Trăn trở, tâm huyết cùng đội ngũ trí thức trẻ
(Baonghean.vn) - Dự án thí điểm “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo” (nay là 64 huyện) đã gần đến thời điểm kết thúc. Báo Nghệ An ghi lại ý kiến đánh giá của các cơ quan, ban ngành và chính các trí thức trẻ về Dự án.
1. TS. Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ
"Qua thời gian triển khai Dự án có thể nhận thấy các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện để các đội viên tiếp cận với công việc chuyên môn, mạnh dạn giao nhiệm vụ và tin tưởng, động viên khích lệ các trí thức trẻ phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Với sự quan tâm đó, cộng với sự quyết tâm phấn đấu, rèn luyện và khát vọng cống hiến của các trí thức trẻ tình nguyện, tôi tin rằng Dự án 600 Phó Chủ tịch xã sẽ thành công, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo nguồn cán bộ từ thực tiễn ở cơ sở."
2. Lê Quang Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An
"Thực hiện Dự án của chính phủ về đưa trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã tại các huyện 30a, Nghệ An có 26 đồng chí được bố trí làm Phó Chủ tịch xã tại 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Nghệ An rất tin tưởng vào Dự án, xác định đây là cách thức đào tạo thế hệ trẻ thông qua thực tiễn, đồng thời đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt về phát triển KT-XH đối với những xã còn nghèo, còn khó khăn.
Do đó, đối với các địa phương, cần thực sự coi đây là nguồn cán bộ của mình, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với các nguồn lực, các chương trình, kế hoạch, tạo cơ hội để tham gia thực hiện."
3. Vi Viết Kiều – Phó Chủ tịch xã Tam Thái, huyện Tương Dương
"Là một Phó chủ tịch xã được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế ngay tại quê hương, tôi xác định đó vừa là may mắn, vinh dự, tự hào và còn là trách nhiệm. Đối với một sinh viên mới ra trường, tuổi đời còn rất trẻ thì mọi việc ban đầu còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, tôi vừa làm vừa học và mạnh dạn đưa ra những ý tưởng, sáng kiến mới để giúp người dân địa phương có đời sống kinh tế ổn định hơn.
Bên cạnh đó, việc bố trí cán bộ của huyện nhà giành cho đội ngũ trí thức trẻ hợp lý nên tôi rất yên tâm cống hiến, không lo lắng nhiều về định hướng tương lai khi dự án kết thúc”.
4. Phạm Trọng Hoàng - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tương Dương
"Điều tôi ấn tượng nhất đối với đội ngũ trí thức trẻ là các em rất nhanh nhạy, tâm huyết, kiên trì, chịu khó bám dân, bám đất, bám ruộng. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ở Tương Dương trong những năm gần đây mang đậm dấu ấn của các tri thức trẻ, như mô hình trồng rau sạch, rau an toàn tại các xã Thạch Giám, Tam Thái, Yên Hoà,...
Hiện nay, ở Tương Dương, các xã bố trí Phó Chủ tịch UBND xã thuộc Dự án 600 đều là xã loại I theo Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ (được bố trí 02 Phó Chủ tịch). Do đó, khi Dự án kết thúc thì các đội viên của dự án vẫn là một trong số Phó Chủ tịch UBND chính thức của xã. Một số đội viên đã được đưa vào quy hoạch cấp ủy viên cấp huyện, trưởng, phó các phòng, ban, đơn vị cấp huyện. Dự án không chỉ giúp kinh tế - xã hội địa phương phát triển hơn mà còn tạo ra được khâu đột phá trong công tác cán bộ."
5. Nguyễn Đình Hùng - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn
"Với trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, vốn kiến thức khoa học, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện đã phát huy tốt vai trò của mình, sát cánh cùng đồng bào, cùng ăn, ở và làm việc với đồng bào, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên, hướng đi giành cho đội ngũ này như thế nào sau khi Dự án kết thúc? Đó là điều lo lắng của không ít đội viên.
Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm bố trí công tác đối với đội viên trí thức trẻ sau khi tổng kết Dự án, xây dựng chính sách sử dụng cán bộ trẻ trưởng thành từ đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện."
Phương Thảo
Kỹ thuật: Hữu Quân
TIN LIÊN QUAN |
---|