Tranh cãi về màn so tài bí mật giữa 'Thần Sấm' và 'Tia chớp' Mỹ
Không quân Mỹ bị nghi ngờ thiên vị F-35 trong cuộc đọ năng lực yểm trợ hỏa lực tầm gần với cường kích huyền thoại A-10.
Tiêm kích F-35 thử nghiệm ném bom dẫn đường bằng laser. Ảnh: USAF |
Dự án Giám sát Chính phủ (POGO) mới đây tiết lộ Không quân Mỹ (USAF) đang tiến hành cuộc so tài nhằm đánh giá năng lực yểm trợ trên không tầm gần giữa siêu tiêm kích "Tia chớp" F-35 và cường kích "Thần Sấm" A-10 từ ngày 5/7 đến 12/7.
Tuy nhiên, USAF dường như muốn giữ bí mật về màn đua tranh được trông đợi từ lâu này, gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia, theo Drive.
Dựa trên dữ liệu thu thập được về 4 ngày so tài trên thực địa giữa hai mẫu máy bay, các chuyên gia cho rằng USAF đã sắp đặt cuộc thử nghiệm theo hướng có lợi cho chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5.
Trong ngày thử nghiệm đầu tiên ở căn cứ Yuma tại bang Arizona hôm 5/7, hai tiêm kích F-35 và hai cường kích A-10 dành một giờ thực hành tấn công, ném bom các toa tàu và container, được giả định là những tòa nhà ở gần một sân bay quân sự đối phương.
Mỗi chiếc A-10 mang hai quả bom dẫn đường laser nặng 226 kg, hai tên lửa AGM-65 Maverick, một vài rocket và 400 quả đạn pháo 30 mm. Trong khi đó, mỗi chiếc F-35 mang theo một bom dẫn đường bằng laser nặng 226 kg và lượng đạn tối đa gồm 181 quả đạn pháo 25 mm.
Trong 20 phút cuối, trần bay tối đa bị hạn chế ở 3 km, được cho là nhằm đánh giá khả năng hoạt động dưới tầng mây thấp của mỗi máy bay.
Kịch bản tấn công ngày đầu là đối phó hệ thống phòng không “hầu như không thể bắn hạ máy bay” gồm các tên lửa vác vai và pháo phòng không hạng nhẹ của đối phương. Đây là các vũ khí phòng không mà máy bay yểm trợ hỏa lực trên không tầm gần thường chạm trán khi hỗ trợ bộ binh.
Tuy nhiên, chuyên gia Dan Grazier thuộc Dự án POGO cho rằng hệ thống phòng không giả định ở căn cứ Yuma không có máy móc chính xác để theo dõi, ngắm bắn hoặc dẫn đường cho tên lửa phòng không.
Điều này khiến dữ liệu định lượng về hiệu suất chiến đấu của A-10 và F-35 trên thực tế không có. Việc không lập biểu đồ hiệu suất giúp những người đánh giá có thể báo cáo kết quả cuộc so tài theo ý mình mà không có cách nào xác minh.
Trong ngày thử nghiệm thứ hai diễn ra hôm 9/7, 4 tiêm kích F-35B và 4 cường kích A-10 tiến hành nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ cho hai phi công trực thăng lai MV-22 bị bắn hạ trên lãnh thổ đối phương trong một giờ.
Ngày thứ ba, bộ đôi cường kích A-10 và tiêm kích F-35 dành 75 phút thực hiện nhiệm vụ tấn công mục tiêu cố định dễ quan sát trên địa hình trống trải tương tự ngày đầu tiên, nhưng kịch bản xa rời thực tế hơn khi các máy bay chỉ tấn công mô phỏng mà không dùng vũ khí.
Trong ngày cuối, hai cường kích A-10 và hai chiếc F-35 sẽ đánh giá khả năng kiểm soát không phận tiền phương, chỉ thị tấn công cho ít nhất ba tiêm kích F-18C ném bom các mục tiêu không ngụy trang, trong khi phải đối phó các hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung như nhau.
Bộ đôi này cũng sẽ tiến hành nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực tầm gần vào ban đêm trước các mục tiêu và hệ thống phòng không tương tự.
Cường kích A-10 là máy bay yểm trợ hỏa lực tầm gần ưa thích của bộ binh Mỹ. Ảnh: USAF |
Chuyên gia Grazier nhận định cách thức thử nghiệm như vậy khiến cường kích A-10 mất đi ưu thế về thời gian bay đáng kể so với F-35, bởi nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực tầm gần đòi hỏi thời gian ở trên không lâu nhằm hỗ trợ bộ binh trong cuộc chiến có thể kéo dài nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Cuộc thử nghiệm cũng không có đánh giá về tần suất xuất kích của mỗi chiến đấu cơ, một yếu tố quan trọng vì giao tranh dưới mặt đất diễn ra liên tục, máy bay nào có thể xuất kích nhiều hơn sẽ đem lại nhiều lợi thế hơn cho bộ binh.
Ngoài ra, việc xác lập trần bay 3 km trong hôm thử nghiệm đầu tiên là quá thiên vị tiêm kích F-35 vì lớp mây thấp thường buộc máy bay bay dưới 300 m, môi trường mà cường kích A-10 tỏ ra vượt trội. Việc không có thiết bị chuyên dụng đánh giá chính xác nhiều mối đe dọa phòng không giả định có thể dẫn tới đánh giá chủ quan khi phân tích kết quả của 4 ngày thử nghiệm.
Vì lý do nào đó, cả cường kích A-10 và tiêm kích F-35 đều không mang tối đa lượng vũ khí trong các khoa mục thử nghiệm. Đáng chú ý, cường kích A-10 chỉ mang chưa đến một nửa cơ số đạn pháo 30 mm. Ngoài ra, việc chỉ trang bị một quả bom 226 kg cho tiêm kích F-35 có thể nhằm giảm trọng tải, tăng khả năng cơ động nhằm che giấu các điểm hạn chế của phi cơ này.
Việc bố trí mục tiêu cố định và cơ động hoặc các container ở căn cứ Yuma sát với kịch bản yểm trợ trên không tầm gần, nhưng khu vực không kích tương đối trống trải và bằng phẳng khiến mối đe dọa giả định dễ dàng bị phát hiện.
Điều này dường như nhằm hỗ trợ phi công F-35 sử dụng Hệ thống ngắm mục tiêu Quang điện tử, bởi trên chiến trường thực tế, đối phương luôn tìm cách ngụy trang và thay đổi vị trí mục tiêu, không phơi mình trên địa hình trống trải như vậy.
Các mục tiêu trong cuộc thử nghiệm rất dễ quan sát bằng mắt thường, dường như nhằm hỗ trợ F-35 sử dụng hệ thống ngắm mục tiêu quang điện tử. Ảnh: POGO |
Dù có khả năng tiếp nhận thông tin bổ sung từ các hệ thống cảm biển khác như radar và các máy bay khác, tiêm kích F-35 khó có thể giành nhiều lợi thế trong tình huống yểm trợ trên không tầm gần. Việc các thông số thử nghiệm dựa trên hệ thống phòng không giả định giúp tiêm kích F-35 có lợi thế khi tránh được các mối đe dọa.
Tiêm kích F-35 cũng không có khả năng tấn công mục tiêu đang di chuyển vì không được trang bị bom dẫn đường chính xác cũng như không được tích hợp hệ thống chỉ thị mục tiêu hồng ngoại để xác nhận mục tiêu với đồng đội dưới mặt đất. Đây là những công cụ quan trọng trong mọi nhiệm vụ yểm trợ trên không tầm gần mà cường kích A-10 đang sở hữu.
"Thay vì kiểm chứng khả năng F-35 yểm trợ trên không tầm gần cho bộ binh trước các mục tiêu khó phát hiện, được bảo vệ chặt chẽ, cuộc thử nghiệm này dễ dẫn đến những kết luận sai lệch bất lợi cho cường kích A-10", chuyên gia Dan Grazier nhấn mạnh.