Trận đối đầu giữa chiến đấu cơ Mỹ và tiêm kích Liên Xô năm 1952
Trận không chiến giữa Báo đen F9F-5 Mỹ và MiG-15 Liên Xô trên bầu trời Vladivostok đã được giữ bí mật suốt hơn 40 năm.
Một tiêm kích Báo đen F9F-5 của không quân Mỹ. Ảnh: National Interest. |
Trưa 18/11/1952, bốn tiêm kích cơ màu xanh đen xuất phát từ tàu sân bay USS Oriskany Mỹ để tuần tra trên Biển Nhật Bản sau khi nhận được tin báo có các máy bay đáng ngờ xuất phát từ Vladivostok cách vị trí của tàu 132 km về phía bắc, theo National Interest.
Tàu USS Oriskany thuộc phiên chế Lực lượng đặc nhiệm 77, một hạm đội với khoảng 25 tàu chiến, trong đó có 3 tàu sân bay thường được sử dụng làm bệ phóng cho các vụ không kích nhằm vào những căn cứ hậu cần, cầu cảng của Triều Tiên trong giai đoạn này.
Bốn chiếc tiêm kích Báo đen F9F-5 lao thẳng vào cơn bão đang vần vũ trên biển, mây che kín trời, tầm nhìn không quá vài km. Radar của hạm đội chỉ có thể phát hiện máy bay địch trong vòng 160 km, khoảng cách mà chỉ mất vài phút oanh tạc cơ Il-28 của Liên Xô từ Vladivostok có thể xuất hiện ở trước mặt.
Từ độ cao gần 5 km, họ phát hiện những vệt khói và ánh sáng bạc lóe lên từ thân của 7 máy bay chiến đấu Liên Xô bay ở độ cao 12 km. Chúng không phải là các máy bay ném bom Il-28 mà là các tiêm kích MiG-15 có vận tốc nhanh hơn phiên bản mới nhất của Báo đen F9F-5 tới 100 km/h.
Đúng lúc đó, máy bay của phi đội trưởng, trung úy Claire Elwood gặp vấn đề với bộ phận bơm nhiên liệu và phải quay lại tàu sân bay cùng một chiếc yểm trợ, nên chỉ còn hai Báo đen do phi công Royce Williams và David Rowland điều khiển đối diện với 7 chiếc MiG-15 có tính năng vượt trội.
Một chiếc Mig-15 của không quân Liên Xô. Ảnh: Military History. |
Khi hai phi công Mỹ áp sát các MiG-15 ở độ cao 5 km, các máy bay Liên Xô liền quay đầu bay ngược lại. Họ chia thành hai nhóm, 4 chiếc vòng lại, bổ nhào và bắt đầu nhả đạn. Williams quay gấp máy bay và để tụt lại sau chiếc MiG cuối cùng trong đội hình và khai hỏa pháo bắn cháy một chiếc MiG-15.
Đồng đội của Williams là Rowland mải mê bám theo chiếc MiG-15 bị bắn để ghi hình cho đến khi chiếc tiêm kích Liên Xô rơi xuống biển, để lại Williams một mình chiến đấu với 6 đối thủ còn lại suốt 20 phút.
Tiêm kích MiG-15 nhanh hơn Báo đen, song Báo đen F9F có kết cấu chắc hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn với 4 khẩu pháo 20 mm, trong khi MiG chỉ có 2 khẩu 23 mm và một khẩu 37 mm với tốc độ nhả đạn chậm hơn, kém chính xác hơn. Williams tăng hết tốc độ và lao vào tấn công nhóm MiG. Trung úy 26 tuổi nhả đạn vào chiếc MiG đi đầu và chiếc bên cạnh khiến chúng bốc cháy trước khi làm thiệt hại nặng 4 chiếc MiG khác.
Tuy nhiên, Williams cũng phải trả giá khi đuôi, cánh và động cơ máy bay bị trúng đạn, làm tê liệt hệ thống thủy lực. Williams chỉ điều khiển được một phần cánh máy bay và tìm cách trốn chạy khỏi sự truy kích của nhóm MiG. Phát hiện tàu sân bay của hạm đội hiện ra dưới tầng mây dày, Williams bay zích zắc lên xuống hòng tránh đạn và cuối cùng cũng lết về tới tàu Oriskany dưới sự bảo vệ của làn hỏa lực phòng không từ nhóm tàu chiến Mỹ.
Để tránh đẩy Liên Xô và Mỹ lao vào một cuộc chiến tranh sau trận không chiến, các phi công Mỹ đã được yêu cầu phải giữ bí mật về trận đánh, nhưng chiến công của Williams không phải là không được ghi nhận. Một tháng sau, phi công này được mời tới Seoul để dự bữa tiệc với Tổng thống đắc cử Dwight Eisenhower.
Chỉ tới thập niên 1990, Nga mới công bố thông tin mật về cuộc không chiến gần Vladivostok và tiết lộ danh tính 4 phi công Liên Xô bị tiêm kích Báo đen của Mỹ bắn hạ. Đến lúc đó, Williams mới được giải thoát khỏi cam kết giữ bí mật về vụ việc.
Cuộc đối đầu giữa Báo đen và MiG gần Vladivostok là lần cuối cùng một chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi tiêm kích Liên Xô, song chưa phải là lần cuối xảy ra đối đầu quân sự giữa hai khối trong Chiến tranh Lạnh. Năm 1953, chiếc Thunderjet F-84 đã bị một chiến đấu cơ Mig-15 của Cộng hòa Séc bắn rơi tại Bohemia. Tới năm 1970, khoảng 12 máy bay do thám và vận tải Mỹ đã bị tiêm kích và tên lửa Liên Xô tiêu diệt.