Trao 'cần câu' thoát nghèo cho phụ nữ vùng cao Nghệ An

Thanh Quỳnh 04/03/2023 08:22

(Baonghean.vn) - Hơn 1.100 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo trong năm 2022 là một con số ấn tượng cho sự nỗ lực của phụ nữ Nghệ An trong công cuộc vươn lên làm giàu chính đáng.

Đằng sau thành quả đó, các cấp Hội Phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đồng hành, hỗ trợ để tạo điểm tựa vững chắc cho phụ nữ vùng khó khăn đón nhận "cần câu" thoát nghèo.

Điểm tựa vững vàng nơi thôn, bản

Những năm gần đây, diện mạo bản Pảo, bản Quyn và nhiều bản phía trong xã Quang Phong, huyện Quế Phong đã có nhiều đổi thay khi các tuyến đường nội bản và liên bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Những bản làng xa xôi, cách trở ngày nào nay đã có điều kiện thông thương với thế giới bên ngoài.

Nắm bắt được lợi thế đó, các cấp hội phụ nữ tại địa phương đã vào cuộc động viên, đồng hành cùng phụ nữ nơi đây phát triển các mô hình kinh tế. Không giấu được niềm phấn khởi, chị Lô Thị Mai – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quang Phong dẫn chúng tôi tới thăm những mô hình kinh tế của các hội viên tiêu biểu trên địa bàn xã.

Mô hình trồng keo và phát triển trang trại tổng hợp của mình trên đồi Huồi Sụp (bản Pảo) của chị Lương Thị Hoài (sinh năm 1981). Ảnh: Thanh Quỳnh

Dừng chân trước ngôi nhà khang trang dưới chân đồi Huồi Sụp ở bản Pảo, chị Mai cho biết, trên đồi này có hơn 4 ha keo sắp bước vào thời kỳ thu hoạch của hội viên Lương Thị Hoài (sinh năm 1981). Không chỉ có Huồi Sụp, những dãy đồi khác của bản Pảo như Huồi Háng Tan, Huồi Pó Pồng đều được gia đình chị khai hoang để trồng keo với tổng diện tích trên 10ha.

Nếu như trước đây, mỗi ha keo được khoán theo ha cho thương lái với mức giá chưa đến 27 triệu đồng thì nay, khi hệ thống giao thông được cải thiện, chi phí vận chuyển giảm xuống thì mức thu nhập có thể tăng gấp đôi. Cùng với đó, chị Hoài cùng với mẹ chồng Lương Thị Nga (sinh năm 1957) còn phát triển đàn lợn trên 10 con, 15 con bò và 2 ao cá trong khuôn viên trang trại.

Nhìn lại những thành quả mà mình đã đạt được, chị Lương Thị Hoài luôn thầm cảm ơn sự đồng hành của các cấp hội Phụ nữ tại địa phương. Không chỉ hỗ trợ chị hoàn tất các thủ tục vay vốn trong những lần mở rộng mô hình, mà đó còn là sự đồng hành trong quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn và tham quan những mô hình đã thành công trên địa bàn để nâng cao kiến thức.

Giờ đây, không chỉ có chị Hoài mà còn nhiều hội viên như Sầm Thị Phương (sinh năm 1983), Lang Thị Tuyến (sinh năm 1984), Lương Thị Lai (sinh năm 1982) cũng đã xây dựng được các mô hình kinh tế một cách thành công.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quang Phong, huyện Quế Phong (áo xanh) cùng với các cấp hội phụ nữ trên địa bàn luôn đồng hành, hỗ trợ chị Lương Thị Hoài trong quá trình phát triển mô hình kinh tế. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thấu hiểu sự cần thiết đồng hành, hỗ trợ trong quá trình xây dựng mô hình thoát nghèo, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Phong đã chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, vận động hội viên tích cực tham gia để có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Tổ chức cho cán bộ hội cơ sở đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn trong và ngoài huyện, tuyên truyền cho hội viên phụ nữ ở địa phương, đơn vị xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, như xây dựng tổ hợp tác chăn nuôi gà đen địa phương tại các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Nậm Giải, mô hình tổ liên kết chăn nuôi vịt quế tại xã Châu Thôn. Đến nay, nhiều hộ hội viên đã xây dựng được các mô hình kinh tế phù hợp, trở thành hộ khá giả.

Được biết, toàn huyện Quế Phong hiện có trên 300 hộ hội viên phụ nữ thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng. Các hội viên ngày càng khẳng định được vai trò làm chủ gia đình, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế trên địa bàn một cách vững chắc.

Nhìn ra địa bàn toàn tỉnh, các cấp hội phụ nữ đã thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc để hội viên nâng cao năng lực, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ khi đã hỗ trợ xây dựng 41 tổ hợp tác với 624 thành viên. Đồng thời, tư vấn, kết nối, tiếp cận thông tin, thị trường cho 570 doanh nghiệp nữ; hỗ trợ thành lập mới 41 doanh nghiệp nữ một cách bài bản, có hiệu quả. Nhiều phụ nữ tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã tự tin hơn để mạnh dạn thành lập các doanh nghiệp và mở rộng kinh doanh, sản xuất khi được sẻ chia, đồng hành một cách hiệu quả đến từ những cấp hội trên địa bàn.

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, miền núi

Được tham gia lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Quỳ Hợp phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liên Hợp tổ chức đối với chị Lang Thị Hiền ở bản Lòng, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp là vô cùng ý nghĩa. Bởi cùng với công việc đồng áng, giờ đây chị Hiền đã có thêm kỹ năng, kinh nghiệm để gắn bó với nghề dệt, tạo nguồn thu nhập ổn định từ công việc thứ hai này.

Đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An

Cùng với chị, nhiều phụ nữ trong bản được theo học miễn phí hơn 2 tháng. Tiếp cận những họa tiết mới, kiểu dáng mới, cách thức triển khai mới đã giúp cho những sản phẩm làm ra đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của thị trường để tạo thêm nguồn thu đáng kể.

Nắm bắt được nhu cầu của phụ nữ trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể, các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh và huyện tổ chức được các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi, trồng trọt, thú y, dệt thổ cẩm cho các hội viên.

Chỉ tính riêng năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳ Hợp đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện mở 6 lớp đào tạo nghề cho hơn 270 lao động nữ tham gia. Khi đã vững tay nghề, nhiều chị em đã tìm được việc làm ổn định cho mình. Không chỉ có thị trường trong nước, đã có 55 lượt lao động nữ đi xuất khẩu lao động tại thị trường hàn Quốc và Nhật Bản.

Được biết, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động yếu thế; đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề cho lao động nữ.

Các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với nhiều đơn vị trong, ngoài tỉnh để hỗ trợ cho nhiều hội viên phụ nữ tạo dựng mô hình kinh tế thoát nghèo bền vững. Ảnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An

Năm 2022, các cấp hội phụ nữ của tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, các trung dạy nghề hướng nghiệp, các doanh nghiệp tại các địa phương, trung tâm Khuyến công, khuyến nông - khuyến ngư mở các lớp dạy nghề và giới thiệu tham gia học nghề tại các cơ sở khác cho 14.133 lao động nữ. Các nghề thu hút sự tham gia của nhiều hội viên phụ nữ như kỹ thuật may công nghiệp, kỹ thuật chế biến ăn uống, kỹ thuật chăn nuôi, mây tre đan, thổ cẩm, kỹ thuật trồng nấm. Từ đó, đã có 11.023 lao động có việc làm với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, hội phụ nữ các cấp đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn, giới thiệu việc làm cho 8.869 lao động nữ trên địa bàn đi làm tại các công ty may mặc, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn và xuất khẩu lao động. Thông qua những chương trình, hoạt động hiệu quả trên, phụ nữ Nghệ An, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm cho mình một sinh kế thoát nghèo bền vững. Góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của các địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

Từ những nỗ lực của các cấp hội phụ nữ Nghệ An trong quá trình hỗ trợ đào tạo nghề và đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế, năm 2022 đã có 30.740 hộ có phụ nữ nghèo, cận nghèo được hội giúp đỡ. Trong đó dự kiến có 1.165 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo (vượt 245 hộ).

Mới nhất

x
Trao 'cần câu' thoát nghèo cho phụ nữ vùng cao Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO