Tréo ngoe trong chính sách bảo vệ rừng ở Nghệ An: Tiền có nhưng chưa thể chi!

Nhật Lân 08/12/2022 09:02

(Baonghean.vn) - Cuối tháng 11/2022, tỉnh Nghệ An đã được Trung ương bổ sung kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 với số tiền hơn 54 tỷ đồng. Nhưng hàng trăm lao động chuyên trách bảo vệ rừng sẽ vẫn tiếp tục phải chờ lương!

'Nguy cơ rừng không có người bảo vệ đã hiện hữu trước mắt'

06/12/2022

Ngày 22/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 1449/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022.

Nội dung của Quyết định số 1449/QĐ-TTg như sau:

“Điều 1: Bổ sung 795.454 triệu đồng (Bảy trăm chín mươi lăm tỷ, bốn trăm năm mươi tư triệu đồng) từ nguồn chi các hoạt động kinh tế của ngân sách Trung ương năm 2022 để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 cho các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương như đề nghị của Bộ Tài chính tại Văn bản số 10824/BTC-HCSN ngày 20/10/2022, cụ thể:

- Kinh phí bổ sung cho các Bộ, cơ quan Trung ương là 129.170 triệu đồng.

- Kinh phí bổ sung cho các địa phương là 665.484 triệu đồng.

Điều 2: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung và số liệu báo cáo, đề xuất, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính thông báo bổ sung dự toán năm 2022 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương liên quan thực hiện theo quy định.

Lực lượng bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Pù Mát tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: CTV

Điều 3: Các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương căn cứ kinh phí được bổ sung nêu trên để thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung đảm bảo đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch”.

Theo Bảng phụ lục bổ sung dự toán chi Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 của Quyết định số 1449/QĐ-TTg thì tỉnh Nghệ An được cấp tổng kinh phí là 54.356 triệu đồng.

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm, trước đây nguồn kinh phí chi trả lương cho lực lượng lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc các đơn vị ngành Lâm nghiệp của tỉnh đều lấy từ nguồn kinh phí bảo vệ rừng của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững do Trung ương cấp.

Để có nguồn kinh phí cho năm 2022, từ ngày 19/7/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và có Báo cáo số 349/BC-SNN-CCKL về Kế hoạch phát triển Lâm nghiệp của tỉnh năm 2022 lên Tổng cục Lâm nghiệp. Tại đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo chi tiết về nhu cầu vốn của năm 2022, trong đó gồm cả nguồn kinh phí bảo vệ rừng. Nhưng cho đến ngày 22/11/2022 thì mới được cấp theo Quyết định số 1449/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022.

Lực lượng bảo vệ rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương trên đường tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: CTV

Điều đáng băn khoăn là năm nay, vào ngày 20/9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 12/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 hướng dẫn một số hoạt động về lâm nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Tại Thông tư số 12/TT-BNNPTNT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định đối tượng được giao khoán bảo vệ rừng gồm hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; các đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương có rừng cần bảo vệ. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và Tổng đội Thanh niên xung phong lại không có tên trong đối tượng được giao khoán bảo vệ rừng.

Vì vậy, dù đã được cấp bổ sung kinh phí Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 với số tiền là 54 tỷ 356 triệu đồng, nhưng mới chỉ có thể triển khai các bước thực hiện chi trả kinh phí cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng được quy định rõ tại Thông tư số 12/TT-BNNPTNT, gồm hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; các đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương có rừng cần bảo vệ.

Phần kinh phí dự tính cấp cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và Tổng đội Thanh niên xung phong để họ trả tiền lương cho người lao động chuyên trách bảo vệ rừng hiện vẫn chưa thể triển khai thực hiện.

Cuộc sống thường nhật của người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng luôn trong điều kiện hết sức khó khăn. Trong ảnh là Trạm quản lý bảo vệ rừng Khe Sướn (địa bàn xã Thanh Đức, Thanh Chương). Ảnh: CTV

Đặt câu hỏi: Lực lượng lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc các đơn vị Lâm nghiệp của tỉnh đang từng ngày, từng giờ chờ đợi tiền lương. Một số người vì công việc vất vả, nguy hiểm trong khi đời sống quá khó khăn nên đã bỏ việc, hoặc đang có đơn xin nghỉ việc. Thực tế của công tác bảo vệ rừng cho thấy cần phải có giải pháp để giữ chân lực lượng này, vậy nhưng chế độ tiền lương lại nảy sinh bất cập thì xử lý như thế nào?

Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị Lâm nghiệp của tỉnh khẩn trương tổng hợp báo cáo nhu cầu vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 để các cơ quan liên quan có căn cứ lập hồ sơ phân bổ kinh phí.

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Lâm nghiệp về tình hình thực tế lực lượng lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng của tỉnh, và có kiến nghị đề xuất về những vấn đề còn chưa rõ tại Thông tư số 12/ TT-BNNPTNT.

“Khi có ý kiến đồng ý của Tổng cục Lâm nghiệp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ hồ sơ nhu cầu vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 của các đơn vị Lâm nghiệp đã được lập, các cơ quan có thẩm quyền liên quan sẽ cấp kinh phí từ nguồn Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022 để chi trả lương cho lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật…” - đại diện Chi cục Kiểm lâm trao đổi.

Bữa cơm trên đường tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng ở Nghệ An. Ảnh: CTV

Tìm hiểu được biết, hiện nay các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và Tổng đội Thanh niên xung phong của tỉnh có trách nhiệm quản lý hơn 318.000 ha rừng tự nhiên; trong đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị này đang có trách nhiệm quản lý, bảo vệ 131.000 ha.

Còn theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm cho thấy, từ năm 2016 đến nay toàn ngành Lâm nghiệp có 158 người nghỉ việc, bỏ việc; trong đó chủ yếu là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Thời điểm hiện tại, một số đơn vị Lâm nghiệp tiếp tục nhận được đơn nghỉ việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Cụ thể như Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, trong tổng số 33 lao động chuyên trách bảo vệ rừng thì có tới 12 người viết đơn xin nghỉ việc.

Mới nhất
x
Tréo ngoe trong chính sách bảo vệ rừng ở Nghệ An: Tiền có nhưng chưa thể chi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO