Trần Bạch Mai và kỳ tích trên biển
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng câu chuyện về thuyền “tiêu từ” và những bao gạo bọc nilon trôi trên biển để chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cán bộ, công nhân viên Cảng Bến Thủy (sau này là Cảng Nghệ Tĩnh) một thời. Và trong một lần tình cờ, chúng tôi đã may mắn được gặp và trò chuyện với ông Trần Bạch Mai - nguyên Giám đốc Cảng Bến Thủy, người đã đưa ra sáng kiến thả gạo trôi dựa vào những nguyên lý rất đơn giản của vật lý học để chiến thắng kẻ địch có thừa phương tiện chiến tranh hiện đại…
(Baonghean) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng câu chuyện về thuyền “tiêu từ” và những bao gạo bọc nilon trôi trên biển để chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ chống Mỹ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cán bộ, công nhân viên Cảng Bến Thủy (sau này là Cảng Nghệ Tĩnh) một thời. Và trong một lần tình cờ, chúng tôi đã may mắn được gặp và trò chuyện với ông Trần Bạch Mai - nguyên Giám đốc Cảng Bến Thủy, người đã đưa ra sáng kiến thả gạo trôi dựa vào những nguyên lý rất đơn giản của vật lý học để chiến thắng kẻ địch có thừa phương tiện chiến tranh hiện đại…
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”
Năm nay đã gần 80 tuổi đời, 53 tuổi đảng, mái tóc bạc trắng như cước, ông Trần Bạch Mai vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn, phong thái điềm tĩnh của người đã kinh qua lửa đạn chiến tranh. Lật cuốn nhật ký ố vàng, hồi tưởng lại những năm tháng làm nhiệm vụ vận chuyển gạo do nhân dân Trung Quốc tiếp tế bằng tàu Hồng Kỳ tại đảo Hòn Ngư để chi viện cho chiến trường miền Nam, giọng ông xúc động...
Ông Trần Bạch Mai
Năm 1972, để cứu vãn tình thế thất bại ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ tăng cường thêm lực lượng, cho tàu chiến đậu ngoài khơi, cho máy bay thả thủy lôi dày đặc ở bãi ngang vùng biển Cửa Lò và Cửa Hội với mục đích cắt đứt mạch máu giao thông đường thủy và ngăn không cho phương tiện, tàu thuyền tiếp nhận hàng hóa viện trợ của các nước tại vùng biển Hòn Ngư để chi viện cho miền Nam. Bất kỳ một vật gì nổi dù to hay nhỏ cũng đều bị địch đánh chìm. Nhưng điều địch không ngờ tới là “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Bộ Giao thông Vận tải, Cục Vận tải đường biển đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Cảng Bến Thủy (nay là cảng Nghệ Tĩnh) nghiên cứu phương pháp thả hàng trôi trên biển. Lãnh đạo Cảng đã phát động chiến dịch, huy động cán bộ công nhân viên, phát huy tính sáng tạo, không sợ gian khổ, hy sinh bằng mọi giá phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận và giải phóng hàng hóa phục vụ công tác kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Trần Bạch Mai, khi đó là Phó Giám đốc Cảng được tin tưởng giao trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ khó khăn này. Là người thông minh, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không lùi bước trước gian nguy, ông Mai đã ngày đêm trăn trở tìm cách thông tuyến cho gạo viện trợ đến được với miền Nam thông qua đường biển. Có rất nhiều phương án đã được đưa ra và thực hiện... Đầu tiên là cột các bì gạo vào dây nối từ tàu và từ trong bờ kéo vào, cách này hiệu quả thấp mỗi đêm chỉ kéo được 5-10 tấn gạo. Tiếp đến là dùng thuyền tiêu từ bằng gỗ để tránh cảm ứng của thủy lôi đi từ đất liền ra tàu cột hàng vào dây kéo vào bờ, nhưng cách này cũng khá nguy hiểm, đến đêm thứ hai thì thủy lôi nổ, dây đứt. Không nản chí, ông Mai cùng các đồng nghiệp lại nghĩ ra cách vẫn buộc gạo vào dây để kéo vào bờ nhưng sẽ dùng máy kéo thay vì sức người. Cũng chỉ được vài ba hôm, máy bay đến ném bom, máy kéo bị cháy, mọi việc lại rơi vào bế tắc.
Thế rồi, sau những đêm trằn trọc suy nghĩ, nhớ lại cảnh thời bé sau mỗi trận bão, thủy triều dâng ra vùng bãi ngang đều thấy mọi thứ trôi dạt vào bờ, cùng với sự quan sát chiêm nghiệm bao giờ sóng gió cũng đều xuất phát từ biển thổi vào, chỉ trừ gió Nam Lào mới thổi ra, trong đầu ông Mai nảy sinh ra ý tưởng lợi dụng sóng, gió để vận chuyển hàng bằng cách thả trôi trên biển, áp dụng kinh nghiệm thực tế của dân gian: một vật nổi ngoài biển không trước thì sau cũng trôi dạt vào bờ, một vật càng nổi bao nhiêu thì sức đẩy của gió càng lớn bấy nhiêu. Thế rồi, ông đã mạnh dạn đề xuất phương án đóng gạo vào từng kiện, mỗi kiện 40-50 cân, gạo được bọc 4 lớp (một bao ni lon, rồi lại bọc ngoài bằng một bao gai, lớp ngoài cùng bao giờ cũng là tấm ni lon màu cỏ úa thẫm lẫn với màu nước biển) và lợi dụng sóng gió thả hàng vào bờ. Phương án được chấp nhận, Cảng Bến Thủy đã thành lập đội cảm tử do ông Trần Bạch Mai chỉ huy dùng thuyền tiêu từ vượt sóng gió, thủy lôi, pháo sáng của địch ra tàu Hồng Kỳ ở đảo Hòn Ngư làm thí điểm thả hàng trôi trên biển với phương châm lấy biển làm kho, lấy sóng gió làm tàu thuyền, làm phương tiện vận tải. Nhờ vậy, hàng chục vạn tấn hàng hóa vượt qua bom đạn, thủy lôi của giặc Mỹ trôi dạt vào bờ.
Thế nhưng, cái khó là việc bốc dỡ, vận chuyển hàng từ bãi ngang biển Cửa Lò, Cửa Hội, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại rất nguy hiểm. Làm sao lấy được hàng mà giảm bớt thương vong? Sáng kiến được đưa ra là lấy gạo xây thành hầm, lợi dụng khi có gió bão cho xe 3 cầu chạy dọc bờ biển huy động toàn thể cán bộ công nhân viên cảng, dân quân du kích và nhân dân ra bốc hàng... Với phương án thả hàng trôi trên biển, đến ngày 30/ 11/1972, Cảng Bến Thủy đã tiếp nhận được 6 tàu, sản lượng 14,733 tấn gạo, thực tế nhận được 10,852 tấn, đạt tỷ lệ 73,64% đưa vào miền Nam. Còn lại bị địch bắn trôi dạt vào núi bị sóng đánh chìm. Lịch sử đã ghi nhận sáng kiến thả trôi gạo bằng cách tính toán thủy triều, lợi dụng sức gió, dòng chảy thả các bao hàng được gói ni lon nhiều lớp cho trôi vào bờ tự do là hình thức vận chuyển, vận tải đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, được ứng dụng tại nhiều bến cảng, sông suối, có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp nhận hàng viện trợ và vận chuyển lương thực phục vụ kháng chiến.
Công nhân Cảng Bến Thủy vận chuyển gạo lên xe chi viện cho chiến trường miền Nam. (ảnh tư liệu)
Người anh hùng của nhân dân
Người “cha đẻ” của sáng kiến thả gạo trôi trên biển giờ sống giản dị, khiêm nhường trong ngôi nhà nhỏ ở khối Hải Giang 1, phường Nghi Hải (Thị xã Cửa Lò). Cuộc đời ông đủ làm nên một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Từ một cậu bé sinh ra ở làng chài nghèo ven biển, chỉ được học bổ túc văn hóa lớp 3, sau đó trải qua quá trình phấn đấu, học tập, rèn luyện dần trở thành thủy thủ tàu vận tải biển, đại đội trưởng đội bốc xếp, đội trưởng rà phá thủy lôi, phó giám đốc rồi giám đốc Cảng Bến Thủy. Trong quá trình làm việc tại cảng (từ năm 1954 cho đến lúc nghỉ hưu năm 1990), dù thời bình hay thời chiến, ông đều tận tụy, tận tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trên mọi lĩnh vực, toàn tâm toàn ý phục vụ đảng, phục vụ nhân dân.
Nhiều người vẫn còn nhớ và khâm phục ông trong những ngày bom đạn, từ việc tìm luồng tránh thủy lôi làm hoa tiêu dẫn tàu cập cảng, trực tiếp chỉ đạo thả gạo trôi trên biển để chi viện cho miền Nam đến việc rà phá thủy lôi thông tuyến, thông luồng cho tàu phà cập bến an toàn. Rồi hình ảnh ông lặn xuống đáy sông sâu 6-7m trong mùa Đông giá rét để vớt thi thể đồng chí, đồng nghiệp đã hy sinh trong lúc vận chuyển hàng vượt sông và cả vũ khí đã bị chìm để phục vụ chiến trường…
Trong thời bình, ông cũng là người đóng góp lớn trong việc chèo lái, xây dựng cho quê hương Nghệ An một cảng biển sâu Cửa Lò với tầm cỡ một cảng biển lớn của khu vực miền Trung. Những đóng góp của ông cộng với 18 năm là Chiến sỹ thi đua, Trần Bạch Mai được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng 2,3, Huy hiệu Hồ Chí Minh, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 27 bằng khen của các bộ, ngành...
Đáng tiếc là, mặc dù đã 3 lần được đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và mới đây Cảng Nghệ Tĩnh cũng có đơn gửi cấp trên bày tỏ nguyện vọng suy tôn ông, nhưng điều đó vẫn chưa thành sự thực. Mà có lẽ với ông, điều đó không quan trọng! Mở đầu tập tư liệu ảnh quý giá về chiến dịch thả gạo trôi trên biển, phóng viên, Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trịnh Hải (Báo Nhân Dân) đã viết: “Anh Mai ơi, cho đến bây giờ tôi vẫn khâm phục anh như ngày nào. Cả tập thể của anh nữa, đã dũng cảm mưu trí chiến thắng kẻ địch có thừa phương tiện chiến tranh hiện đại… Đến nay, chiến tranh đã đi qua hai thập kỷ. Sự lãng quên như một tất yếu tàn nhẫn. Chỉ có chúng tôi… những nhân chứng lịch sử của sự kiện âm thầm mà cực kỳ quan trọng này. Chúng tôi chẳng bao giờ quên… Dù người ta nghĩ về anh như thế nào mặc lòng, tôi vẫn ngợi ca anh và đội ngũ của anh như những người anh hùng…”.
Cả cuộc đời Trần Bạch Mai gắn bó trọn đời với biển, tận tụy cống hiến sức lực, trí tuệ vì nước, vì dân. Tiếng là về nghỉ hưu nhưng đến giờ ông vẫn chưa được nghỉ, hết làm Bí thư Chi bộ khối rồi Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường kiêm Ủy viên Ủy ban MTTQ, lại còn được nhân dân tín nhiệm tham gia vào ban quản lý Đền Làng Hiếu nên ông bận rộn tối ngày… Nhân dân khối Hải Giang 1 cũng ghi nhận ông là người có công lớn trong việc xây dựng khối thành Làng Văn hóa đầu tiên của phường Nghi Hải và 1 trong 3 Làng Văn hóa của Thị xã Cửa Lò.
Khánh Ly