Toyota Raize tăng giá, muốn mua phải chờ 1 năm mới có xe
Ký hợp đồng đặt mua trước thời điểm tăng giá, khách hàng mua xe Toyota Raize bị đại lý áp dụng giá mới, thường chênh từ 20-30 triệu đồng.
Thời gian vừa qua, rất nhiều khách hàng bày tỏ bức xúc trước việc Toyota liên tục điều chỉnh tăng giá bán của dòng xe Raize. Trong đó, một số khách hàng cho biết dù đã ký hợp đồng đặt mua trước vài tháng nhưng khi lấy xe lại phải trả tiền theo giá mới.
Anh Ngô Tuấn (TP.Việt Trì) đặt mua xe Toyota Raize từ tháng 1.2022 với giá tiền 527 triệu đồng. Cuối tháng 7, anh được đại lý thông báo đã có xe, nhưng giá tiền cao hơn 20 triệu đồng so với thời điểm anh đặt mua. Anh Tuấn cho rằng điều này không chấp nhận được, vì thời điểm anh đặt mua xe, không được đại lý thông tin xe sẽ tăng giá theo thời điểm.
Theo anh Tuấn, một số đại lý còn có chính sách khách hàng phải mua thêm phụ kiện kèm theo xe nếu muốn được nhận xe sớm.
Lý giải về điều này, một nhân viên kinh doanh tại Toyota Mỹ Đình cho biết, khách hàng khi đặt cọc xe Toyota Raize chỉ là hợp đồng đặt mua, không phải hợp đồng mua bán. Chính vì vậy, giá xe thực tế sẽ thay đổi khi khách hàng được giao xe và làm hợp đồng mua bán.
Toyota Raize tại đại lý. Ảnh: Duy Thành |
Cũng theo nhân viên này, giá xe của Toyota Raize được nhập từ Indonesia hiện cao hơn so với thời điểm trước. Toyota Raize có 8 phiên bản, trong đó đắt khách nhất là 2 phiên bản Raize 1.0T GR Sport và Raize 1.0T GR Sport TSS...
Tại Việt Nam, tạm thời chỉ nhập về 1 phiên bản với các tông màu khác nhau. Mức giá 547 triệu dành cho màu đen, đỏ và 555 triệu dành cho màu ngọc lam/đen, vàng/đen, ngọc trai, trắng/đen, đỏ/đen.
Cũng theo nhân viên bán hàng, thời điểm này, khách hàng đặt cọc xe thì phải đến tháng 6.2023 mới được giao xe. Và không phải muốn đặt cọc là được mà phải trình lên cấp trên, nếu được phê duyệt thì mới làm hợp đồng đặt mua. Điều này theo lý giải của nhân viên bán hàng “để tránh ảnh hưởng đến tiến độ giao xe của khách".
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các mẫu ôtô mới khan hiếm hàng xuất phát từ chuỗi cung ứng chip, linh kiện sản xuất ôtô trên thế giới bị đứt gãy do tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây đã khiến cho chuỗi cung ứng càng trở nên khó khăn hơn... Nhiều hãng xe không đủ linh kiện, chip để lắp ráp, nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Từ đó dẫn đến thiếu hụt xe, cung không đủ cầu.
Mức tiêu thụ nhiên liệu của Raize. Ảnh: Duy Thành |
Tuy nhiên, nam nhân viên bán hàng cũng "mách nước" để khách hàng có thể nhanh chóng sở hữu chiếc Raize. Đó là việc mua lại cọc của những khách hàng đặt trước. Song, khách hàng sẽ phải chấp nhận tiền chênh từ 25-30 triệu đồng.
"Nếu đồng ý nhân viên của đại lý sẽ hỗ trợ khách hàng tìm người “pass" lại cọc. Khách có thể lấy xe trong vòng 1-2 tháng", nhân viên nói.
Ngoài Toyota Raize, các khách hàng có thể tham khảo một số mẫu xe gầm cao hạng B cùng phân khúc như Kia Sonet, Hyundai Kona, MG ZS.