Kinh tế

Tri Lễ (Quế Phong) sẽ trồng 500ha dứa nguyên liệu

Xuân Hoàng 06/04/2025 11:46

Xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) đang được doanh nghiệp đưa cây dứa vào trồng thử nghiệm. Dứa là cây dễ trồng, không cần nhiều kỹ thuật chăm sóc. Và đây có thể là cây trồng mới, mang lại hy vọng thoát nghèo của đồng bào các dân tộc thiểu số xã vùng cao này.

Bài học từ sự thất bại của cây chanh leo

Xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, từ lâu đã được biết đến là vùng đất có tiềm năng phát triển nông nghiệp. Trước đây, cây chanh leo từng là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do yêu cầu kỹ thuật canh tác cao và tình trạng sâu bệnh, mô hình trồng chanh leo chỉ tồn tại trong giai đoạn ngắn từ năm 2013 - 2019.

dua 1
Xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: Xuân Hoàng

Khoảng 6 năm trước, gia đình anh Vi Văn Sơn ở bản Yên Sơn từng có hơn 4 ha chanh leo và có thu nhập tốt nhờ mô hình này. Tuy nhiên, sau một thời gian, cây chanh leo bị sâu bệnh tàn phá nặng nề, cộng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và kỹ thuật canh tác chưa được đảm bảo, dẫn đến sự suy tàn nhanh chóng của mô hình.

Không chỉ riêng gia đình anh Sơn, hàng trăm hộ dân ở xã Tri Lễ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau khi cây chanh leo không còn, bà con tìm kiếm nhiều hướng đi mới, nhưng các loại cây trồng như cây ăn quả, lúa Japonica, hay cây măng đắng nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Thêm vào đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi cũng khiến thu nhập từ chăn nuôi giảm sút nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng giao thông cũng là một trở ngại lớn.

Ông Lữ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ thừa nhận, cây chanh leo không thể tồn tại trên đất Tri Lễ từ 6 năm nay, lý do cây trồng này “khó tính”, trong khi người dân còn hạn chế về kiến thức trồng trọt. Từ khi cây chanh leo chết yểu, nhiều diện tích đất bỏ hoang, lãng phí, trong khi đời sống của người dân còn khó khăn, chưa tìm được hướng đi mới.

Một hướng đi mới đang mở ra cho bà con xã Tri Lễ với sự xuất hiện của cây dứa nguyên liệu. Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods đã tiến hành thử nghiệm mô hình trồng dứa tại địa phương và bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Trước tín hiệu lạc quan này, chính quyền và người dân đang kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để phát triển cây dứa thành cây trồng chủ lực, giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Cây dứa - cơ hội thoát nghèo cho xã Tri Lễ

Trước những khó khăn của bà con, Công ty Nafoods đã vào cuộc, tiến hành thử nghiệm trồng dứa trên một số diện tích ở xã Tri Lễ. Kết quả ban đầu cho thấy cây dứa phát triển tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. So với chanh leo, dứa không đòi hỏi kỹ thuật canh tác quá cao, chi phí đầu tư thấp hơn và đầu ra cũng tương đối ổn định.

dua 2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ tham quan mô hình trồng dứa tại xã Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lữ Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: “Sau khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy cây dứa là lựa chọn phù hợp với điều kiện địa phương. Quỹ đất để trồng dứa còn khá nhiều, bà con có thể tận dụng những diện tích đất màu ven đồi và cả các khu vực đồi thấp. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng sẵn sàng bao tiêu sản phẩm, giúp bà con yên tâm canh tác”.

Theo ông Cương, dù cây dứa mang lại nhiều triển vọng, nhưng để có thể mở rộng mô hình và đảm bảo thành công lâu dài, vẫn cần có sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền cũng như sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân. Một trong những vấn đề quan trọng là vốn đầu tư ban đầu cho người dân. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đang chiếm 55%, bên cạnh tận dụng quỹ đất của bà con, thì việc đầu tư giống, phân bón và chi phí sản xuất ban đầu gặp nhiều khó khăn.

Muốn mô hình này thành công, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý, nhất là đối với các hộ nghèo. Nhà nước có thể áp dụng cơ chế hỗ trợ bà con về cây giống, phân bón và phía doanh nghiệp tăng cường tập huấn kỹ thuật canh tác. Khi bà con có điều kiện đầu tư ban đầu, việc phát triển cây dứa sẽ thuận lợi hơn

Ông Lữ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ

Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, xã Tri Lễ sẽ tập trung phát triển khoảng 500 ha dứa nguyên liệu ở những vùng đất phù hợp. Nếu mô hình này đạt hiệu quả cao, diện tích sẽ tiếp tục được mở rộng lên 1.000 ha trong những năm tiếp theo. Đây là con số đầy triển vọng, giúp xã Tri Lễ trở thành vùng nguyên liệu dứa quan trọng của tỉnh Nghệ An.

Bà con trong vùng cũng rất mong chờ sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Nếu có sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên: chính quyền - doanh nghiệp - người dân, mô hình trồng dứa ở xã Tri Lễ sẽ có cơ hội phát triển bền vững, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo (hiện đang ở mức 55%) và nâng cao đời sống kinh tế cho người dân địa phương.

bna_dua.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ nắm bắt tình hình mở rộng diện tích trồng dứa của doanh nghiệp tại xã Tri Lễ vào cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: Xuân Hoàng

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã trực tiếp kiểm tra, khảo sát mô hình trồng dứa tại xã Tri Lễ. Trước những tiềm năng mà cây dứa mang lại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị chính quyền địa phương có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, hoặc chương trình mục tiêu quốc gia để giúp bà con có điều kiện đầu tư. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cần tính đến đầu ra cho cây dứa, không để tình trạng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Đây là một tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp bền vững cho vùng đất Tri Lễ.

Việc đưa cây dứa vào trồng ở xã Tri Lễ không chỉ là một hướng đi mang tính thử nghiệm mà còn là cơ hội lớn để bà con vùng cao vươn lên thoát nghèo. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, sự vào cuộc của doanh nghiệp, và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, xã Tri Lễ hoàn toàn có thể trở thành vùng trồng dứa nguyên liệu trọng điểm của tỉnh Nghệ An trong tương lai. Để làm được điều đó, cần có sự chung tay từ nhiều phía, giúp bà con có niềm tin và động lực vươn lên phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Tri Lễ (Quế Phong) sẽ trồng 500ha dứa nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO