Tranh thủ trời nắng, nông dân Nghệ An khôi phục sản xuất sau lũ

Thanh Phúc 03/10/2023 15:38

(Baonghean.vn) - Nắng to sau những ngày mưa lớn khiến nhiều diện tích cây trồng vụ Đông héo rũ, úa lầy sau những ngày ngập trong nước lũ. Tranh thủ nắng ráo, nông dân ra đồng chăm sóc cây trồng ở các diện tích ngập nhẹ và làm đất, phơi ải để gieo lứa mới đối với những diện tích không thể cứu vãn…

bna_cà rốt.jpg
Người dân Quỳnh Liên ra đồng chăm sóc cây trồng sau mưa ngập. Ảnh: T.P

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuân, thôn Liên Hải (xã Quỳnh Liên, Thị xã Hoàng Mai) trồng 7 sào cà rốt vụ Đông đã được 20 ngày tuổi thì gặp mưa to liên tiếp, toàn bộ diện tích bị ngập sâu trong nước. Sau khi nước rút, bùn đất nhão nhoét lại gặp nắng to, cây thối rễ và chết rũ, thiệt hại hoàn toàn.

Ông Tuân cho biết: “Riêng tiền giống, phân đạm đã mất 2 triệu/sào, giờ cây chết hết, phải cào bỏ, chờ đất khô gieo trồng lứa mới”.

Là địa phương chuyên canh cây rau màu, nên vụ Đông, người dân xuống giống khá sớm, đến hết tháng 9/2023, toàn xã Quỳnh Liên đã gieo trồng 351 ha hoa màu. Trong đó, su su 55 ha, cà rốt 35 ha, hành 32 ha, mướp 28 ha, ngô 5 ha, khoai 5ha, rau các loại 181 ha. Mưa lớn, nước lũ tràn về khiến 110ha hoa màu của nông dân bị hư hỏng hoàn toàn.

bna_Làm lại giàn.jpg
Làm lại giàn cho cây mướp ở Quỳnh Liên. Ảnh: T.P

Ông Hồ Ngọc Tăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: “Sau khi nước rút, trời ngớt mưa, xã đã chỉ đạo bà con bám đồng để khắc phục sản xuất. Đối với những diện tích ngập nhẹ thì nạo vét giữa các rãnh để tiêu úng, chờ đất ráo thì xới nhẹ, phá vỡ lớp đất mặt giúp đất thoáng, cây sớm cải tạo lại bộ rễ.

Đồng thời, phun tưới rửa lá khỏi bùn đất giúp bộ lá quang hợp và hô hấp tốt. Đối với diện tích bị ngập nặng, hư hỏng hoàn toàn thì tháo nước để đất khô, thu dọn tàn dư thực vật và làm đất, phơi đất để xuống giống lứa mới”.

bna_thu hoạch nốt.jpg
Thu hoạch củ cải bị ngập, dọn tàn dư lấy đất gieo trồng lứa mới. Ảnh: T.P

Còn ở xã chuyên canh rau màu Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), đợt mưa lớn vừa qua cũng gây thiệt hại nặng 153ha rau màu như hành lá, cà rốt, su hào, rau cải… bị hư hỏng hoàn toàn. Tranh thủ trời nắng ráo, nông dân Quỳnh Lưu ra đồng để thu hoạch vớt vát được đồng nào hay đồng đó.

Ông Lý Văn Vinh (xóm 6, xã Quỳnh Lương) cho biết: “4 sào hành sắp đến ngày thu hoạch thì mưa ngập. Nắng lên, hành héo úa, vàng lá nên phải huy động nhân lực nhổ, sơ chế bán cho thương lái và dọn đất để trồng lứa mới".

bna_tích cực chăm sóc.jpg
Chăm sóc rau màu ở Nam Anh (Nam Đàn). Ảnh: T.P

Mưa lớn cũng khiến 15ha cây trồng vụ Đông của nông dân xã Diễn Phong (Diễn Châu), chủ yếu là cải bắp vừa xuống giống đã bị chết rũ hoàn toàn. Hộ ít thì 1 sào, hộ nhiều thì 2-3 sào. Nay người dân đang chờ nắng, đất khô để gieo trồng lại.

Chị Chu Thị Mai, công chức nông nghiệp xã Diễn Phong (Diễn Châu) cho biết: “Năm nay, nông dân Diễn Phong xuống giống vụ Đông chưa nhiều nên thiệt hại không đáng kể. Nước cũng ngập không sâu nhưng kéo dài, sau ngập úng lại nắng nóng gay gắt nên cây thối rễ, chết rũ giữa đồng, không thể khôi phục được, phải phá bỏ hoàn toàn 15ha cải bắp. Hiện bà con đang dọn cây, đào rãnh tháo nước, chờ đất khô để gieo trồng các loại rau màu kịp thời vụ”.

bna_làm lứa mới.jpg
Nông dân Hưng Đông (TP.Vinh) đã kịp gieo lứa rau mới sau ngập úng. Ảnh: T.P

Các xã vùng bãi bồi ven sông Lam ở Nam Đàn như: Trung Phúc Cường, Thượng Tân Lộc (Nam Đàn), nước lũ dâng cao khiến hoa màu như ngô, bí bị ngập úng. Hiện nay, sau khi nước rút, người dân đã ra đồng khắc phục hậu quả. Hầu hết diện tích ngô nếp sắp đến kỳ thu hoạch nên bà con bẻ non, bán cho thương lái. Còn diện tích ngô lai, vừa mới trổ bông nên sau khi nước rút, người dân dựng, buộc cây; những diện tích không thể phục hồi thì cắt làm thức ăn gia súc, bán cho các trang trại chăn nuôi.

Ông Phạm Đăng Mạnh, xóm Thiên Tân (xã Thượng Tân Lộc) cho biết: “Mưa lớn, nước sông dâng, 1 mẫu ngô sát mép sông nước ngập đến cổ bông. Chờ nước rút mới dám ra thu hoạch, bán với giá chỉ bằng một nửa so với trước đó song cũng phải vớt vát. Ở những thửa cao hơn, ngô lai, mới trổ cờ, phun râu thì tiến hành dựng cây khi đất còn ướt để hạn chế đứt rễ, héo cây kết hợp xới phá váng, vun gốc. Hai hôm nay phải huy động các con về giúp để dựng ngô ngã đổ”.

bna_ngô.JPG
Nước rút, người dân Thượng Tân Lộc dựng lại cây ngô khi đất còn ướt tránh đứt rễ. Ảnh: T.P

Sau mưa lũ, nước ngập nên chuột từ bờ sông tràn vào vùng màu phá hoại, xã cũng đã kêu gọi bà con ra quân diệt chuột bằng thuốc sinh học và bẫy. Đồng thời, tập trung làm đất gieo trồng vụ Đông.

Theo thống kê sơ bộ, trong đợt mưa lớn vừa qua, toàn tỉnh có 2.904 ha lúa và 3.989 ha hoa màu, cây ăn quả, cây công nghiệp bị ngập, gãy đổ. Hiện ngành nông nghiệp và các địa phương đang chỉ đạo, đồng hành cùng bà con nông dân khôi phục sản xuất sau mưa lớn.

Theo khuyến cáo của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thì với những diện tích rau màu mới trồng, cây con có bộ rễ chưa phát triển mạnh nên xới xáo nhẹ giúp cây hồi phục nhanh hơn, kết hợp với trồng dặm các cây bị khuyết để đảm bảo mật độ. Đồng thời, vén màng phủ gần gốc cây để lộ đất cho bộ rễ thông thoáng, nước bay hơi nhanh hơn và nấm, vi khuẩn không phát sinh gây hại rễ cây.

Còn đối với các cây đã thu hoạch xong, bà con đang tập trung tiến hành xới nhẹ đất ở gốc, dùng thuốc chủ động phòng trừ một số loại sâu bệnh thường xảy ra sau lũ như: bệnh ghẻ loét nứt thân xì mủ, bệnh vàng lá, thối rễ...

Mới nhất

x
Tranh thủ trời nắng, nông dân Nghệ An khôi phục sản xuất sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO