Trang trọng lễ cầu siêu, tri ân 512 liệt sĩ nhà báo
Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu đã thắp những nén tâm nhang dâng lên anh linh các liệt sĩ nhà báo - những người đã cống hiến tuổi thanh xuân để những dòng tin, bức ảnh, thước phim về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, hòa bình, tự do của Tổ quốc được lan tỏa khắp trong nước và thế giới.
Tối 17/7, trong chuỗi hoạt động của Chương trình hoạt động xã hội "Thắp sáng ngọn lửa tri ân - năm 2024", Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ cầu siêu các liệt sĩ nhà báo, phóng viên tại chùa Âu Lạc (Chùa Da, TP Vinh). Đây là ngôi chùa duy nhất trong cả nước thờ tự 512 liệt sĩ là nhà báo, phóng viên hy sinh khi đang tác nghiệp tại chiến trường và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Dự lễ, về phía Hội Nhà báo Việt Nam có các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và các đồng chí nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: Lê Quốc Trung, Hà Minh Huệ cùng đại diện đoàn thể, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An có Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Trưởng Ban Văn hóa Trung ương, Phó Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, cùng các đại đức, tăng, ni Ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh và đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự cùng đại diện các Sở, ngành liên quan. Cùng dự có đại diện lãnh đạo TP Vinh cùng hàng trăm tăng ni, phật tử.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân, kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời.
Trong hàng triệu, hàng vạn những người con anh dũng đó có các vị tiền bối, các nhà báo, phóng viên chiến trường.
Các nhà báo chiến sĩ đã cống hiến tuổi thanh xuân để những dòng tin, bức ảnh, thước phim về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, hòa bình, tự do của Tổ quốc được lan tỏa khắp trong nước và thế giới.
Ghi nhớ công lao của các liệt sĩ nhà báo, nhà báo Trần Văn Hiền - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An đã dành hơn 15 năm để thu thập tư liệu, lập được danh sách hơn 512 anh hùng liệt sĩ nhà báo đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Các nhà báo hy sinh khi tác nghiệp tại các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thuộc các đơn vị như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân dân, Báo Lao động, Đài Giải phóng và 23 cơ quan báo chí địa phương các tỉnh... Hiện nay, 512 liệt sĩ nhà báo được thờ tự tại Chùa Âu Lạc (Chùa Da) thuộc xã Hưng Lộc, thành phố Vinh.
Trong khuôn khổ chương trình “Thắp sáng ngọn lửa tri ân năm 2024”, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, hướng tới 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam trang trọng tổ chức Lễ Cầu siêu cho anh linh các liệt sĩ nhà báo tại chùa Âu Lạc.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, những đóng góp to lớn của các liệt sĩ nhà báo là tấm gương sáng, là sự nhắc nhở đối với mỗi nhà báo hôm nay phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm vượt qua khó khăn, không ngừng sáng tạo đổi mới, chuyên nghiệp và bứt phá, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, quý vị tăng ni, phật tử chùa Âu Lạc.
Đồng thời, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng gửi lời tri ân sâu sắc tới nhà báo Trần Văn Hiền, người đã dành hơn 15 năm chắp nối tư liệu, thông tin để tìm được tên tuổi các đồng nghiệp nhà báo liệt sĩ và đưa về thờ tự tại chùa Âu Lạc, Nghệ An. Chính nghĩa tình son sắt của ông dành cho những đồng đội đã giúp những người làm báo có được một địa chỉ đỏ để các thế hệ người làm báo tiếp nối tưởng nhớ tới thế hệ đi trước, qua đó giáo dục truyền thống, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, nhất là lớp trẻ; xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của Nhân dân.
Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng 10 suất quà cho các em học sinh có điều kiện khó khăn học giỏi; tặng Kỷ niệm chương cho Đại đức Thích Đồng Tuệ - trụ trì chùa Âu Lạc và nhà báo Trần Văn Hiền.