Trăn trở làng nghề

15/04/2013 22:29

(Baonghean) - Thật ngẫu nhiên khi những làng nghề kẹo Đông Nhật, rượu Phúc Mỹ, bún, bánh Phù Xá, Lam Trung, Đan lát Xuân Nha của huyện Hưng Nguyên được UBND tỉnh công nhận đều nằm bên dòng sông Lam. Nên người ta cứ vận rằng, phù sa của dòng Lam đã nuôi dưỡng những làng nghề truyền thống ở đây, tạo công ăn việc làm, giúp cho làng quê nghèo ngày một đổi mới. Song làng nghề vẫn chưa thể yên tâm sống được với nghề, họ khát khao sự "nhân hòa" để nghề phát triển lớn mạnh hơn và có một "danh phận", một thương hiệu xứng đáng với giá trị mà nó mang lại.

Trên đường dẫn chúng tôi vào làng nghề bún bánh của xã Hưng Xá, ông Võ Trọng Hà, xóm trưởng xóm 3, chân bước thoăn thoắt, miệng không ngừng nói về quê mình đầy tự hào: Xóm Phù Xá xưa và xóm 3 ngày nay có 125 hộ với 515 khẩu, chỉ có 30 ha diện tích đất hai lúa; ngoài những hộ kinh doanh nhôm kính, may mặc, cưa mộc thì 65% hộ làm nghề bún bánh với khoảng 120 lao động/268 lao động của xóm. Xóm 3 luôn dẫn đầu về thu nhập, năm 2012 thu nhập bình quân 21 triệu đồng/người/năm. Các gia đình làng nghề có ý thức đầu tư dàn máy, xây dựng quy trình khép kín nên môi trường ở đây rất tốt, xóm đã được công nhận là đơn vị văn hóa từ năm 2003.

Hỏi ông về tuổi nghề của làng, ông chậm rãi nói: Tôi cũng không còn nhớ làng nghề ra đời từ khi nào. Chỉ biết năm 26 tuổi, tôi lấy vợ và theo nghề nhà vợ, từ làm chung, ra riêng rồi nay các con tôi cũng kế nghiệp.

Trước đây nghề làm bún bánh Phú Xá chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công. Vài năm trở lại đây, 4 hộ gia đình làm nghề đã đầu tư mua máy xay bột, máy làm bún... từng bước giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả sản xuất. Trung bình mỗi máy sản xuất tối đa 1 tấn bún trong 1 ngày, tuy nhiên lượng hàng tiêu thụ cho phép mỗi gia đình sản xuất từ 1,5 đến 2,5 tạ/ngày, thời điểm cao nhất cũng khoảng 4 tạ/ngày. Nghề làm bún bánh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ dân. Mỗi tháng những hộ làm bằng máy có thu nhập từ 10-12 triệu đồng, những hộ sản xuất thủ công cũng có mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng. Nhưng điều đáng nói là từ khi các gia đình đầu tư quy mô sản xuất thì số hộ trực tiếp sản xuất giảm và lực lượng lao động tại làng nghề cũng giảm theo.

Làng Đông Nhật (Hưng Châu) có trên 100 hộ dân, trong đó có đến 70 hộ theo nghề làm bánh đa, kẹo lạc. Bằng kinh nghiệm và sự chịu khó học hỏi, tiếng lành đồn xa, kẹo lạc Đông Nhật ngày một thơm, ngon, giòn; mẫu mã được cải tiến đẹp, bắt mắt hơn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng lan rộng, không những trong tỉnh mà kẹo lạc Đông Nhật được bán ở nhiều nơi trong cả nước.



Ông Nguyễn Xuân Tùng trước những sản phẩm của làng nghề phải mượn danh.

Nhờ nghề chính nấu kẹo lạc mà nghề buôn bán mật, chất đốt, lạc, nghề xay bột, chăn nuôi ở đây... cũng đắt theo. Mỗi năm tổng giá trị sản xuất làng nghề khoảng 8 tỷ đồng, đưa làng nghề thoát nghèo. Vui đó, nhưng ông Nguyễn Xuân Tùng - người góp phần quan trọng làm nên uy tín kẹo lạc Hồng Phú trong làng nghề Đông Nhật chợt buồn khi nhắc đến thương hiệu: "Trăn trở của những người dân làng nghề bánh tráng, kẹo lạc Đông Nhật là đầu ra cho sản phẩm. Hầu hết, chúng tôi đều tự tìm mối tiêu thụ, và nhãn hiệu của kẹo lạc Đông Nhật phải “mượn tên” của các cơ sở sản xuất của Hà Tĩnh, nơi nổi tiếng với đặc sản cu đơ Cầu Phủ để dễ tiêu thụ".

Cũng như nghề bánh tráng, kẹo lạc Đông Nhật, làng nghề nấu rượu Phúc Mỹ (Hưng Châu) cũng phải nhập vào thị trường thành phố theo thương hiệu "Rượu Nghi Phú". Làng nghề rượu Phúc Mỹ có 200 hộ, trong đó có khoảng 80 hộ tham gia nấu rượu. Bình quân mỗi ngày người dân làng nghề sản xuất từ 1.000- 1.200 lít rượu. Bình quân mỗi tháng nấu 15 ngày. Như vậy, tổng sản lượng ước đạt 1.500 đến 1.800 lít/tháng. Chất lượng rượu của làng Phúc Mỹ được người tiêu dùng đánh giá cao, song chưa có nhãn hiệu nên giá bán không cao.

Làng nghề đan lát Xuân Nha, xã Hưng Nhân là một trong những làng nghề được công nhận sớm nhất (năm 2004) nhưng nay chỉ còn 50/85 hộ làm nghề. Với nguyên liệu sẵn có là nứa, sử dụng được hầu hết lao động nhàn rỗi cả người già và học sinh. Sản phẩm của làng nghề cũng khá đa dạng nào dè khoanh, cót trải, phên thưng, mái lợp, nống, nia, thúng, mủng, rổ, rá... Bà con ở đây có tiếng là khéo tay và sáng dạ, chỉ cần nhìn mẫu là có thể đan thành công được sản phẩm. Nhiều người đan được những mặt hàng cao cấp như tấm rèm mắt cáo có hoa chanh mặt gối, thường được các nhà hàng, khách sạn đặt hàng.

Những năm sau, trên thị trường xuất hiện nhiều loại sản phẩm nguyên liệu mới công nghiệp nhẹ như nhựa, tôn thì sản phẩm làng nghề bắt đầu bế tắc vì tìm đầu ra. Năm 2008 huyện đã đưa nghề ghép nứa sơn dầu về cho xóm và đầu tư máy, thuê giáo viên về tập huấn cho 100 học viên. Một số mặt hàng, chủng loại mẫu sản phẩm trong một thời gian ngắn bà con đã làm được, tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế, khó khăn đầu ra nên sản phẩm mới cũng rất khó phát triển. Bây giờ, bà con làng nghề Xuân Nha lại quay về làm cót dè và tấm che vật liệu xây dựng, nên thu nhập từ làng nghề rất khiêm tốn, mỗi năm chỉ khoảng 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200 đến 300 lao động.

Có thể nói, 5 làng nghề được UBND tỉnh công nhận và 3 làng có nghề (gò hàn, nấu rượu, ép dầu) của huyện Hưng Nguyên đều dựa trên những lợi thế về nguồn nguyên liệu, lực lượng lao động dồi dào, đặc điểm địa lý. Các làng nghề đã từng trải qua nhiều giai đoạn và đang phát huy khá tốt nghề truyền thống của làng, sản phẩm được đánh giá cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng trong và ngoài huyện; thu nhập từ các làng nghề hầu hết ổn định và cao hơn các xóm không có làng nghề.

Nghề truyền thống đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề hiện nay đều hoạt động cầm chừng, chưa lan tỏa mạnh, phát triển chưa thực sự bền vững, lao động tại các làng nghề đa số là phụ nữ và người lớn tuổi. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi các hộ làm nghề hiện nay đang hoạt động độc lập, tự cung tự cấp từ A-Z: từ máy móc, xử lý môi trường, nguyên liệu, an toàn thực phẩm nên chưa có điều kiện đầu tư vào sản phẩm, thay đổi mẫu mã, tìm kiếm thị trường.

Đối với chính quyền địa phương từ xã đến huyện, hầu như mới chỉ hoàn thành hồ sơ đạt các tiêu chí để tỉnh công nhận làng nghề. Từ khi làng nghề được công nhận cùng với đầu tư ban đầu là 30 triệu đồng cho mỗi làng nghề, việc đào tạo nâng cao tay nghề cho làng nghề là rất ít, cũng mới chỉ đầu tư hệ thống mương thoát nước và đường giao thông cho 3 xã Hưng Châu, Hưng Lam, Hưng Xá. Ngoài ra huyện cũng chưa có một thống kê đầy đủ về số hộ làng nghề, lao động làng nghề hay tổng thu nhập từ làng nghề. Cũng chính vì vậy, phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên đánh giá một trong những tồn tại của kinh tế làng nghề huyện Hưng Nguyên là: "Các tổ chức chính quyền địa phương không nắm rõ các hoạt động của các làng nghề (Có bao nhiêu hộ làm nghề, sản xuất như thế nào? Sản phẩm, sản lượng bao nhiêu? Thị trường tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận?)".

Ông Phan Văn Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hưng Nguyên là vùng phụ cận Thành phố Vinh nên cơ hội lao động nhiều. Trong khi đó việc phát huy và mở rộng làng nghề còn nhiều khó khăn, thu nhập không cao, không tạo sự đột phá. Chính vì vậy chúng tôi có đề xuất các làng nghề thành lập tổ hợp tác với nhiệm vụ khâu nối, tổ chức chỉ đạo sản xuất, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt cần có cơ chế cho các tổ dịch vụ để đứng ra khâu nối tổ chức sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Phòng Nông nghiệp cũng đã từng tham mưu với UBND huyện xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các làng nghề để quảng bá trên thị trường nhưng vẫn chưa được chấp nhận".

Thời gian tới, chắc rằng Hưng Nguyên phải có nhiều đột phá trong phát triển làng nghề và làng có nghề hơn nữa mới mong thực hiện được Quyết định số 1051/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 8/3/2010 phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015, bởi chỉ tiêu quy hoạch xây dựng làng nghề đối với huyện Hưng Nguyên năm 2010 có 2 làng có nghề và đến 2015 xây dựng 15 làng có nghề và 2 làng nghề, trong đó: 9 làng có nghề truyền thống, 1 làng nghề truyền thống và 6 làng có nghề mới, 1 làng nghề mới.


Thảo Nhi

Mới nhất
x
Trăn trở làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO