Trăn trở chanh leo Tri Lễ

31/12/2013 17:12

(Baonghean) - Theo gợi ý của huyện, một doanh nghiệp chế biến nước giải khát đã đem cây chanh LEO về trồng ở Tri Lễ. Tình cây và đất nảy nở, nhiều hộ dân Tri Lễ đã bước đầu làm quen với cây trồng mới. Cây chanh LEO về đây cho năng suất khá, lại có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Người Tri Lễ đã gắn bó với cây trồng mới: chanh leo.

(Baonghean) - Theo gợi ý của huyện, một doanh nghiệp chế biến nước giải khát đã đem cây chanh LEO về trồng ở Tri Lễ. Tình cây và đất nảy nở, nhiều hộ dân Tri Lễ đã bước đầu làm quen với cây trồng mới. Cây chanh LEO về đây cho năng suất khá, lại có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Người Tri Lễ đã gắn bó với cây trồng mới: chanh leo.

Mới đây, trong dịp lên Tri Lễ, Quế Phong tôi có điều kiện để tìm hiểu kỹ hơn về đất, về người, về cây chanh leo. Tôi được tiếp xúc với lãnh đạo chủ chốt của huyện, người dân và doanh nghiệp ngay trên những đồi trồng chanh leo. Tôi còn tiếp xúc với Đồn Biên phòng Tri Lễ, với sở chỉ huy của 2 đoàn kinh tế - quốc phòng 4. Hai đơn vị lực lượng vũ trang này gắn bó với Tri Lễ, không chỉ trên phương diện quốc phòng và an ninh biên giới, mà còn cả về phát triển kinh tế - bởi suy cho cùng, kinh tế phát triển, đời sống bà con được nâng lên, đó mới thực là cơ sở để có an ninh biên giới.

Lãnh đạo huyện và xã thì phấn khởi lắm, vui với cây chanh leo, phần nào đó, họ mãn nguyện cho rằng được cây chanh leo về Tri Lễ là đã thành công! Dân Tri Lễ nói đại ý rằng: Cây này dễ trồng, mau cho quả. Quả chín rồi hái xuống bán được ngay. Cây này cho nhiều tiền, có tiền là có thể mua được gạo, thịt, cá, và nhiều thứ khác để nuôi con ăn học, để có cuộc sống tốt hơn. Cho nên ta sẽ lại trồng nó. Các đồng chí ở đồn biên phòng, ở Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 kinh tế - quốc phòng thì nói: Đã và sẽ tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ bà con Tri Lễ và có điều kiện sẽ giúp bà con một số xã khác trồng chanh leo. Nếu bên Kỳ Sơn lấy cây dong riềng làm cây chủ lực, thì Quế Phong này coi cây chanh leo là cây chủ lực.

Cán bộ xã Tri Lễ kiểm tra mô hình chanh leo ở bản Yên Sơn (Tri Lễ - Quế Phong). Ảnh: Trần Hải
Cán bộ xã Tri Lễ kiểm tra mô hình chanh leo ở bản Yên Sơn (Tri Lễ - Quế Phong). Ảnh: Trần Hải

Còn đại diện cho doanh nghiệp thì nói: Đưa cây chanh leo về trồng trên đất Tri Lễ chúng tôi như bắt được vàng. Chúng tôi sẽ thủy chung tận cùng để Tri Lễ trồng chanh leo nhiều hơn nữa. Hiện doanh nghiệp đang làm vườn giống với chi phí khoảng 9 tỷ đồng để hoàn toàn có thể chủ động về cấy giống. Dẫu ở đây đã cung cấp cho doanh nghiệp một nguồn nguyên liệu kha khá, nhưng mỗi năm vẫn còn phải đem 20 - 30 tỷ đồng vào tận Lâm Đồng để mua chanh leo về chế biến. Vùng Tri Lễ diện tích còn rất ít và nhất là năng suất còn thấp nên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chế biến của doanh nghiệp.

Hỏi Bí thư Đảng ủy xã, trồng chanh leo ở đây, mỗi tháng cho thu nhập bao nhiêu? Đồng chí Bí thư cho biết, có nhà 50 triệu đồng có nhà 80 triệu đồng, có nhà lên đến cả 100 triệu đồng/ha. Nhưng đó là vụ đầu, còn các vụ sau, năng suất giảm dần nên thu nhập cũng giảm theo. Thế nhưng, hỏi vị đại diện của doanh nghiệp, thu nhập trên 1 ha trồng chanh leo cao nhất có thể đạt bao nhiêu thì được biết, nếu thâm canh đúng mức và thâm canh đúng quy trình, mỗi ha có thể cho thu nhập 1 tỷ đồng (!)

Qua mấy trao đổi đó, tôi tự ngẫm rằng, cây chanh leo về với Tri Lễ đã làm được vai trò xóa đói, giảm nghèo. Nhưng dường như lãnh đạo huyện, xã đã sớm thỏa mãn với kết quả thu được, thế là tốt quá rồi!

Người dân Tri Lễ dẫu thiết tha gắn bó với cây trồng mới nhưng trình độ canh tác của họ chỉ quảng canh, khai thác những gì có sẵn trong đất, trong trời mà chưa hề bù đắp lại chút nào cho đất. Sau một vài năm cây chanh leo bòn rút để nên cây, nên lá, nên quả. Đây là cây trồng mới mẻ, dân chưa có được những hiểu biết tối thiểu cần thiết để trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ bệnh cho cây. Nói hình ảnh một chút: Tri Lễ có nàng dâu mới, nhưng lại chưa hiểu gì về tâm tình của nàng dâu. Còn doanh nghiệp thì đang có phần “ăn sẵn”. Đáng lẽ ra doanh nghiệp phải đầu tư ở mức cần thiết để người dân từ quảng canh sang thâm chanh, đi từ biết đến giỏi trồng cây chanh leo.

Một câu hỏi được đặt ra: Liệu cây chanh leo có thể từ cây giảm nghèo trở thành cây làm giàu cho dân Tri Lễ? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Bởi không lấy con số 1 tỷ đồng/ha, mà chỉ cần một nửa con số đó: 500 triệu đồng/ha thì người dân Tri Lễ đã giàu rồi!

Công thức khái quát là thế này: Chanh leo quảng canh = xóa đói, giảm nghèo; còn chanh leo thâm canh = làm giàu.

Đơn giản có thế thôi, nhưng để làm được điều đơn giản ấy phải làm rất nhiều việc. Sau đây xin gợi ý mấy việc:

1. Lãnh đạo huyện, xã phải coi những gì đã đạt được với cây chanh leo ở Tri Lễ mới chỉ là bước đầu, là khởi sự, từ đó có quyết tâm, nghị lực mới: thâm canh cây chanh leo để làm giàu. Lấy thành công cuối cùng của cây chanh leo làm bài học cho việc lãnh đạo, tổ chức, quản lý… các cây, con khác, góp sức làm giàu cho Quế Phong.

2. Huyện giao cho phòng Nông nghiệp kết hợp với doanh nghiệp, tranh thủ sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng - Đoàn 4 kinh tế - quốc phòng giúp xã xây dựng chương trình tổng thể thâm canh cây chanh leo trên đất Tri Lễ.

Chương trình tổng kết này bao gồm các chương trình bộ phận: Đó là, điều tra khảo sát đất để xác định Tri Lễ có thể trồng bao nhiêu chanh leo, ở đâu, thuộc bao nhiêu hộ, và gồm những hộ nào. Có thể gọi đây là quy hoạch đất, hộ trồng chanh leo; Xây dựng các mô hình thâm canh chanh leo với các quy trình chặt chẽ kèm theo. Mô hình thâm canh không đơn thuần chỉ là cho cây chanh leo mà phải gắn với bảo vệ đất (chống xói mòn) khai thác tổng hợp trên đất đã trồng chanh leo theo hướng kết hợp với các cây có thể trồng ở dưới tán như nuôi trồng nấm, trồng hoa phong lan, nuôi gà thả vườn, nuôi ong… ; Chương trình đầu tư kể cả vốn tài chính (vốn ứng trước của doanh nghiệp, vốn tự có của dân, vốn tài trợ của các chương trình, dự án khác, vốn vay ngân hàng…) để trả lời các câu hỏi: Cần bao nhiêu vốn, lấy vốn ở đâu, quản lý ra sao, sử dụng lúc nào, sử dụng làm sao…? Xác định bước đi cho đúng chương trình tổng thể, cũng cho từng chương trình bộ phận.

3. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trình tổng thể và từng chương trình bộ phận theo một kế hoạch cụ thể mang tính khả thi cao, gắn với chương trình kiểm tra đôn đốc uốn nắn bổ cứu. Định kỳ theo mùa vụ đánh giá, tổng kết để từng thời gian hoàn thành những việc phải làm đúng như chương trình đã vạch ra. Sau mỗi lần đánh giá có chế độ khen thưởng xứng đáng.

Ta vẫn hay nói: Làm thế nào ăn thế ấy. Có làm thật mới có cái mà ăn thật. Để thoát nghèo về kinh tế trước tiên ta phải thoát khỏi về cách nghĩ và cách làm quá giản đơn, thiếu tâm huyết và còn thiếu cả tri thức như lâu nay.

Cây chanh leo đã bén duyên với đất, trời người Tri Lễ. Hy vọng “cuộc tình” cây và đất này ngày một nồng thắm để có thể làm giàu cho người dân Tri Lễ.

Trương Công Anh

Mới nhất
x
Trăn trở chanh leo Tri Lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO