Tổng thống Trump tuyên bố dùng 'nắm đấm thép' bảo vệ đồng minh

31/07/2017 17:29

Mỹ và các đồng minh liên tục có các động thái răn đe và gây sức ép lên Triều Tiên sau vụ nước này phóng tên lửa đạn đạo (ICBM)

Tổng thống Trump tuyên bố dùng 'nắm đấm thép' bảo vệ đồng minh
Một tên lửa THAAD được phóng thành công tại Mỹ - Ảnh: Reuters

Hai ngày sau vụ phóng tên lửa tầm trung của Triều Tiên, các nước vẫn ráo riết tìm cách đối phó với Bình Nhưỡng.

Hãng tin Reuters đưa tin thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với nhau trong ngày 31-7 và nhất trí cần có thêm hành động với Triều Tiên sau khi đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố dẹp việc đối thoại với Bình Nhưỡng.

“Cộng đồng quốc tế, bao gồm Nga và Trung Quốc, cần nghiêm túc về chuyện này và tăng cường sức ép (lên Triều Tiên)” - ông Abe nhấn mạnh sau cuộc điện đàm kéo dài 50 phút với ông Trump.

Nhà Trắng cho biết ông Trump đã cam kết sẽ dùng hết khả năng để thực hiện cam kết nắm đấm thép bảo vệ các đồng minh.

Trước đó, đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley tuyên bố Washington sẽ không kêu gọi họp Hội đồng Bảo an LHQ vì họp hành cũng vô nghĩa nếu không đưa ra được biện pháp đối phó với Triều Tiên. Theo bà Haley, việc đó chỉ khiến Bình Nhưỡng nghĩ rằng cộng đồng quốc tế không dám đối đầu với nước này.

Tiếp nối kêu gọi của tổng thống Trump trên Twitter, bà Haley cũng kêu gọi Trung Quốc hành động. “Trung Quốc phải quyết định liệu họ cuối cùng có chịu có động thái quan trọng hay không. Thời gian để thương thảo đã kết thúc” - bà Haley tuyên bố.

Trong khi đó, Bộ quốc phòng Mỹ tuyên bố quân đội nước này đã bắn hạ thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung trong vụ thử Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Trong vụ thử diễn ra trên Thái Bình Dương ngày 30-7, tên lửa đánh chặn từ đơn vị của THAAD ở bang Alaska đã "phát hiện, truy tìm và đánh trúng" một tên lửa tầm trung phóng từ máy bay C-17 đang bay trên Thái Bình Dương. Đây là vụ thử thành công thứ hai trong tháng qua.

Đài CNN dẫn lời giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) Sam Greaves khẳng định vụ thử là một phần trong nỗ lực “đi trước các mối đe dọa”.

“Ngoài việc đánh chặn mục tiêu, các dữ liệu thu thập được cũng sẽ giúp MDA củng cố hệ thống THAAD” - ông Greaves giải thích thêm.

Thật trùng hợp, hôm nay (31-7) bộ Quốc phòng Hàn Quốc vừa tuyên bố đã bắt đầu cuộc đàm phán với Mỹ về việc triển khai thêm THAAD tại Hàn Quốc. Trước đó, Washington đã nhất trí lắp đặt sáu giàn phóng THAAD ở phía nam Seoul.

Việc Mỹ tiến hành vụ thử tên lửa đánh chặn lần này được cho là nhằm đáp trả việc Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa Hwasong-14 vào đêm 28-7.

Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa liên tiếp thứ hai của Triều Tiên. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận tên lửa đạt tới độ cao 3.724,9 km và bay được 998 km trong khoảng 47 phút trước khi rơi xuống biển gần Nhật Bản.

Tokyo cho biết tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật trên Biển Nhật Bản. Giới quân sự nhận định kết quả cho thấy Bình Nhưỡng đã có thể điều chỉnh chính xác đường bắn của tên lửa tầm xa của họ, đồng nghĩa với việc sở hữu công nghệ đưa ICBM trở lại tầng khí quyển. Đây là yếu tố chủ chốt để hoàn tất chương trình phát triển loại vũ khí này.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Tổng thống Trump tuyên bố dùng 'nắm đấm thép' bảo vệ đồng minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO