Trào lưu bong bóng

TRÀO LƯU BONG BÓNG

Hai chữ “trào lưu” có thể hiểu một cách đơn giản nhất là một hiện tượng xã hội nào đó nổi lên cuốn nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội tham gia, và chỉ sau một thời gian ngắn xẹp xuống chẳng khác nào bong bóng xà phòng. Phong trào “Nói không với chai nhựa và túi ni – lông”  là một ví dụ.

Từ đầu năm 2019, khắp cả nước rộ lên phong trào “nói không với chai nhựa và túi ni – lông”. Tổ chức Đoàn các cấp là những đơn vị “nổ phát súng đầu tiên” để hưởng ứng phong trào này. Người ta nhìn thấy các chương trình tuyên truyền ngăn ngừa rác thải nhựa và túi ni – lông khắp trên các mặt báo, ti vi, báo điện tử, mạng xã hội… Từ cấp ủy đến chính quyền địa phương các cấp đều ra thông điệp thể hiện quyết tâm giảm trừ chai nhựa, túi ni – lông ra khỏi đời sống. Thậm chí, tác giả bài viết này còn chứng kiến một hành động không thể ấn tượng hơn cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào: Một sở nọ, buổi chiều trước khi tổ chức cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh vào sáng hôm sau đã phải tất tả đi mượn các chai thủy tinh để đựng nước phục vụ. Lý do là chưa kịp trang bị! Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, hội hè cũng được quán triệt phương châm: nói không với chai nhựa! Kể câu chuyện này, một số vị lãnh đạo cấp huyện của tỉnh cười trừ: “Từ lâu rồi chúng tôi có dùng chai nhựa đựng nước uống đâu. Uống nước chát bằng “đọi” mà”.

Phong trào “nói không với chai nhựa và túi ni – lông” có tốt không? Rất tốt!, rất chuẩn! Nhưng để nhận định một cách chính xác và trực quan nhất thì kể cả lãnh đạo cao nhất ở các cấp chắc hẳn không thể bằng… các bà nội trợ. Đơn giản là ngày nào các mẹ, các chị cũng phải đi chợ lo cho bữa ăn của cả gia đình. Vậy có thứ gì tiện lợi hơn túi ni – lông? Không gì có thể so bằng! Túi này đựng thịt, túi kia đựng cá, túi nọ đựng dưa… Lại có những thứ không thể để chúng “chạm” vào nhau được như: cá tôm tươi không để chung với rau ăn sống; đồ ăn ngay, thức món đã chế biến không để chung với thực phẩm tươi sống. Ở thành phố Vinh, nhiều tổ, nhóm phụ nữ đã thực hiện việc “đưa làn đi chợ” như một cách hạn chế sử dụng túi ni – lông, nhưng cứ như thực tế: Món ăn này không để chung với thực phẩm kia thì hẳn quý vị đã hiểu “bao bóng” đã được hạn chế như thế nào!

Lại nói tiếp về các loại chai thủy tinh thay thế chai nhựa được nhiều cơ quan, đơn vị đang thực hiện để hưởng ứng cuộc vận động. Nhiều người đặt câu hỏi: Không biết khi đã thay các loại nước uống đóng bằng chai nhựa thì chai thủy tinh đang đựng nước gì? Nếu là nước đun sôi thì ắt phải có thêm bộ phận đun nước. Đun bằng gas, bằng điện, than, củi… thì đều phải làm cho nó đạt 1000C mới đảm bảo. Tức là phải có dụng cụ và người thực hiện. Nhưng điều này sẽ rất khó tin. Một cách đơn giản hơn nhiều là người ta mua loại nước tinh khiết nào đó và đổ chúng vào chai thủy tinh. Nghĩa là cái bình (chai, lọ hoặc thùng, hộp gì đó) chứa nước vẫn làm bằng nhựa.  Chính vì vậy, cái hình thức có thay đổi nhưng tính chất vẫn chẳng biến đổi là bao.

Căn nguyên nằm ở chỗ, cuộc vận động “nói không với chai nhựa và túi ni – lông” đã tiến hành rầm rộ, chương trình đã được đẩy lên thành trào lưu nhưng không ai biết lấy thứ gì để thay thế “túi bóng” và chai nhựa. Cũng không thấy doanh nghiệp nào đủ mạnh để đứng ra đầu tư dây chuyền sản xuất các túi đựng thực phẩm, đồ ăn thân thiện với môi trường giúp các bà nội trợ. Trong khi ngay ở Nghệ An, nguyên liệu để sản xuất sản phẩm thay thế không thiếu. Tỷ như các loại cây: cói, chuối, sắn củ, gỗ, tre, nứa, thậm chí loài bèo tây cũng có thể tạo thành túi để giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn mỗi khi đi chợ, cửa hàng, siêu thị…

Để phục vụ nhu cầu cá nhân và hưởng ứng phong trào nói không với chai nhựa, gần đây nhiều cán bộ, công nhân viên chức tự mang nước uống đến công sở, nơi làm việc. Nhưng với túi ni – lông, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp mạnh hơn. Cùng đó, Nhà nước cần có các chính sách ưu tiên, khuyến khích những công ty, đơn vị đầu tư sản xuất sản phẩm thay thế túi ni – lông. Và xin nói thêm, theo các nhà khoa học, rác thải từ túi ni – lông phải mất 5.000 năm mới tiêu hết trong đất. Vậy nên mong các cơ quan, ban, ngành chớ chạy theo trào lưu mà không biết điều cần thiết thực chất nhất là gì.