Tổng thống Trump: Đã có lúc Thế chiến III ‘không còn xa’
Tổng thống Mỹ cho rằng, một chính quyền Kamala Harris hẳn có thể châm ngòi xung đột toàn cầu trong vòng 1 năm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, chiến thắng bầu cử của ông là điều quan trọng giúp ngăn chặn Thế chiến III. Ông khẳng định rằng, nếu cựu Phó Tổng thống Kamala Harris được bầu vào tháng 11 năm ngoái, một cuộc xung đột toàn cầu sẽ xảy ra trong vòng 1 năm.
Hôm 19/2 (giờ Mỹ), ông Trump nhắc lại mong muốn được nhớ đến như một “người kiến tạo hòa bình và người thống nhất” khi có mặt tại Miami Beach, trong một sự kiện của Viện Sáng kiến đầu tư tương lai (một tổ chức phi lợi nhuận do quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia điều hành). Ông nói rằng, giải quyết các xung đột ở Trung Đông và Ukraine là những mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của mình.
“Không ai có lợi nhuận gì từ Thế chiến III, và mọi người không cách xa nó đâu”, Tổng thống Trump nói với khán giả. “Nếu chúng ta có chính quyền này thêm 1 năm nữa, mọi người sẽ ở trong Thế chiến III, còn bây giờ điều đó sẽ không xảy ra”.
Trong bài phát biểu chia tay tại Bộ Ngoại giao vào tháng trước, Tổng thống khi đó là ông Joe Biden đã nói rằng, các mục tiêu lớn nhất của chính quyền ông là “tập hợp thế giới và bảo vệ Ukraine” và “tránh chiến tranh giữa 2 cường quốc hạt nhân”.
Ông Trump đã chỉ trích Biden và đội ngũ của ông, bao gồm cả bà Harris, vì những gì ông cho là sự bất tài nghiêm trọng. Ông thường lập luận rằng, dưới sự lãnh đạo của mình, các căng thẳng về vấn đề Ukraine hẳn đã không leo thang thành xung đột vũ trang.
Đầu tuần này, các quan chức cấp cao từ Nga và Mỹ đã gặp nhau tại Saudi Arabia để thảo luận về việc cải thiện quan hệ vốn đã căng thẳng dưới thời ông Biden. Ông Trump đã khen ngợi vai trò của Riyadh trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, nhận xét chúng rất thành công và củng cố những nỗ lực của chính quyền ông trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Động thái can dự về mặt ngoại giao này đã dẫn đến căng thẳng giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Ukraine Vladimir Zelensky, người khẳng định rằng, các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột không nên diễn ra nếu không có sự tham gia của Kiev.
Ông Trump đã chỉ trích ông Zelensky trong bài phát biểu của mình, gọi nhà lãnh đạo ở Kiev là “một nhà độc tài không qua bầu cử” và cho rằng, ông Zelensky đang làm cạn kiệt nguồn lực của Mỹ thay vì tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Nga. Ông Trump cho rằng, ông Zelensky “muốn tiếp tục nhận được lợi ích một cách dễ dàng”, và cảnh báo rằng, ông “nên hành động nhanh, nếu không sẽ không còn đất nước nữa”.
Trước đó, ông Zelensky đã cáo buộc ông Trump lặp lại “thông tin sai lệch từ Nga” về tỷ lệ ủng hộ thấp dành cho ông ở Ukraine, viện dẫn một khảo sát từ một đơn vị thăm dò dư luận tại Kiev cho thấy công chúng ủng hộ ông nắm quyền. Đáp lại, ông Trump khẳng định mình đang dựa vào “các cuộc thăm dò thực sự của Ukraine”.