Trăn trở nghề làm trống da ở Yên Thành

26/11/2017 14:29

(Baonghean.vn) - Trước đây, trống da Yên Thành là một trong những "thương hiệu" nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, hiện nay nghề này đã dần mai một, chỉ còn rất ít người gắn bó với nghề.

Năm nay đã ngoài tuổi 70 nhưng ông Nguyễn Văn Hoan, xóm 10, xã Mỹ Thành vẫn luôn trăn trở với nghề làm trống da truyền thống của gia đình. Ông cho biết: Trước đây, vào dịp lễ hội, rằm tháng Giêng, tháng 7, hay vào Tết Nguyên đán là làm không xuể; khách hàng yêu cầu làm mới, sửa tang trống, thay da... với đủ các loại kích cỡ. Nghề trống đã giúp gia đình ông có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học. Nhưng nay già rồi, duy trì để giữ gìn nghề chứ con cái thì thoát ly cả, không ai nối nghiệp được, muốn truyền nghề mà cũng không biết truyền cho ai, bản thân tôi cũng rất buồn.

Ngoài làm theo phương pháp thủ công, gia đình ông Hoan còn đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắm máy móc, dụng cụ để làm ra những chiếc trống phù hợp với thị hiếu, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ, mỹ thuật.

ông Nguyễn Văn Hoan, xóm 10, xã Mỹ Thành trải qua 3 đời làm trống da, hiện tại tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn duy trì để mong có thể giữ được nghề. Ảnh: Anh Tuấn
Ông Nguyễn Văn Hoan ở xóm 10, xã Mỹ Thành trải qua 3 đời làm trống da, hiện tại tuy tuổi đã cao nhưng ông vẫn duy trì để mong có thể giữ được nghề. Ảnh: Anh Tuấn

Chẳng ai còn nhớ nghề làm trống có từ bao giờ nhưng ngày xưa cứ sắp đến dịp khai giảng hoặc các lễ hội đầu xuân, mùa tế họ, rằm tháng Giêng, tháng Bảy hoặc trước mỗi phiên chợ Dinh, chợ Si không khí làm trống ở các địa phương như Mỹ Thành; Phúc Thành; Vĩnh Thành; Hậu Thành… tấp nập.

Muốn trở thành thợ làm trống giỏi, ngoài sự khéo léo, tỉ mỉ còn đòi hỏi trình độ thẩm âm tốt để xác định độ vang, vọng của trống. Trống thường được làm từ gỗ mít bởi ít bị mối mọt, mặt trống làm bằng da trâu, da bò. Để có một chiếc trống da hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó, quan trọng nhất là xử lý chất liệu da, làm tang trống và khó nhất là bịt da trống.

Theo ông Hoan, làm nghề đều đặn cũng cho ông thu nhập từ 300 – 500 ngàn mỗi ngày. Ảnh: Anh Tuấn
Theo ông Hoan, làm nghề đều đặn cũng cho ông thu nhập từ 300 - 500 ngàn mỗi ngày. Ảnh: Anh Tuấn

Theo những người có thâm niên làm trống ở Yên Thành cho biết: Để làm ra được chiếc trống có tiếng kêu vừa ý, bền với thời gian, thì làm tang trống phải chọn gỗ mít, loại cây to, lâu năm thì chất lượng mới đảm bảo. Da làm trống phải chọn da con trâu, bò già, không qua ướp muối hay bất kỳ loại hóa chất nào, thì trống mới đảm bảo được âm vực chuẩn.

Ông Nguyễn Doãn Long ở xóm 15, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành là người nối nghiệp làm trống từ người cha. Ông cũng là người hiếm hoi ở xã Phúc Thành vẫn đang theo nghề. Ông chia sẻ: Nghề làm trống đòi hỏi kỳ công, trải qua nhiều công đoạn. Riêng phần da thì trâu hay bò, khi đem về phải làm sạch, đem phơi khô nắng. Khi bưng phải rán da căng hết cỡ, da căng kiệt thì thôi để đảm bảo tiếng kêu lâu dài. Trống làm xong về dùng và bảo quản tốt thì 20 năm vẫn chưa phải bưng lại, đánh vẫn đanh, vang.

Da làm trống được chọn bằng da Trâu, bò già,  không qua ướp muối hay bất kỳ loại hóa chất nào, lược hết phần bạc nhạc và phơi thật khô. Ảnh: Anh Tuấn
Da làm trống được chọn bằng da trâu, bò già, không qua ướp muối hay bất kỳ loại hóa chất nào. Ảnh: Anh Tuấn

“Tôi sẵn sàng trao truyền nghề cho bất cứ ai trong làng, trong xã. Chỉ cần họ thích, đam mê là tôi có thể bày, dạy đến nơi đến chốn. Nghề này học xong, chịu đầu tư thêm máy móc hỗ trợ làm thì rất nhanh và có thu nhập, nhưng rất tiếc là không mấy ai chịu học cả” - ông Long chia sẻ.

Trong các khâu làm trống thì quan trọng nhất vẫn là khâu bịt da trống, phải làm sao da căng , đều vừa phải đảm bảo mỹ thuật vừa phải có âm vực, vang. Ảnh: Anh T uấn
Trong các khâu làm trống thì quan trọng nhất vẫn là khâu bịt da trống, phải làm sao da căng, đều; vừa phải đảm bảo mỹ thuật vừa phải có âm vực, vang. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: Làm trống không chỉ đơn thuần là một nghề truyền thống, mà nó còn mang đặc trưng của nét văn hoá làng, xã. Trước đây ở địa phương có rất nhiều hộ làm nghề, nhưng nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà chủ yếu là người già. Chính quyền địa phương rất trăn trở và đã xây dựng đề án, kế hoạch khôi phục làng nghề trong đó có nghề trống da để làm sao gìn giữ được nét văn hóa quê hương; khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các hộ duy trì và mở rộng quy mô làm nghề để cung cấp trống cho hơn 49 dòng họ, các lễ hội. Hiện nay, nhu cầu phục vụ trống cho đội trống Phúc Thành và các vùng phụ cận cũng tương đối, nếu làm đều các hộ vẫn có thu nhập ổn định.

Thực tế, việc giữ gìn, phát huy nghề truyền thống làm trống da đang gặp rất nhiều thách thức. Nhưng với tâm niệm của người Việt “sống - chết đều phải có tiếng trống, vui tiếng trống, buồn tiếng trống” và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, nghề làm trống da ở Yên Thành sẽ có cơ hội được hồi sinh./.

Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Trăn trở nghề làm trống da ở Yên Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO