Trả nghĩa cuộc đời…

02/12/2014 11:05

(Baonghean) - Trên Tỉnh lộ 532 đi qua xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp), có một xưởng sửa chữa ô tô đặc biệt, chủ doanh nghiệp ấy thường xuyên thu nhận những phạm nhân mãn hạn tù hoặc có hoàn cảnh khó khăn về dạy nghề và tạo việc làm cho họ. Điều đặc biệt hơn, chính ông chủ là người từng có thời gian chấp hành án vì một sai lầm trong quá khứ. Chuyện về nỗ lực hoàn lương, bước qua lầm lỡ để trở thành ông chủ nhỏ, rộng vòng tay giúp đỡ những người đã từng lầm lỡ của anh Phạm Thiết Tưởng (SN 1973) ở khối 11, Thị trấn Quỳ Hợp (Quỳ Hợp) được mọi người khâm phục...

Phạm Thiết Tưởng sinh ra trong một gia đình nghèo có 8 anh, chị em ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sự lam lũ từ thời thơ bé đã sớm tạo nên ý chí và tính cách chịu thương, chịu khó trong anh. Ý thức hoàn cảnh gia đình mình, Tưởng đã sớm thôi học đi làm giúp ba mẹ, lo cho em. May mắn đến với Tưởng khi anh được người chú hướng dẫn theo học nghề sửa chữa ô tô. Xong khóa học, anh vào Nam ra Bắc tìm kiếm việc làm. Khi có tay nghề vững vàng, được khách hàng tin tưởng anh quyết định dừng chân lập nghiệp ở Nghệ An.

Xưởng sửa chữa ô tô của anh Phạm Thiết Tưởng ở xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp).
Xưởng sửa chữa ô tô của anh Phạm Thiết Tưởng ở xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp).

Năm 1996, Tưởng đến làm cho một xưởng sửa chữa ở Thành phố Vinh. 2 năm sau, thông qua mối quan hệ, Phạm Viết Tưởng về huyện miền núi Quỳ Hợp lập nghiệp. Năm 1998, anh mở xưởng tại Thị trấn Quỳ Hợp và kết duyên với chị Đặng Thị Vân. Hạnh phúc tưởng chừng như trọn vẹn khi anh có một gia đình yên ấm, một công việc phù hợp với khả năng và đứa con ngoan. Thế nhưng, chỉ vì tính nóng nảy của mình, anh đã phải vào tù. Năm 2006, do mâu thuẫn với khách hàng sửa xe không chịu trả tiền, hai bên lời qua tiếng lại, Tưởng không kiềm chế được bản thân đã đánh khách bị thương. Với tội danh cố ý gây thương tích, Tưởng bị xử phạt 24 tháng tù giam, thụ án tại Trại giam số 6, Bộ Công an, đóng tại huyện Thanh Chương. Tưởng bảo rằng, lỗi lầm khi ấy chỉ vì "cả giận mất khôn".

Trong thời gian thi hành án, Tưởng được phân vào đội sửa chữa xe, bản thân anh đã cố gắng cải tạo tốt và gắn bó với cán bộ quản giáo, trau nghề bằng cách học hỏi thêm từ những người đi trước. Với anh, đây là quãng thời gian không vô nghĩa mà đổi lại đã giúp anh rút ra được nhiều bài học, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong đối nhân xử thế. Ngày trở về, Tưởng tiếp tục theo nghề sửa chữa xe. Với uy tín công việc từ trước, kinh nghiệm tích lũy từ trong trại, được người thân cho vay vốn, anh đã lập xưởng sửa chữa ô tô ở xóm Liên Tân, xã Thọ Hợp (Quỳ Hợp). Phạm Thiết Tưởng chia sẻ: "Khi xưởng bắt đầu đi vào hoạt động, tôi nghĩ đến việc giúp đỡ những người một thời lầm lỗi, tạo cho họ cơ hội hoàn lương. Thời gian gần gũi với bạn tù, tôi hiểu rằng mong muốn lớn nhất của họ là khi ra trại nhanh chóng tìm được công việc ổn định để làm lại cuộc đời. Mỗi người đều mắc phải những sai lầm nhất định và đã phải trả giá. Sau khi mãn hạn tù, tìm được việc làm sẽ là cơ hội để họ tránh được tái phạm, trở thành người có ích".

Hiện nay, những người được làm tại đây đều có vốn liếng, kinh nghiệm nên đã tự mở xưởng hoặc làm thuê cho các xưởng khác. Trường hợp của anh Trần Ngọc Sơn, hiện ở xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) là một ví dụ. Từng tham gia quân ngũ trở về, anh tham gia phát triển kinh tế tại địa phương. Trong một chuyến vận chuyển vật liệu, Sơn đã gây tai nạn giao thông khiến nạn nhân tử vong, phía gia đình khiếu kiện nên anh bị tuyên phạt 18 tháng tù. Ngày bước ra khỏi cánh cổng trại giam, Sơn buồn bã, tự ti và lo lắng, trong khi gia đình thiếu thốn đủ bề, bố mẹ đã già yếu. Đang trong lúc khó khăn nhất, Sơn mạnh dạn tìm đến anh Tưởng và được anh vui vẻ chấp nhận. Đến nay không chỉ có công việc ổn định để nuôi vợ con, chăm sóc bố mẹ già, Sơn đã có cuộc sống ổn định mang lại thu nhập khá. Ngoài anh Sơn, ở xưởng sửa chữa của Phạm Viết Tưởng còn có anh Phạm Thao, anh Nhật (Huế), anh Ngân, anh Hòa (Quỳ Hợp), sau khi học việc và có việc làm đã mang lại thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/ tháng. Một số đã tự mở xưởng sửa chữa riêng, như anh Nam ở huyện Nghĩa Đàn, anh Hùng ở huyện Quỳnh Lưu

Đến với anh Tưởng, người lao động từng một thời lầm lỡ không chỉ có cơ hội có việc làm mà còn học hỏi được ở ông chủ xưởng về khát vọng, ý chí hoàn lương, lẽ sống biết yêu thương con người, chia sẻ khó khăn. Nói về công việc của mình, anh Tưởng tâm sự: Từ ngày mở xưởng đến nay, đã có hơn100 người đến học nghề và làm công nhân tại xưởng, trong đó có 11 người từng là "bạn tù", họ là những người đồng cảnh ngộ nên luôn có sự thông cảm, không có ngăn cách, mặc cảm... Không chỉ tu chí làm ăn, giúp đỡ người lầm lỗi, Phạm Thiết Tưởng còn là một nhân tố tích cực trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cung cấp nhiều nguồn tin về tội phạm cho lực lượng chức năng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Ghi nhận nghị lực và những đóng góp của anh trong việc giúp đỡ người lầm lỗi, tháng 7/2014, Phạm Thiết Tưởng được Công an tỉnh tặng giấy khen, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích trong công tác tái hòa nhập cộng đồng

\

Bài, ảnh: Anh Dũng

Mới nhất

x
Trả nghĩa cuộc đời…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO