Trang bị kỹ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1

28/06/2012 18:58

Vừa tổng kết năm học ở trường mầm non, chị Lan, kinh doanh ở chợ Vinh sốt sắng tìm cô trong trường mà con mình sẽ học lớp 1 để được luyện chữ. Đứa thứ hai này là cơ hội cho chị sửa sai bởi đứa lớn không đi học trước nên khi vào học cô giáo than phiền nhiều quá: Nào là chậm chạp, chữ xấu.

(Baonghean) Vừa tổng kết năm học ở trường mầm non, chị Lan, kinh doanh ở chợ Vinh sốt sắng tìm cô trong trường mà con mình sẽ học lớp 1 để được luyện chữ. Đứa thứ hai này là cơ hội cho chị sửa sai bởi đứa lớn không đi học trước nên khi vào học cô giáo than phiền nhiều quá: Nào là chậm chạp, chữ xấu.

Chị Đức phường Hà Huy Tập cũng lo lắng không kém, trong thời gia cho con nghỉ hè về quê với ông bà ngoại 2 tuần, chị xuôi ngược tìm lớp luyện chữ đẹp để xin cho con đi học. Chị lý giải, con chị cũng được tiếng nhanh nhẹn ở lớp mẫu giáo, nhưng tính hiếu động, ham chơi nên phải cho vào lớp luyện chữ để rèn ngay từ đầu. Không giống các mẹ trên, chị Thanh phường Trường Thi lại đăng ký cho con học lớp vẽ ở Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt Đức và khóa học bơi 20 ngày ở câu lạc bộ tỉnh. Theo chị, không cần phải vội vàng học chữ ngay mà quan trọng là phải chú ý về sức khỏe, về thể lực, rèn luyện bàn tay, đặc biệt tạo môi trường mới, mở rộng giao tiếp cho con tự tin khi bước sang một bậc học mới.

Ngành Giáo dục và Đào tạo lâu nay đã có chủ trương không cho trẻ học trước chương trình lớp 1. Ở trường mầm non, nhà trường đã cho trẻ mẫu giáo làm quen với chữ cái, nhận biết các số từ 1 đến 10.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền ở phường Lê Mao cho biết, những năm gần đây, nhiều em khi vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ. Hầu hết những em này thường không hứng thú trong giờ học, không chú ý nghe lời cô giảng. Trong khi đó, những em không được học trước thì lo lắng, không thích học, có khi sợ học vì thấy mình thua kém bạn bè.

Đó là tâm lý của các em, chứ thực ra, các em không được học trước đâu có kém. Với những trường hợp này, cô giáo biết cách động viên, hướng dẫn là các em nhanh chóng tiến bộ, không những các em sẽ theo kịp mà còn vượt lên cả những em được học trước. Còn chính những em được học trước có khi lại chững lại vì chủ quan nghĩ mình đã biết cả rồi, thành ra không chú ý học.

Trên nhiều diễn đàn ở các trang báo mạng, báo điện tử, các kênh truyền hình các nhà tâm học, các nhà giáo dục đều cho rằng: Tâm lý trẻ nghe lại những cái đã biết sẽ không gây hứng thú, chủ quan, không tập trung nghe cô giảng và dần mất đi những kiến thức cơ bản. Mặt khác, không phải tất cả học sinh đều được đi học trước, vì thế sẽ tạo chênh lệch và áp lực lớn trong môi trường sư phạm giữa học sinh biết và chưa biết.

Theo đúng chương trình lớp 1 trẻ phải được làm quen từ các nét cơ bản như nét sổ thẳng, nét móc,…rồi mới viết thành chữ cái, ghép vần. Nhưng nhiều giáo viên nhận thấy có nhiều em đã viết được nên bỏ qua giai đoạn này hoặc dạy rất nhanh và quay ra than phiền về những em mới học viết. Chính điều này đã động chạm đến lòng tự trọng của phụ huynh, khiến phụ huynh “bấm chí” cho con học trước để con không bị thua bạn kém bè. Việc dạy cho trẻ làm quen chữ trước khi vào lớp 1 không phải lúc nào cũng giúp trẻ phát triển, nhất là những lớp học luyện chữ đẹp, bởi đây là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với học sinh lớp 1. Hơn thế, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tâm lý trẻ em khi trẻ mới 6 tuổi học viết chữ kéo dài hằng giờ sẽ làm thương tổn đáng kể đến hứng thú của trẻ khi học. Việc luyện chữ cần có cả một quá trình, chính vì vậy mà trong suốt những năm học của bậc tiểu học các em luôn có tiết luyện chữ, có các kỳ thi vở sạch, chữ đẹp.

Như vậy thì có cần cho trẻ đi học thêm trước khi vào lớp 1 hay không?. Nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục bậc tiểu học đều cho rằng: những lớp học chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 cần phải có nội dung thích hợp với lứa tuổi tiền học đường. Trẻ 6 tuổi đang chuyển giai đoạn từ hoạt động vui chơi là chủ đạo sang hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy điều quan trọng là phải làm trẻ thích nghi với những nhiệm vụ, những yêu cầu học tập ở lớp 1.

Cũng có thể đến lớp, cũng có thể ở nhà nhưng nên quan tâm tập cho trẻ cách ngồi học đúng tư thế, cách cầm bút đúng cách, những bài học kích hoạt các năng lực trí tuệ như tập tô, tập ghép chữ, những trò chơi vận động làm quen với các con số, chữ cái, lồng vào đó là những yêu cầu về sự tuân thủ nề nếp học tập rèn luyện khả năng quan sát, khả năng tập trung chú ý, là các kỹ năng sống như tính chủ động, sự tự tin, kỹ năng giao tiếp với bạn, có kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng điều chỉnh nhận thức, hành vi...

Tất cả những yếu tố đó nhằm tạo cho trẻ tâm thế thích đến trường, sẵn sàng đi học, điều đó mới là quan trọng nhất.


Thảo Nhi

Mới nhất
x
Trang bị kỹ năng cho trẻ trước khi vào lớp 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO