"Trái tim" của Thành phố Đỏ
(Baonghean) - Phải khi đứng trên đỉnh núi Chung giữa ngày nắng vãn tháng Năm, nhìn thành phố xôn xao tầng cao, mái thấp và những tuyến đường sôi động tỏa mãi ra như vòng sóng đồng tâm, tôi mới phần nào thấm thía tâm ý của những người đã chọn nơi đây làm “dấu son” để đặt công trình giàu ý nghĩa chính trị - văn hóa trên thành phố quê hương Bác. Công trình Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ là một điểm đến, mà còn là nơi kết tinh những giá trị truyền thống – hiện tại, nâng lên tầm vóc của đô thị loại I trong tương lai.
Ông Phan Xuân Ngũ, Nguyên Phó ban Dự án Quảng trường Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng ban Quản lý Quảng trường thời kỳ 2003 - 2010 cho biết: “Quảng trường Hồ Chí Minh là biểu tượng của Thành phố Đỏ anh hùng”. Tôi cùng ông thong dong tản bộ vòng quanh khu vực quảng trường rộng hơn 11 ha, leo lên những bậc thang uốn lượn dẫn lên đỉnh núi Chung (mô phỏng) nay đã rợp bóng mát những loài cây, lắng nghe chia sẻ của người đàn ông ở độ tuổi “cổ lai hy”.
Ông đã nhận chế độ hưu từ năm 2010, nghĩa là đã 5 năm không còn gắn bó với Quảng trường Hồ Chí Minh trên cương vị quản lý nhà nước nữa, nhưng ông bảo, vẫn tìm cho mình một sự gắn bó rất riêng, rất thân thuộc. Mỗi sáng, mỗi chiều, ông cùng đứa cháu nhỏ đi bộ ra quảng trường, hòa cùng dòng người từ khắp nơi tìm về không gian cộng đồng quý giá giữa lòng phố thị. Ông hít sâu vào lồng ngực bầu không khí thân thương ấy, ngắm nhìn từng gốc cây, từng hàng gạch… Ông có cho riêng mình những câu chuyện đặc biệt về Quảng trường Hồ Chí Minh…
Lễ Vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tổ chức ở Quảng Trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Sỹ Minh |
Chuyện đặc biệt ngay từ những ngày khởi phát ý tưởng xây dựng một công trình văn hóa – tâm linh trên thành phố quê hương Bác. “Người có công gợi mở và rất tâm huyết, quyết liệt với công trình này là ông Hồ Xuân Hùng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Từ năm 1997, trong nhiều diễn đàn và ngay cả những cuộc trò chuyện bên lề, ông đều bày tỏ tâm nguyện tha thiết về công trình tầm vóc, bề thế, tưởng nhớ đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên quê hương Người. Ý tưởng nhận được sự nhất trí cao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cái khó là tìm chọn địa điểm nào để tôn lên công trình tầm vóc ấy, và ngược lại, công trình phải tạo giá trị điểm nhấn cho Thành phố Vinh trên đà phát triển trong tương lai”. Đoạn, ông kể, khi đưa ra bàn thảo, đã có đến 7 địa điểm trong thành phố được “chấm”, nhưng rốt cuộc, sau khi xem xét các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế và thuận lợi giao thông, giao thương, thì vị trí hiện nay được chốt để xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh.
Quá trình triển khai giải phóng mặt bằng cho cả khu vực hơn 11 ha diễn ra khá thuận lợi. 325 hộ dân và hơn 10 cơ quan, đơn vị nhà nước đóng trên tuyến đường Trường Thi, Hồ Tùng Mậu đều nhất tâm đồng tình với việc làm nhân văn, ý nghĩa này. “Quá trình giải phóng mặt bằng để xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh có thể ghi kỷ lục trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, chỉ trong vòng vỏn vẹn hơn 2 tháng là hoàn thành, bàn giao cho các đơn vị thi công” - ông Phan Xuân Ngũ nhớ lại.
Đặc biệt hơn, từ ý tưởng xây dựng một công trình văn hóa mang tầm tỉnh, thì công trình Quảng trường Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị duyệt là công trình văn hóa tầm vóc quốc gia, chứa đựng và lan tỏa tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện cho hào khí vững bền của dân tộc Việt Nam. Khởi công xây dựng từ ngày 19/5/2000, tròn 3 năm sau, ngày 19/5/2003, công trình bề thế với hàng trăm hạng mục lớn, nhỏ được hoàn thành, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Theo ông Ngũ, chất lượng và tiến độ công trình được đảm bảo tuyệt đối dường như không vì sự cam kết trong văn bản, mà xuất phát từ tâm nguyện tốt đẹp của các đơn vị thi công, của từng người giám sát, từng người công nhân xây dựng…, mong muốn góp sức mình cho công trình mang tầm vóc và chiến lược của quê hương. “3 năm liên tục, công trường xây dựng lúc nào cũng rộn rã tiếng máy móc, tiếng nhân công bất kể ngày đêm. Tất cả hướng tới mục tiêu chung: Sớm hoàn thành Quảng trường Hồ Chí Minh, dâng lên anh linh vị Cha già kính yêu của dân tộc đúng vào ngày sinh nhật Người”, ông Phan Xuân Ngũ khẽ khàng lần giở ký ức, đôi mắt chớm những lằn chân chim rưng rưng nhìn ra mênh mông phía trước. Ở đó, những dòng xe trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu tấp nập như một dòng chảy không ngừng nghỉ. Còn nơi đây, nơi tôi và ông đang đứng là đỉnh núi Chung vững chãi, bình yên, tựa như điểm dựa hùng vĩ cho sức phát triển mạnh mẽ, năng động phía trước.
Núi Chung có chiều cao hơn 11m, mô phỏng theo hình tượng núi Chung ở quê hương Nam Đàn của Người. Núi nhân tạo được đắp từ hơn 1 triệu khối đất, lấy ở xã Nam Giang (Nam Đàn) - nơi an nghỉ của thân mẫu Bác Hồ là Hoàng Thị Loan. Không phải núi thiên tạo, nhưng tự bao giờ, hình ảnh núi Chung ở Quảng trường Hồ Chí Minh đã trở thành kỷ niệm êm đềm, thành chốn an yên trong tâm tưởng những đứa con phố thị?
Đã là lần thứ bao nhiêu, tôi dạo bước trên ngọn núi lành này, ngắm nhìn những hàng cây bao mùa ngút xanh lên nõn nà màu lá, sắc hoa, mà nghe nói, có đến hơn 300 loài cây từ khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước được trồng ở đây. Mỗi loài cây, loài hoa đại diện cho tấm lòng tưởng nhớ, tri ân của muôn triệu trái tim đất Việt hướng về Người!
Và hình ảnh Người còn đó, giữa bầu trời xanh yên ả của quê hương. Hình ảnh Người tạc trong tâm trí người dân xứ Nghệ, tạc trong bức tượng sừng sững mà nghệ thuật điêu khắc tài ba của những người thợ 3 miền Bắc - Trung - Nam đã gửi gắm tất cả trí lực và tài hoa vào đó.
Về số liệu, tượng đài Bác Hồ ở Quảng trường Hồ Chí Minh đang là một trong những tượng đài bề thế nhất nhì trong cả nước: chiều cao 18 mét kể cả phần bệ, nặng 150 tấn bằng chất liệu đá granite có màu trắng ấm lấy từ tỉnh Bình Định. Sừng sững tượng đài trong khuôn viên quảng trường, với sân hành lễ dài 100 mét, rộng 80 mét, sức chứa trên 3 vạn người, lễ đài được ghép bằng đá granite, khán đài phụ sức chứa 300 người, đường diễu hành thiết kế bền vững có thể sử dụng cho các loại xe trọng tải lớn và cả xe tăng. Hài hòa trong quần thể trang trọng và hoành tráng, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng văn hóa - tâm linh đầy ý nghĩa không chỉ đối với người dân xứ Nghệ mà còn đối với nhân dân cả nước.
Không phải ngẫu nhiên mà Quảng trường Hồ Chí Minh được ví như “trái tim” của nội đô Thành Vinh. Công trình không những có giá trị về chính trị, văn hóa, còn là điểm nhấn về du lịch tâm linh trên con đường di sản xứ Nghệ, mời gọi du khách muôn phương về với mảnh đất địa linh, nhân kiệt. Hàng triệu lượt người đã đến nơi đây trong 13 năm qua, bao nhiêu tấm lòng hướng nguyện dâng Người, bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi vì nỗi xúc động và niềm hạnh phúc…
Từ Quảng trường Hồ Chí Minh, hành trình văn hóa - tâm linh nối dài lên núi Dũng Quyết, với đền thờ Hoàng đế Quang Trung, rồi mạch đền, chùa cổ kính, rêu phong… Những sự kiện tầm vóc đều chọn nơi đây để tổ chức, gần đây nhất, là hoành tráng chương trình Lễ hội Làng Sen năm 2015. Ánh sáng, âm thanh, nụ cười, khoảnh khắc… tất cả quyện hòa trong bầu không khí lộng lẫy mà đại chúng, dưới chân tượng Bác Hồ vững chãi, bình yên. Những sự kiện tầm vóc ấy, như ngàn vạn người con xứ Nghệ, tôi hòa vào dòng người tưởng như bất tận, đứng giữa lòng dân mà thấu cảm bao điều giản dị, lớn lao. Giản dị và lớn lao, đã làm nên một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam…
Phương Chi