Trách nhiệm của chủ đầu tư khi xảy ra cháy chung cư

N.Huyền 25/03/2018 10:22

PV phỏng vấn luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam về các căn cứ pháp luật để hiểu rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong từng trường hợp cụ thể.

Sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư Carina Plaza, nhiều người thắc mắc việc chung cư đưa vào sử dụng có phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) không? Trong quá trình sử dụng, hệ thống PCCC sẽ được duy trì như thế nào? Pháp luật của nước ta có các quy định như thế nào về các nội dung này, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Theo quy định tại phụ lục IV Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định: Các công trình nhà cao tầng (trừ nhà ở gia đình) phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Hình ảnh sau vụ cháy chung cư Carina Plaza .

Căn cứ Điều 15 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) về thiết kế và thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.

"1. Khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, đặc khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy chữa cháy bảo đảm các nội dung sau đây:

a) Địa điểm xây dựng, bố trí các khu, các lô;

b) Hệ thống giao thông, cấp nước;

c) Bố trí địa điểm hợp lý cho các đơn vị phòng cháy và chữa cháy ở những nơi cần thiết;

d) Dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.

2. Khi lập dự án, thiết kế xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy bảo đảm các nội dung sau đây:

a) Địa điểm xây dựng, khoảng cách an toàn;

b) Hệ thống thoát nạn;

c) Hệ thống kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

d) Các yêu cầu khác phục vụ phòng cháy và chữa cháy;

đ) Dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.

3. Các dự án, thiết kế quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy

Như vậy, khi tiến hành cải tạo, xây mới hay thực hiện thi công công trình phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp về phòng cháy chữa cháy. Chung cư thuộc một trong các công trình ở khu dân cư, tại đây thường có mật độ dân cư đông đúc, vì vậy việc kiểm tra về phòng cháy chữa cháy cần tuân thủ nghiêm ngặt.

Trong quá trình hoạt động, chung cư phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu tại Điều 17 Luật PCCC 2001, như sau:

"1. Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

2. Thôn, ấp, bản, tổ dân phố có các quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ; có giải pháp ngăn cháy; có phương án, lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; có đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy."

Trong vụ cháy chung cư Caria tại TP.HCM, Chủ đầu tư tòa nhà có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không? Đặc biệt, với những trường hợp bị thiệt mạng, người thân của họ được yêu cầu những quyền lợi gì?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Vấn đề này, cần xác minh rõ lỗi (nguyên nhân của vụ cháy) thuộc về tổ chức, cá nhân nào. Trong trường hợp lỗi thuộc về Chủ đầu tư, Ban quản lý tòa nhà thì họ phải bồi thường cho người thân của người bị thiệt mạng những khoản sau:

- Bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

Thiệt hại khác do luật quy định.

- Thiệt hại tinh thần

Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Còn trách nhiệm của lực lượng bảo vệ, Ban quản lý cũng như Chủ đầu tư tòa chung cư trong vụ việc này như thế nào, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng: Vấn đề trách nhiệm phải xác định rõ lỗi thuộc về ai.

Trường hợp thứ nhất, do chập điện hoặc một thiết bị nào đó của tòa nhà hư hỏng dẫn đến cháy nổ thì trường hợp này lỗi hoàn toàn thuộc Chủ đầu tư.

Lỗi của Chủ đầu tư bị xem xét ở một số khía cạnh sau đây:

- Thi công, lắp đặt thiết bị không đúng tiêu chuẩn thiết kế ban đầu của tòa nhà.

- Trang thiết bị không đạt yêu cầu chất lượng (sử dụng thiết bị kém chất lượng hoặc thậm chí là sử dụng hàng nhái, hàng giả) hoặc không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nên không đủ tiêu chuẩn vận hành.

- Hệ thống báo cháy và chữa cháy không hoạt động hoặc hoạt động không như thiết kế, yêu cầu của phòng cháy chữa cháy.

- Xử lý sự cố không đúng quy trình, quy phạm về phòng cháy chữa cháy theo điều lệnh của cơ quan có thẩm quyền quy định.

- Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như Chủ đầu tư không chấp hành các quy định, quyết định của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy như nâng cấp thiết bị, điều chỉnh thiết kế…

Nếu do Chủ đầu tư khi thi công thiết kế công trình không đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho người bị thiệt hại.

Trường hợp thứ hai, tài sản của cư dân tự phát hỏa hoặc gây cháy thì trường hợp này lỗi được xác định là lỗi hỗn hợp (Chủ đầu tư và cá nhân là chủ tài sản gây cháy cùng có lỗi).

Lỗi của cá nhân trong trường hợp này là vô ý. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự, dù vô ý hay cố ý gây thiệt hại cho người khác thì đều phải bồi thường.

Chủ đầu tư được xác định là cùng có lỗi (cố ý về hành vi nhưng không cô ý về hậu quả) bởi hệ thống phòng cháy, chữa cháy đã không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả dẫn đến đám cháy lan rộng, gia tăng thiệt hại. Nếu hệ thống này hoạt động tốt, đúng như thiết kế hoặc yêu cầu của cơ quan quản lý thì chắc chắc thiệt hại sẽ được hạn chế.

Xin cảm ơn luật sư!


Theo Infonet
Copy Link
Mới nhất
x
Trách nhiệm của chủ đầu tư khi xảy ra cháy chung cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO