TP. Hồ Chí Minh không dán danh sách học sinh trúng tuyển ở trường để bảo mật thông tin
Đại diện Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh cho hay, để bảo mật thông tin, ngành giáo dục sẽ không dán danh sách học sinh tại các trường, phụ huynh xem trên cổng điện tử.
Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, phụ huynh có mã định danh có thể đăng nhập mục dữ liệu tuyển sinh từ ngày 1/5 đến 11/5, kiểm tra dữ liệu có đúng hay không. Nếu đúng, phụ huynh có 10 ngày thao tác thử cho việc thực hiện công tác tuyển sinh.
Ngành giáo dục sẽ triển khai tập huấn cho từng trường, chi tiết từng nội dung. Phụ huynh không cần đến trường nộp đơn, tất cả thực hiện trên cổng trực tuyến, xem kết quả trực tuyến.
Để bảo mật thông tin, ngành giáo dục không dán danh sách học sinh tại các trường, phụ huynh xem trên cổng điện tử. Từ 1/5 đến 10/5 cổng điện tử sẽ mở để phụ huynh kiểm tra thông tin. Nếu thông tin sai lệch, phụ huynh liên lạc với nơi con đang học hay địa phương đã khai báo dữ liệu dân cư kiểm tra, cập nhật lại.
Học sinh TP.HCM (Ảnh: Thanh Tùng) |
Thời gian vừa qua, ở TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương cả nước diễn ra tình trạng phụ huynh bị các đối tượng lừa đảo “con cấp cứu ở bệnh viện” chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Dư luận đặt ra câu hỏi, các đối tượng lừa đảo lấy thông tin học sinh, phụ huynh ở đâu.
Trước đó, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, khẳng định, dữ liệu phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục được bảo mật nghiêm ngặt, do đó việc lộ lọt thông tin phụ huynh không xuất phát từ ngành giáo dục.
Tại tọa đàm lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh mạng trong trường học, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh, cho hay, mỗi ngày phòng cảnh sát hình công an TP. Hồ Chí Minh nhận từ 20-30 đơn tố cáo của người dân về việc bị lừa đảo. Cách thức lừa đảo rất đa dạng như mượn danh người quen, dùng hình ảnh, thậm chí mượn danh cơ quan nhà nước.
Về lỗ hổng thông tin do đâu, Đại úy Tấn Thịnh cho hay, 20% là các doanh nghiệp và cơ quan làm lộ thông tin; 80% là cá nhân tự làm lộ thông tin. Đặc biệt thế hệ gen Z hiện nay đang làm lộ thông tin của mình bằng cách tham gia các mạng xã hội như TikTok…
Một số nhà giáo khẳng định, nhà trường rất coi trọng việc bảo mật thông tin của học sinh. Tuy nhiên, điều khó khăn là khi có sự việc gì với học sinh, các đối tác đều muốn xin lấy thông tin học sinh. Đơn giản một hãng sữa tặng sữa cũng yêu cầu lấy thông tin những em uống sữa.
Bên cạnh đó, các trường đại học đến xin thông tin học sinh để tuyển sinh. Ngoài ra, các nhà giáo cảnh báo, để tránh lộ thông tin học sinh, phụ huynh nên hạn chế khoe thành tích của con trên mạng xã hội./.