tới lần gần nhất ông tới Mỹ vào năm 2017, khi đám đông người biểu tình đổ xuống đường phản đối ông Erdogan, thậm chí còn dẫn tới những xô xát giữa cận vệ của ông Erdogan với người biểu tình Mỹ.

Ông Tayyip Erdogan và phu nhân lên đường tới thăm Mỹ. Ảnh: DW - Washington Post
Ông Tayyip Erdogan và phu nhân lên đường tới thăm Mỹ. Ảnh: DW - Washington Post

Việc giới chính trị gia Mỹ, người dân Mỹ không chào đón ông Erdogan là biểu hiện rõ nhất trong sự xuống dốc trong quan hệ giữa hai nước từng một thời là đồng minh thân thiết, xuất phát từ những chính sách đối ngoại không được lòng nhau của cả hai bên. 

Đỉnh điểm của những mâu thuẫn và bất đồng chính là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ triển khai chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình” nhằm vào khu vực Đông Bắc Syria nhằm đánh bật lực lượng người Kurd khỏi khu vực này. Quyết định này đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong Quốc hội Mỹ, cho rằng ông Erdogan “vuốt mặt không nể mũi” khi sẵn sàng nã súng vào lực lượng vốn được Mỹ “chống lưng” tại Syria. Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ, dù rằng đã bị Thượng viện Mỹ với sự áp đảo của phe Cộng hòa ngăn chặn.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga bất chấp mọi cảnh báo của Mỹ là một nguyên nhân nữa khiến ông Erdogan hứng chịu làn sóng chỉ trích tại Mỹ, đi ngược lại tuyên bố của Mỹ về việc “S-400 không được phép xuất hiện tại bất cứ quốc gia nào trong khối NATO”. Ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của ông Erdogan, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien đã nói rằng nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi quyết định trong vấn đề S-400, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ sẵn sàng có hiệu lực vào bất cứ lúc nào.

Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong Quốc hội Mỹ. Ảnh: Getty Images/EPA
Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong Quốc hội Mỹ. Ảnh: Getty Images/EPA

Tấn công người Kurd, “liên thủ” với Nga tại Syria, mua S-400 bất chấp việc bị loại khỏi chương trình mua sắm máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ chưa phải là tất cả những gì mà ông Tayyip Erdogan khiến cho nước Mỹ giận dữ. Ông Erdorgan còn duy trì hàng loạt chính sách đối ngoại như “thêm dầu vào lửa” khác như khoan dầu ở vùng biển tranh chấp ngoài khơi đảo Síp trong khi Mỹ và châu Âu phản đối kịch liệt, giúp Venezuela “rửa tiền” để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, duy trì mối quan hệ hòa nhã với Iran đi ngược lại chính sách của Mỹ…

Các bước đi của ông Ergogan thực sự thách thức chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ, được đưa ra dựa trên một sự đặt cược rằng nước Mỹ cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn là Thổ Nhĩ Kỳ cần Mỹ. Vì thế, không có gì khó hiểu khi ông Erdogan phải đối diện với một sự chào đón băng giá khi quyết định tới thăm Mỹ ở thời điểm này.

Mối liên kết sáng giá

Giới phân tích cho rằng, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn khi lòng tin giữa các cơ quan chính phủ hai bên đang bị xói mòn, và điểm sáng duy nhất là mối quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Tayip Erdogan. Còn nhớ tại lễ khai trương Tháp Trump ở Istanbul hồi năm 2012, ông Donald Trump khi đó còn là một “ông trùm bất động sản” đã không hết lời ca ngợi ông Tayyip Erdogan là một “nhà lãnh đạo được thế giới kính trọng”. Đến khi đắc cử, ông Donald Trump vẫn không ngừng gọi ông Erdogan là “người bạn tốt”.

Ông Tayyip Erdogan đưa ra nhiều quyết định thách thức chính sách đối ngoại của Mỹ. Ảnh: K2 Radio
Ông Tayyip Erdogan đưa ra nhiều quyết định thách thức chính sách đối ngoại của Mỹ. Ảnh: K2 Radio

Thế nhưng, cuộc gặp giữa “hai người bạn” hôm nay không phải nơi để hàn huyên, tâm sự, mà “hai người bạn” cần phải thẳng thắn thảo luận những vấn đề gai góc nhất, để chứng minh rằng mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo thực sự có giá trị trong việc giữ cho mối quan  hệ giữa hai quốc gia không hoàn toàn sụp đổ. Trước thềm chuyến thăm, ông Erdogan cũng đã tuyên bố rằng ông có cùng quan điểm với Tổng thống Donald Trump về việc cần phải giải quyết các vướng mắc, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang bị bao phủ bởi màn sương mù lạnh giá. Tất nhiên, mối quan tâm lớn nhất trong cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tayyip Erdogan chính là việc hai nhà lãnh đạo xử lý như thế nào trong hai vấn đề nổi cộm nhất là chính sách tại khu vực Đông Bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga. Theo giới phân tích, việc Mỹ ép Thổ Nhĩ Kỳ đảo ngược các quyết định gần như là không thể. Thay vào đó, ông Donald Trump có thể đưa ra những đề xuất vì lợi ích chung.

Để giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng trong quyết định tấn công quân sự vào khu vực Đông Bắc Syria trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp cận theo hướng Thổ Nhĩ Kỳ cam kết duy trì lệnh ngừng bắn lâu dài, không gây hại cho lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu của Mỹ trong việc ngăn chặn sự hồi sinh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 của Nga, Mỹ có thể “lùi một bước”, không yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ hợp đồng, song cần có sự đảm bảo của Thổ Nhĩ Kỳ về việc không triển khai S-400, không để S-400 tiếp cận các hệ thống phòng thủ có thể đối đầu với F-35. Đổi lại, Mỹ có thể cho phép Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại chương trình mua sắm F-35, đồng thời đưa ra những đề xuất “hậu hĩnh” về mặt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ như ký thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD.

Thách thức của hai nhà lãnh đạo trong việc đưa quan hệ Mỹ - Thổ trở về đúng hướng. Ảnh: DW
Thách thức của hai nhà lãnh đạo trong việc đưa quan hệ Mỹ - Thổ trở về đúng hướng. Ảnh: DW

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể tính tới bài toán hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong khai thác các mỏ dầu mà Mỹ đang “bảo vệ” ở miền Đông Syria. Các mỏ dầu này có thể giải bài toàn kinh tế cho lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn trong khu vực, đồng thời có thể mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ hàng tỷ USD từ thuế khi các lô dầu này được xuất khẩu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Thử thách trong cuộc gặp của “hai người bạn” Donald Trump và Tayyip Erdogan là làm thế nào giảm thiểu những tác động tiêu cực, đồng thời củng cố những mặt tích cực trong mối quan hệ đầy sóng gió giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể nói Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn rất nhiều điều không hài lòng về chính sách đối ngoại của nhau. Nhưng xét cho cùng, việc đánh mất một đồng minh ở thời điểm này đều không có lợi cho cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, dù bất đồng có thể chưa được giải quyết một cách triệt để qua chuyến thăm của ông Tayyip Erdogan, nhưng nó cũng cho thấy ý chí chính trị của cả hai bên trong việc dần đưa mối quan hệ trở về đúng hướng.

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.