Trang bị kiến thức để người lao động tự bảo vệ mình

Khánh Ly (Thực hiện) 07/05/2019 15:49

(Baonghean) - Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao đổi xung quanh các giải pháp giúp người lao động nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật nhằm tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động.

P.V: Xin ông cho biết kết quả hoạt động bước đầu của Điểm tư vấn pháp luật miễn phí cho công nhân, người lao động?

Ông Nguyễn Chí Công: Đầu năm 2019, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã thí điểm việc thành lập “Điểm tư vấn pháp luật miễn phí” cho công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp Bắc Vinh, đặt tại số 340, đường Đặng Thai Mai, TP. Vinh. Đến tháng 4/2019, LĐLĐ tỉnh tiếp tục thành lập Điểm tư vấn pháp luật và tiếp đoàn viên công đoàn và người lao động tại 71A, Hồ Tùng Mậu, thành phố Vinh.

Bước đầu, hoạt động của Điểm tư vấn pháp luật miễn phí vẫn còn nhiều khó khăn. Sắp tới, tháng 6/2019, LĐLĐ tỉnh sẽ tiến hành sơ kết đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các điểm tư vấn pháp luật miễn phí, để từ đó có giải pháp tốt hơn nhằm đưa pháp luật đến với người lao động một cách thuận lợi nhất.

Đại diện LĐLĐ tỉnh tuyên truyền Luật lao động tại Công Ty TNHH HaViNa Kim Liên. Ảnh: Thu Thủy
Đại diện LĐLĐ tỉnh tuyên truyền Luật lao động tại Công Ty TNHH HaViNa Kim Liên. Ảnh: Thu Thủy

Ngoài tư vấn trực tiếp cho người lao động, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật qua tin nhắn điện thoại và Facebook; tạo lập 02 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh của người lao động. Thông qua tiếp nhận, LĐLĐ tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Điển hình như vào tháng 3/2019, thông qua điện thoại phản ánh của người lao động, LĐLĐ tỉnh đã trực tiếp bảo vệ cho 7 lao động nữ, yêu cầu chủ sử dụng lao động chi trả hơn 170 triệu đồng tiền chế độ bảo hiểm xã hội thai sản.

P.V: Còn những hoạt động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Chí Công:Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, đối thoại pháp luật đến người lao động (NLĐ) dưới nhiều hình thức, để NLĐ biết và tự chủ động bảo vệ mình. LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung thực hiện việc giám sát, theo dõi, nắm bắt tình hình trả lương, trả thưởng cho NLĐ; phối hợp các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật ở các doanh nghiệp; Hỗ trợ pháp lý cho người lao động khởi kiện vụ án lao động ra tòa; Tổ chức Hội nghị gặp mặt Giám đốc và Chủ tịch công đoàn các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có đông công nhân lao động trên địa bàn; tham gia xây dựng góp ý xây dựng pháp luật...

Cũng trong năm 2018, LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị gặp mặt và tổng hợp ý kiến của Giám đốc và Chủ tịch công đoàn 26 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có đông công nhân lao động trên địa bàn, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết hoặc có ý kiến trả lời về những nội dung liên quan. Tham gia với BHXH tỉnh Nghệ An thanh tra liên ngành tại 10 Doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động; Tham gia đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Kết quả giám sát đã giúp Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết về việc thực hiện chế độ chính sách, an toàn vệ sinh lao động tại kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ, Đối thoại tại nơi làm việc theo Nghị định 149/2018/NĐ-CP và Nghị quyết 01/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về "Đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể đã được triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể. Kết quả bình quân 77% doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể.

Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng thỏa ước lao động tập thể còn thấp, chưa có bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại A; Tỷ lệ đơn vị tổ chức hội nghị người lao động chưa cao (chỉ đạt 56%); Tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện đối thoại tại nơi làm việc còn hạn chế; nhận thức của công nhân nói chung, người lao động nói riêng về những chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích sát sườn của mình còn nhiều bất cập...

Trong năm 2018, LĐLĐ tỉnh đã tham gia giải quyết 1 cuộc đình công, 3 vụ tranh chấp lao động tập thể; Hỗ trợ pháp lý cho 9 CNLĐ trong việc khởi kiện 9 vụ án lao động tại Tòa án nhân dân. Công tác tuyên truyền pháp luật kết hợp với đối thoại, tư vấn giải đáp pháp luật tiếp tục được thực hiện tại 5 doanh nghiệp với hơn 1.000 lao động tham gia.


P.V: Vậy, giải pháp để đưa chính sách pháp luật đến gần hơn với công nhân, người lao động trong thời gian tới của LĐLĐ tỉnh là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Chí Công:Nhằm giúp CNLĐ ở các khu công nghiệp, nơi có đa phần là lực lượng lao động trẻ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế có thể tiếp cận được các vấn đề về chính sách pháp luật, ngoài việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí, LĐLĐ tỉnh sẽ đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền để đưa kiến thức pháp luật vốn khô khan, khó nắm bắt đến gần hơn với NLĐ. Một số giải pháp hiện nay chúng tôi đang thực hiện là tuyên truyền pháp luật qua tin nhắn điện thoại. Hiện nay, hàng tháng chúng tôi phối hợp với Viettel Nghệ An gửi 30.000 tin nhắn đến 15.000 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp FDI. Những văn bản pháp luật mới được cập nhật trên Facebook Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An…

Cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn ( LĐLĐ tỉnh) tư vấn cho người lao động. Ảnh: K.L
Cán bộ Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn ( LĐLĐ tỉnh) tư vấn cho người lao động. Ảnh: K.L

Bên cạnh đó, theo kế hoạch năm 2019, LĐLĐ tỉnh sẽ thành lập nhóm hỗ trợ người lao động khởi kiện các vụ án lao động tại Tòa án; Tổ chức giám sát thực hiện Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương về thực hiện giảm giá bán điện cho CNLĐ tại các khu nhà trọ công nhân. Triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án nâng cao năng lực thương lượng về tiền lương của Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp của BCH TW (khóa XII). Chỉ đạo Liên đoàn lao động huyện, Công đoàn ngành, rà soát lại thời hạn và chất lượng của Thỏa ước lao động tập thể để hướng dẫn doanh nghiệp thương lượng và ký lại, phấn đấu 80% doanh nghiệp có công đoàn ký được Thỏa ước lao động tập thể, trong đó 45% bản thỏa ước có chất lượng đạt loại B trở lên; triển khai mô hình thí điểm: “Hướng dẫn đối thoại bằng hình thức văn bản” tại một số doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

LĐLĐ tỉnh tổ chức truyền thông pháp luật lao động, phòng chống ma túy cho người lao động tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Phước Anh
LĐLĐ tỉnh tổ chức truyền thông pháp luật lao động, phòng chống ma túy cho người lao động tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Phước Anh

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng sẽ tổ chức các lớp tuyên truyền pháp luật lưu động tại doanh nghiệp và tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn chủ chốt về công tác tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động đình công và tham gia tố tụng tại Tòa án. Qua đó giúp NLĐ biết và thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ của mình, làm cho tình hình quan hệ lao động ổn định, thúc đẩy hiệu quả SX-KD, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Mới nhất

x
Trang bị kiến thức để người lao động tự bảo vệ mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO