Video: Thành Cường Ngày 13/7, nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong và 77 năm ngày thương binh liệt sĩ, CLB Văn hóa nghệ thuật Ngày mùa đến từ thủ đô Hà Nội đã dàn dựng, biểu diễn các tiết mục văn nghệ ca ngợi những tấm gương anh dũng của 13 cô gái, chàng trai nơi tọa độ lửa Truông Bồn (Đô Lương). Trước buổi biểu diễn, đoàn đã làm lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Thành Cường Cùng tham dự chương trình có bà Trần Thị Thông - Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 317 Tổng đội TNXP Nghệ An, người may mắn sống sót sau trận máy bay Mỹ trút bom. Có mặt trong sự kiện ý nghĩa này có nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung - người đã có nhiều tác phẩm thơ, văn và đặc biệt là bài thơ "Huyền thoại Truông Bồn" bà viết nhân dịp kỷ niệm 55 năm chiến thắng Truông Bồn lịch sử tháng 10 năm 2023. Ảnh: Thành Cường Bài thơ "Huyền thoại Truông Bồn" đã tái hiện sự kiện bi tráng ở Truông Bồn. Đại đội 317 là đơn vị chủ lực cơ động được điều động đi ứng cứu, vận chuyển, sơ tán hàng hóa, san lấp hố bom, rà phá bom mìn tại những trọng điểm giao thông như cầu Cấm, cầu Bùng, cầu Bến Thủy trên Quốc lộ 1A.... Ngày 19/2/1967, đơn vị được lệnh chuyển đến Truông Bồn, đây là trọng điểm máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất. Ảnh: Thành Cường Với tinh thần “tim có thể ngừng đập, nhưng đường không thể tắc”; “sống anh dũng bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, 14 chiến sĩ Tiểu đội 2 (gồm 12 nữ, 2 nam) thuộc Đại đội 317 ngày đêm bám đường san lấp hố bom, đêm đêm làm cọc tiêu sống cho những đoàn xe chở vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men chi viện chiến trường miền Nam. Ảnh: Thành Cường Vào tối ngày 30/10/1968, Tiểu đội 2 (Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An) tổ chức bữa cơm chia tay 8 người có quyết định hết thời hạn Thanh niên xung phong (TNXP) được đi học Trung cấp Y tại Hà Nội, chuyển ngành và trở về quê hương. Thế nhưng, bữa cơm chia tay và những kế hoạch trọng đại của cuộc đời những người thanh niên xung phong tuổi mười chín, đôi mươi ấy đã vĩnh viễn không trở thành hiện thực...Ảnh: Thành Cường Khoảng 08 giờ tối ngày 30/10/1968, Tổng đội trưởng Lê Lượng nhận được lệnh hỏa tốc, tối mật với nội dung lệnh: "00 giờ ngày 01 tháng 11 năm 1968 Mỹ ngừng ném bom"; "07 giờ sáng ngày 31/10 có đoàn xe quân sự đi qua, các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 30 nâng cao cảnh giác, sẵn sàng làm nhiệm vụ, chiến đấu. Khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, bảo vệ an toàn cho đoàn xe chở vũ khí, lương thực vào Nam vượt qua". Ảnh: Thành Cường Tiểu đội 2 nhận được lệnh: "Bằng mọi giá phải mở con đường máu để đoàn xe của bộ đội đi qua trước khi trời sáng...". 04 giờ sáng 31/10/1968, ăn sáng xong, toàn đơn vị tập trung san lấp hố bom cho đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn. Đến 6 giờ 10 phút cùng ngày, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ xuất hiện thả hàng trăm quả bom xuống con đường đắc địa, thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương - nơi 14 thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 2 đang làm nhiệm vụ. 13 thanh niên xung phong đã hy sinh mà không kịp nói với nhau lời cuối. Ảnh: Thành Cường Những du khách về thăm Truông Bồn dịp này đều xúc động khi được trực tiếp xem những tiết mục ca ngợi tinh thần hy sinh quên mình vì Tổ quốc của các thanh niên xung phong. Ảnh: Thành Cường Đặc biệt bài thơ "Huyền thoại Truông Bồn" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung với phần hoạt cảnh và ngâm thơ của các anh chị em đến từ Câu lạc bộ Ngày mùa đã tái hiện sống động những giờ phút bi tráng của Tiểu đội 2. Ảnh: Thành Cường Chiến tranh đã lùi xa, Truông Bồn hôm nay trở thành biểu tượng lịch sử của thanh niên xung phong Việt Nam, nơi lưu giữ vẹn toàn những giá trị sống của một thế hệ thanh niên quyết hy sinh tất cả cho độc lập, tự do của Tổ quốc, viết nên một huyền thoại Truông Bồn, mãi mãi là những đoá hoa bất tử cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Ảnh: Thành Cường Chương trình không chỉ là nén tâm hương dâng lên các chị, các anh - những người đã đổ máu đào cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc, mà một lần nữa giáo dục các thế hệ mai sau hãy tiếp tục noi gương các anh hùng liệt sĩ để phấn đấu làm cho đất nước ngày càng phồn vinh. Ảnh: Thành Cường Trân trọng và biết ơn các anh hùng liệt sĩ, tại chương trình, nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung và đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư TTH Ecoland đã trao tặng các phần quà với tổng trị giá gần 25 triệu đồng cho bà Trần Thị Thông và thân nhân 13 liệt sĩ của Tiểu đội 2 hy sinh ngày 31/10/1968. Ảnh: Thành Cường
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO