Tri Lễ – xa mà gần

Những ngày cuối năm, trong cái lạnh cắt da, cắt thịt, chúng tôi có chuyến hành trình đến với xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong). Điều đáng mừng là, mảnh đất còn nhiều khó khăn này đang dần “thay da, đổi thịt” nhờ những chương trình, đề án sát thực tiễn của cấp ủy, chính quyền các cấp và ý chí vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Vừa mới đặt chân đến UBND xã Tri Lễ sau một hành trình dài, nghe thông tin có lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ Mông ở bản Huồi Mới, chúng tôi vội vã khởi hành. Vượt qua quãng đường ghồ ghề, khúc khuỷa với những con dốc dựng đứng, trơn trượt trong đêm tối với sương mù bao bọc và cái lạnh 10 độ C, mới đến đầu bản đã nghe tiếng đánh vần ê a của các chị, các em. Dường như cái lạnh giá của thời tiết vùng cao không ngăn được những khuôn mặt ửng hồng đang chăm chú luyện từng nét chữ. Lớp học của thầy giáo quân hàm xanh Lỳ Bá Chùa có 27 học viên. Trong đó, nhiều chị em có con nhỏ, ngày vất vả ở nương rẫy nhưng ban đêm họ vẫn cố gắng thu xếp việc nhà, quyết tâm tới lớp để học cái chữ. Chị Lỳ Y Xai – một học viên chăm chỉ và sáng dạ nhất lớp cho hay: “Bây giờ phụ nữ Mông chúng tôi muốn học chữ để tiến bộ hơn và cũng để làm gương cho con cái học hành”.

Trung úy Lỳ Bá Chùa – Đồn Biên phòng Tri Lễ cũng là người dân tộc Mông đến từ huyện biên giới Kỳ Sơn cho hay: “Bản Huồi Mới có 130 hộ, 812 khẩu, trong đó phần lớn phụ nữ không biết chữ. Khóa học gồm 53 học viên do Đồn Biên phòng Tri Lễ và thầy cô giáo Trường tiểu học Tri Lễ 4 tổ chức nhằm giúp đỡ đồng bào, nhất là phụ nữ dân tộc Mông tại bản Huồi Mới biết đọc, biết viết, tính toán, góp phần nâng cao kiến thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới. Năm ngoái, Đồn Biên phòng Tri Lễ cũng đã tổ chức một lớp học xóa mù cho 26 học viên là phụ nữ người Mông ở bản Pả Khốm”.

Chị Vi Thị Sinh – Chủ Hội LHPN xã Tri Lễ cũng cho hay: Đã qua rồi cái thời phụ nữ Mông ở Tri Lễ chỉ biết sáng lên rẫy, tối về quanh quẩn bên xó bếp, cả đời không bước chân ra khỏi bản và đa phần mù chữ hoặc tái mù. Giờ đây họ đã nỗ lực hòa nhập, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng cùng chị em Thái, Kinh, Khơ Mú, đặc biệt chăm chỉ tới các lớp xóa mù chữ. Nhiều chị còn tích cực tham gia công tác thôn bản.

“Chỉ mới cách đây 4 – 5 năm thôi, vì không có người làm nên chức danh chi hội trưởng phụ nữ, CTV dân số tại một số bản Mông còn do là nam giới đảm nhận, còn hiện tại đã có 5 chị người Mông đảm nhận chi hội trưởng phụ nữ. Nhiều chị còn được kết nạp Đảng như chị Lầu Y Lý – Chi hội phó Chi hội phụ nữ bản Na Niếng, Lý Y Chù – Chi hội Trưởng Hội phụ nữ bản Huồi Mới… Nhờ tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, nâng cao nhận thức, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn giảm hẳn”, chị Vi Thị Sinh cho hay.

Là xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,04%, 98% đồng bào dân tộc thiểu số, đa số lớp lẻ còn học ghép chưa phân độ tuổi, có 8% số trẻ hạn chế giao tiếp bằng tiếng Việt. Trước đây học sinh cứ học hết cấp 1, cấp 2 là nghỉ học, tỷ lệ học sinh học lên cấp 3 chưa đạt 30%. Ý thức được trình độ dân trí hạn chế là “lực cản” đối với kinh tế xã hội. Những năm gần đây, không chỉ quan tâm công tác xóa mù cho phụ nữ mà cùng với sự giúp đỡ của huyện và các cấp, ngành cấp ủy, chính quyền xã Tri Lễ dành nhiều sự quan tâm cho sự học của con em trên địa bàn.

Phụ huynh bản Pả Khốm đưa con xuống núi học chữ; Học sinh điểm trường Huồi Mới, xã Tri Lễ.
Phụ huynh bản Pả Khốm đưa con xuống núi học chữ; Học sinh điểm trường Huồi Mới, xã Tri Lễ.

Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ Vi Văn Du cho biết: “Xã đã ban hành đề án và được các trường trên địa bàn cụ thể hóa bằng chiến lược phát triển giáo dục của các nhà trường, tập trung huy động tổng thể mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ học sinh cấp 3 lên trên 50%.Trong năm 2020 mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân đã tự nguyện đóng góp được trên 800 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp các công trình; vận động doanh nghiệp ủng hộ 2,2 tỷ đồng để xây dựng các điểm lẻ của trường mầm non. Cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập của học tập của con em. Ví như trước đây các em học sinh tiểu học ở bản Huồi Mới phải học ở hai điểm tạm với những phòng học thưng bằng ván gỗ, nhưng bắt đầu từ năm 2020 – 2021, các em được chuyển sang điểm trường mới những phòng học kiên cố, thoáng đãng. Cơ sở vật chất ở điểm trường mới khang trang nằm giữa 2 bản, cách mỗi bản khoảng 500m, nên việc học tập của các em cũng thuận tiện hơn. Điểm trường có 86 học sinh của cả 5 khối, không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”.

Ông Xồng Bá Cha – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho hay: “Nhìn chung những năm trở lại đây, việc học của con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Tri Lễ, trong đó có đồng bào Mông có nhiều chuyển biến. 100% số trẻ đến độ tuổi được đến trường. Số học sinh theo học hết THCS, THPT và vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng tăng. Mô hình bán trú dân nuôi được duy trì và thực hiện tốt đảm bảo cho con em đồng bào các dân tộc yên tâm nuôi khát vọng con chữ và hướng về ngày mai tươi sáng hơn”.

Nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm huyện Quế Phong hơn 30 km, xã Tri Lễ có chiều dài đường biên giới 17 km (tiếp giáp với 2 cụm bản Phà Đánh và Phăn Thoong của nước CHDCND Lào) với 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú sinh sống. Toàn xã có 10.233 nhân khẩu với 2.038 hộ dân. Khí hậu khắc nghiệt, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Muốn giúp người dân thoát nghèo, cùng với sự hỗ trợ của Huyện Ủy, Ủy ban nhân dân huyện và Đồn Biên phòng Tri Lễ, Đoàn kinh tế quốc phòng 4, cấp ủy, chính quyền xã đã trăn trở tìm các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, muốn thay đổi suy nghĩ, tập quán, thói quen sản xuất của người dân không phải là ngày một, ngày hai, mà là một hành trình dài kiên trì tuyên truyền, vận động “cầm tay, chỉ việc” của cả hệ thống chính trị.

Mấy năm trước, nhắc đến cây trồng chủ lực ở Tri Lễ, người ta thường nhắc nhiều đến cây chanh leo. Còn hiện nay khi việc phát triển chanh leo bắt đầu đi vào khó khăn, xã Tri Lễ đã phát triển nhiều mô hình phù hợp với từng vùng. Chẳng hạn mở rộng phát triển mô hình lúa thơm Tri Lễ là giống lúa chịu lạnh, phù hợp với các bản Người Mông; phát triển cây măng đắng, cây đào ở các bản Pả Khốm, Huồi Mới, Huồi Xái. Đến nay, bà con các bản đã trồng được vài nghìn gốc đào vừa làm đẹp cảnh quan, vừa cho thu nhập khá. Theo lời Bí thư Đảng ủy Vi Văn Du thì đây cũng nằm trong kế hoạch phát triển du lịch sinh thái thu hút du khách đến với Tri Lễ nhiều hơn.

Cây chanh leo góp phần thay đổi đời sống của người dân xã Tri Lễ; Người Mông ở Tri Lễ thu hoạch đào; Mô hình chăn nuôi trâu bò hiệu quả của ông Lỳ Nỏ Pó; Người dân Huồi Mới 1 đào ao trên núi để nuôi cá; Các sản vật địa phương bán tại chợ Tri Lễ.
Cây chanh leo góp phần thay đổi đời sống của người dân xã Tri Lễ; Người Mông ở Tri Lễ thu hoạch đào; Mô hình chăn nuôi trâu bò hiệu quả của ông Lỳ Nỏ Pó; Người dân Huồi Mới 1 đào ao trên núi để nuôi cá; Các sản vật địa phương bán tại chợ Tri Lễ.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Tri Lễ cũng tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, duy trì nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi gắn với trồng rừng cho thu nhập ổn định. Hiện toàn xã có tổng đàn trâu 32154 con; tổng đàn bò 4.134 con; ngựa 105 con. Để đảm bảo vệ sinh môi trường và thuận lợi cho chăn nuôi, các hội đoàn thể đã tuyên truyền vận động 1073 hội nuôi trâu bò thực hiện việc di dời chuồng trại gia súc gia cầm ra khỏi sàn nhà, đạt 100% kế hoạch.

Giờ thì ở Tri Lễ cũng có triệu phú làm kinh tế giỏi, đi lên từ chăn nuôi như Lỳ Nỏ Pó ở bản Pả Khốm với 45 con bò, 25 con trâu (có thời điểm nuôi trên 100 con trâu bò); Thò Bá Thông ở bản Mường Lống 40 con trâu đực, vài chục con trâu cái. Nhiều gia đình có nhà xây hiện đại, có ô tô bán tải như gia đình anh Thò Bá Bờ Lồng – Trưởng bản Tam Hợp … “So với trước đây, bây giờ Tri Lễ tuy xa mà gần bởi đường sá đi lại thuận tiện hơn với những chuyến xe xuôi ngược hàng ngày, vì thế các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi của người dân làm ra tiêu thụ cũng dễ dàng hơn”, anh Thò Bá Bờ Lồng chia sẻ.

Nhờ đổi thay nếp nghĩ, cách làm mà tỷ lệ hộ nghèo ở Tri Lễ ngày càng giảm, năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 40,04% (giảm 8,66% so với năm 2019). xã đã đạt được 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Về Tri Lễ hôm nay, không chỉ được chứng kiến sự khởi sắc từng ngày của một xã vùng biên được biết đến là một trong những địa bàn khó khăn của khu vực miền Tây Xứ Nghệ mà còn thấy vui vì sự đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc trong giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Minh chứng là mặc dù có nhiều thành phần dân tộc với các yếu tố địa bàn, truyền thống, phong tục, tập quán khác nhau nhưng Tri Lễ đã thực hiện thành công việc sáp nhập từ 33 thôn bản xuống còn 16 thôn bản một cách thuận lợi, được cán bộ, đảng viên và người dân đồng thuận cao. Sau sáp nhập thôn bản, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn từ những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nhưng người dân các thôn bản vẫn đoàn kết, thúc đẩy phong trào lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Bản Tam Hợp là đơn vị đặc thù nhất được sáp nhập từ bản 3 bản Tà Pàn (Người Khơ mú), Bản Bò (Người Thái); D2 (Người Mông). Chi Bộ, ban quản lý bản và các chi hội đoàn thể cũng đủ các thành phần dân tộc bao gồm Bí thư chi bộ Mong Văn Xuyên (dân tộc Khơ Mú); Trưởng bản Thò Bá Bờ Lồng (dân tộc Mông); Trưởng ban công tác mặt trận Lương Văn Nam (dân tộc Thái)… Do bất đồng ngôn ngữ, địa hình xa (từ đầu bản đến cuối bản cách nhau 5 – 6 cây số) nên công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của chi bộ, ban quản lý bản khá vất vả, thường phải chia ra sinh hoạt theo cụm.

Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tam Hợp trao đổi với cán bộ xã Tri Lễ và huyện Quế Phong về tình hình thôn bản sau sáp nhập.
Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tam Hợp trao đổi với cán bộ xã Tri Lễ và huyện Quế Phong về tình hình thôn bản sau sáp nhập.

“Bản có 171 hộ, 912 khẩu nhà văn hóa cộng đồng không đủ chỗ nên chỉ có những cuộc quan trọng mới mời đại diện tới họp chung và chi bộ, ban quản lý bản phải chia nhau nói bằng mấy thứ tiếng để bà con hiểu, thời gian đầu cũng lúng túng nhưng giờ thì cũng đã bắt đầu đi vào ổn định. Điều đáng mừng là tuy phong tục, tập quán khác nhau nhưng người dân đoàn kết, hòa thuận, bảo ban nhau làm ăn. Ngoài trồng sắn, trồng ngô còn chăn nuôi trâu bò, cho thu nhập ổn định” – Bí thư Chi bộ Mong Văn Xuyên cho hay.

Để hỗ trợ cho các thôn bản, Đảng bộ xã Tri Lễ đã phân công các đồng chí trong BTV Đảng ủy, BCH Đảng bộ và đảng viên là cán bộ, công chức xã về sinh hoạt tại các chi bộ thôn bản; duy trì tốt chế độ giao ban định kỳ, các kênh thông tin hai chiều, nhờ đó chất lượng sinh hoạt, vai trò “hạt nhân” lãnh đạo tại các chi bộ ngày càng được nâng lên. “Đặc biệt công tác phát triển đảng có nhiều chuyển biến, trong năm 2020 đã kết nạp 14/12 đảng viên, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra” – Bí thư Đảng ủy xã Vi Văn Du phấn khởi nói.

Rời Tri Lễ, trong cái lạnh buốt giá của những ngày đông, trong làn sương mù bao phủ quanh các triền núi, thấp thoáng những ngôi nhà lợp gỗ samu nâu nhuốm màu thời gian, lòng chúng tôi rất ấm. Đọng lại mãi là những cái nắm tay thân tình, những lời mời hẹn “Lúc nào có thời gian nhà báo lại lên thăm đồng bào ta nhé, không xa đâu, gần thôi mà…”.

Một góc bản Huồi Mới xã Tri Lễ.
Một góc bản Huồi Mới xã Tri Lễ.

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. NGUYỄN THIÊN HƯỜNG

    ƯỚC ĐƯỢC MỘT LẦN ĐẾN VỚI BÀ CON TRI LỄ ĐỂ THẤY ĐƯỢC SỰ ĐỔI THAY CỦA NƠI ĐÂY.