Tránh, trú bão cho tàu, thuyền: Còn những khó khăn
(Baonghean) Nghệ An là tỉnh có lượng tàu thuyền lớn với trên 4.200 chiếc. Tuy nhiên, các bến trú chật chội, công tác sắp xếp chỗ neo trú cho tàu thuyền còn hạn chế, công tác ứng cứu khi xảy ra sự cố còn gặp nhiều khó khăn...
Chúng tôi về xã Sơn Hải - Quỳnh Lưu, ngay tại khu vực bến cảng Lạch Thơi tàu, thuyền mới về bến đậu chen chúc nhau. Anh Nguyễn Hữu Kỳ ở xóm 1, xã Sơn Hải là một thuyền trưởng bức xúc cho biết: Lạch Thơi quá chật chội, mỗi lần trú tránh bão khổ hết chỗ nói, tàu, thuyền đậu san sát, gió bão xô cho tàu, thuyền va chạm làm hư hỏng thân tàu, vỡ cả dàn bóng điện siêu cao áp trên 20 bóng điện, mỗi bóng điện trị giá 1 triệu đồng. Chưa kể là cầu Sơn Hải bắc qua Lạch Thơi cũng quá thấp, tàu, thuyền tránh bão đi lại rất khó khăn, phải rút cột thuyền để qua lại, có thuyền to quá không thể qua được để tránh bão.
Tàu thuyền chen chúc nhau ở Lạch Thơi, Sơn Hải (Quỳnh Lưu)
Ông Nguyễn Tiến Mạnh-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho hay: Sơn Hải có trên 200 tàu, thuyền, trong đó có 187 chiếc đạt từ 90 CV-300 CV đánh bắt cá xa bờ. Số lượng tàu, thuyền ngày càng đông, trong khi diện tích bến cảng lại chật chội, một số tàu, thuyền lớn về trú bão phải neo ở giữa dòng lạch theo kiểu "may rủi" có khi bão lớn bị xô ngã lật cả thuyền. Năm 2010, xã đã được Nhà nước đầu tư xây dựng kè chắn sóng Lạch Thơi, nhưng hiện vẫn đang rất cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư nạo vét khơi thông để tàu, thuyền dễ dàng ra vào. Vấn đề thông tin liên lạc từ biển về đất liền vẫn gặp những khó khăn, cả xã Sơn Hải cũng chỉ có trên 50 máy trực canh và máy bộ đàm ICOM.
Riêng máy ICOM khá hiệu quả, đàm thoại trực tiếp được vào đất liền, 5-7 tàu có thể sử dụng chung vì cùng một tần số. Nhưng theo một ngư dân ở Sơn Hải thì thiết bị ICOM trị giá đắt trên 60 triệu đồng/bộ, các ngư dân đang rất cần được Nhà nước hỗ trợ đầu tư. Bên cạnh đó, tại xã Quỳnh Lập có trên 200 phương tiện đánh bắt cá, trong đó có trên 150 tàu, thuyền đạt công suất từ 90 CV trở lên. Hầu hết tàu, thuyền về neo đậu tại khu Lạch Cờn có diện tích chật chội, đáy lạch lại bị phù sa bồi lấp khiến cho các phương tiện vào ra rất khó khăn. Nhiều tàu, thuyền lớn không thể "chui" được qua cầu Cờn đã phải vòng sang Lạch Quèn để lánh nạn, khiến cho tàu, thuyền ở Lạch Quèn càng trở nên đông đúc.
Quỳnh Lưu hiện có 2.236tàu, thuyền, chủ yếu tập trung ở các xã Sơn Hải, Quỳnh Lập, Tiến Thuỷ, Quỳnh Phương... trong đó có gần 1000 chiếc có công suất 90 CV trở lên. Số lượng tàu, thuyền đông đúc nhưng trong quy hoạch đối với Lạch Quèn chỉ chứa được 500 tàu, thuyền, Lạch Thơi chứa 500 tàu, thuyền.
Để đối phó với mùa mưa bão, khi tàu về đông, huyện chỉ đạo các lực lượng phối hợp như UBND các xã có bến cảng, Ban quản lý bến cảng, bộ đội biên phòng các đồn 144, 148... tổ chức lực lượng sắp xếp các tàu neo đậu tránh bão. Các xã có tàu thuyền khai thác hải sản ngoài khơi phải kiểm đếm chính xác số lượng tàu, thuyền, số lao động tham gia đánh bắt hải sản của địa phương mình. Các đồn biên phòng có nhiệm vụ kiểm tra an toàn hàng hải khi tàu, thuyền ra khơi.
Đối với vấn đề thông tin liên lạc trên biển thì 2.236 tàu, thuyền thì chỉ mới có 280 máy trực canh, 64 máy bộ đàm ICOM. Các loại máy này chủ yếu do Nhà nước hỗ trợ, các chủ tàu chưa chú trọng bỏ kinh phí ra mua sắm. Vấn đề cứu nạn, cứu hộ huyện chỉ đạo sát sao các xã có tàu thuyền phối hợp với bộ đội biên phòng để nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý huy động tàu thuyền ra ứng cứu. Bên cạnh đó, hiện Quỳnh Lưu đã và đang nâng cấp một số tuyến đê biển, như tuyến đê biển bãi ngang từ Quỳnh Nghĩa đi Quỳnh Bảng, dự án đê biển Quỳnh Lập, tuyến đê biển Quỳnh Thọ đi Sơn Hải, Quỳnh Thuận...
Được biết toàn tỉnh Nghệ An hiện có trên 4.202 tàu thuyền, đạt công suất bình quân 70 CV/tàu, trong đó đóng mới 61 chiếc, tập trung nhiều nhất là ở huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu... Hầu hết các bến cảng như Lạch Vạn (Diễn Châu), Lạch Quèn, Lạch Thơi (Quỳnh Lưu)... đều chật chội, chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu tàu, thuyền, khi xảy ra mưa bão dễ gây thiệt hại nặng cho các tàu thuyền.
Đối với vùng biển, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với vai trò là cơ quan thường trực về tìm kiếm cứu nạn cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai kêu gọi tàu, thuyền, ngư dân vào bờ tránh, trú bão kịp thời. Đặc biệt là ngư dân cần phải có sự hợp tác với lực lượng chức năng để giảm thiểu tác hại của thiên tai.
Văn Trường