Toyota bị kiện vì lỗi túi khí

14/11/2017 16:17

Khoảng 500.000 người Australia có thể tham gia vụ kiện đối với 7 hãng ôtô do ảnh hưởng từ các chiến dịch triệu hồi xe có lắp túi khí lỗi.

Vụ kiện tập thể đối với Toyota xuất phát từ những khách hàng bị tác động từ đợt triệu hồi xe do lỗi bơm túi khí Takata. Quinn Emanuel Urquhart and Sullivan (Quinn Emanuel), một trong những hãng luật lớn nhất thế giới, đứng ra nộp đơn kiện, đồng thời cho biết vụ việc sẽ ảnh hưởng tới hơn nửa triệu người Australia, theo Northern Star.

Khi được kích hoạt do xe đâm đụng, túi khí Takata có thể phát nổ và các mảnh vỡ có thể gây sát thương với người trên xe.
Khi được kích hoạt do xe đâm đụng, túi khí Takata có thể phát nổ và các mảnh vỡ có thể gây sát thương với người trên xe.

Những đơn kiện tương tự đối với các hãng Honda, Mazda, BMW, Subaru, Audi và Volkswagen dự kiến được đệ lên tòa án trong những tuần tới.

Những người từng mua một trong số những sản phẩm của 7 hãng kể trên trong thời gian từ 2001 đến 2017 và xe có trang bị túi khí Takata có đủ điều kiện tham gia vụ kiện.

Đơn kiện được gửi lên tòa án tối cao New South Wales vào ngày 10/11 còn chỉ ra, rằng Toyota đã vi phạm nghĩa vụ với khách hàng theo Luật Tiêu dùng Australia.

Damian Scattini, đối tác của Quinn Emanuel cho biết, hàng trăm người sở hữu xe Toyota đã đăng ký tham gia vụ kiện từ khi thông tin được công bố vào tháng 7 vừa qua.

"Tính trên toàn cầu, triệu hồi túi khí Takata là vụ triệu hồi về sự an toàn của sản phẩm lớn nhất lịch sử và số lượng khách hàng Australia có khả năng bị ảnh hưởng có thể tạo ra vụ kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lớn nhất ở Australia", Scattini nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, kể từ 2009, hơn 2,3 triệu ôtô ở Australia nằm trong diện triệu hồi. Những túi khí lỗi được lắp trên những xe sản xuất từ 2002 cho đến 2015 và đã gây ra cái chết của ít nhất 18 người và khiến hơn 180 người bị thương trên khắp thế giới.

Vụ kiện sẽ giúp những người Australia sở hữu xe bị lỗi túi khí có cơ hội được thay thế loại túi khí an toàn hoặc được hoàn trả tiền, theo ý kiến của Scattini.

Hơn 20 năm trước, các hãng xe gật đầu đồng ý để Takata cung cấp túi khí. Đến năm 2013, nhiều nhà sản xuất xe hơi bắt đầu triệu hồi số lượng lớn xe trang bị túi khí Takata. Còn các báo cáo cho biết lỗi này có thể bắt đầu từ cả thập kỷ trước đó.

Trong tháng 4 và 5/2013, tổng cộng 3,6 triệu xe bị triệu hồi.

Đến tháng 6/2014, Takata thừa nhận hãng có lượng hóa chất được bảo quản không đúng cách và đã quản lý không đúng việc sản xuất chất nổ đẩy, loại được sử dụng trong túi khí, tại nhà máy ở Mexico.

Ngày 23/6/2014, các hãng gồm BMW, Chrysler, Ford, Honda, Mazda, Nissan và Toyota công bố triệu hồi hơn 3 triệu xe trên toàn cầu do lỗi túi khí Takata.

Tháng 7/2014, một phụ nữ người Malaysia đang mang thai thiệt mạng khi chiếc Honda City đời 2003 của cô gặp tai nạn. Nạn nhân, 42 tuổi, tử vong do mảnh vỡ kim loại từ túi khí ở vị trí tài xế cứa trúng cổ khi cô đang lái xe ở tốc độ khoảng 30 km/h thì bị một ôtô khác đâm trúng.

Tháng 11/2014, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) yêu cầu Takata triệu hồi xe toàn cầu sau khi 10 hãng ôtô tại Mỹ gọi về sửa chữa hàng trăm nghìn xe có trang bị túi khí nguy cơ bị lỗi do Takata sản xuất.

Tháng 5/2015, Takata chịu trách nhiệm với đợt triệu hồi lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô. Khoảng 40 triệu xe thuộc 12 thương hiệu với "túi khí có thể phát nổ và bắn mảnh vỡ nhọn vào mặt và cơ thể tài xế cũng như hành khách ở hàng ghế trước". Tháng 11 cùng năm, Takata bị phạt 200 triệu USD tại Mỹ.

Tháng 5/2016, NHTSA công bố chiến dịch triệu hồi bổ sung với dự kiến 35-40 triệu bơm túi khí, với con số trước đó là 28,8 triệu bơm túi khí.

Tháng 8/2016, một xe tải chở linh kiện túi khí Takata gặp tai nạn ở Quemado, Texas (Mỹ) và khiến thùng xe phát nổ, phá hủy một ngôi nhà và giết chết một phụ nữ trong đó.

Tháng 1/2017, Mỹ kết tội 3 quan chức Takata vì túi khí phát nổ. Hãng đồng ý trả một tỷ USD, gồm 25 triệu USD tiền phạt, 125 triệu bồi thường cho các nạn nhân và 850 triệu bồi hoàn cho các hãng ôtô.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Toyota bị kiện vì lỗi túi khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO