Tràn lan đồ chơi Trung Quốc không có dấu tem CR
(Baonghean.vn) - Những ngày gần đây dư luận lo lắng trước thông tin thú nhún - một loại đồ chơi trẻ em ưa thích, bị nhiễm chất Phthalates gây dậy thì sớm ở bé gái và gây vô sinh ở bé trai. Như vậy, trò chơi của trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc lại được phát hiện có chất nhiễm độc, nhưng trên thị trường trò chơi có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn được bày bán phổ biến.
Thú nhún được bày bán tại siêu thị Big C.
Dạo một vòng quanh chợ Vinh, tôi hỏi dò chị Nguyễn Thị Hằng - một tiểu thương lâu năm chuyên “đổ sĩ” đồ chơi cho các chợ huyện được chị cho biết: “Cứ đến dịp 1/6, có ngày chúng tôi phải nhập hàng tấn hàng đi các huyện, tất cả các mặt hàng đồ chơi ở quầy tôi đều là hàng Trung Quốc, thế mà cứ thấy bán hết vèo.”
Tại cửa hàng chị Hằng có hàng trăm chủng loại đồ chơi, từ đồ chơi vỉ như bộ siêu nhân, bộ nấu ăn, bác sỹ… có giá phải chăng từ 30-50 ngàn đồng, đến các loại ô tô, xe máy, búp bê, siêu nhân các loại, điện thoại di động có giá giao động từ 50-180 ngàn đồng tùy độ to nhỏ khác nhau. Các loại súng, gươm dao kiếm thì nhiều vô kể, chị Hằng còn cho biết chị còn có cả các loại “hàng nóng” như lựu đạn, roi điện… có giá chỉ từ 50-80 ngàn. Tất cả các mặt hàng này đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi tôi ngỏ ý muốn mua đồ chơi thú nhún chị Hằng liền đưa ra một thùng cacton chứa khoảng vài trăm bao thú nhún bằng cao su có giá 130 ngàn/con, chị nói đây là giá nhập sỷ rồi.
Cố gắng tìm các thông số được viết bằng tiếng Việt và dấu CR nhưng tuyệt nhiên không thấy, tôi hỏi chị có thú nhún của Việt Nam không, chị lớn giọng: “Đồ chơi trẻ em đào dâu ra đồ Việt Nam, nếu có cũng đắt lắm không ai mua, cả nước này người ta mua thú nhún cho con chơi thế mà báo đài có tý đã làm ầm lên, làm cả tháng nay mặt hàng này ế ẩm”.
Không riêng gì chị Hằng, quầy anh Chung kế bên cũng chuyên đóng sỷ hàng đồ chơi đi huyện. Nghe chị Hằng nói, anh đế thêm: “Hàng Trung Quốc khắp nơi, từ đồ gia dụng, quần áo, giày dép đến lương thực, thực phẩm. Lâu lâu ngành chức năng lại đưa thông tin có độc, chỉ khổ dân buôn bán chúng tôi”. Anh Chung đang đóng hàng cho chợ huyện Anh Sơn, đa số là siêu nhân, súng nhựa các loại, xe máy, ô tô, đồ chơi đóng vỉ…
Một tiểu thương không buôn hàng này rỉ tai rằng những hàng đồ chơi trẻ em này được nhập từ một số chủ buôn ở Hà Nội, đa số không có tem nhãn gì và giá bèo lắm, chỉ bằng ½ giá bán ra.
Tại siêu thị Big C đã thấy các mặt hàng đồ chơi bày la liệt đâu đâu cũng thấy ô tô, xe máy to nhỏ chạy pin, các loại siêu nhân lớn, nhỏ. Các loại đồ chơi made in Việt
Một khách hàng đang lựa chọn món đồ chơi cho con chia sẻ: “Nghe nói đồ chơi cho trẻ con xuất xứ từ Trung Quốc có chứa nhiều hóa chất độc hại, nhưng không mua những thứ ấy thì cũng chẳng biết mua gì cho con chơi. Đồ chơi Việt Nam thì các cháu không thích vì quanh đi quẩn lại chỉ mấy bộ xếp hình ”. Đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc luôn được trẻ em ưa thích
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn yêu cầu Sở KH& CN chủ trì phối hợp với Sở Công thương, Sở Giáo dục & Đào tạo, công an kinh tế... tổ chức cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề về “tiêu chuẩn, chất lượng và sở hữu công nghiệp đối với đồ chơi trẻ em”. Dự kiến cuộc thanh tra này sẽ được triển khai vào dịp cuối tháng 5 đầu tháng 6/2013 sau khi đã được tập huấn cho các đơn vị tham gia. Tại Nghệ An, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh là đơn vị được giao chủ trì.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An cho biết: “Đây là mặt hàng khó kiểm soát vì đa số đều nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, việc ngăn chặn chúng tuồn vào thị trường ta cần sự phối hợp của nhiều ngành chức năng. Để kết luận độ độc hại trên mặt hàng đồ chơi trẻ em thì điều quan trọng nhất vẫn là lấy mẫu kiểm tra những mặt hàng đó xem chỉ số và hàm lượng độc hại. Chúng tôi đang chờ lịch của Bộ để tiến hành thanh kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh vào đầu tháng 6.”
Theo các tiểu thương ở chợ Vinh thì hàng năm đoàn thanh tra ra quân vào 2 dịp là Tết Trung thu và dịp Tết nguyên đán và khi đi thanh kiểm tra hàng thứ nhất thì các của hàng tiếp theo đã thi nhau tuồn hàng đi cất dấu, nên việc thu hồi và xử phạt của cá đoàn thanh tra xem ra chỉ giải quyết được phần ngọn.
Theo số liệu thống kê của Chi Cục quản lý thị trường năm 2012, đoàn liên ngành đã thu giữ và tiêu hủy lượng đồ chơi không có dấu CR gồm: 300 kiếm nhựa, 2913 súng nhựa, 4.308 xe ô tô nhựa, 4.200 xe xếp hình. Từ đầu năm 2013 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 2 – Cửa Lò phối hợp với CSGT 5-1 kiểm tra và thu giữ được 225 ô tô điều khiển từ xa, trị giá gần 30 triệu đồng.
Những con số thực tế đang lưu thông trên thị trường Thực tế trên thị trường, sản phẩm không có tem hợp quy CR, đồ chơi bạo lực còn cao gấp nhiều lần. Để trẻ em được tiếp cận với những loại đồ chơi tốt cho sức khỏe, kích thích trí sáng tạo thì vẫn rất cần sự vào cuộc đồng bộ của ngành chức năng.
Thanh Nga