Triển khai đại chiến lược, Nhật Bản dùng tiền thay cho “nắm đấm”

(Baonghean) - Trong báo cáo thường niên về Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Chính phủ Nhật Bản cho biết có kế hoạch sử dụng các gói viện trợ cho các nước đang phát triển để thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Đáng chú ý, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc bảo đảm an toàn vận tải hàng hải và duy trì việc chấp pháp trên biển nhằm củng cố nền pháp trị trong khu vực. Có thể thấy, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã và đang thay đổi trong cách dùng viện trợ vào các “đại chiến lược” của nước này.

Thay đổi cách dùng ODA

Viện trợ nước ngoài là một công cụ can dự quốc tế quan trọng trong bộ công cụ chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Mặc dù Tokyo không còn là nhà tài trợ hàng đầu thế giới như những năm 1990, nhưng nước này vẫn đứng thứ tư thế giới vào năm 2016 với ngân sách viện trợ 16,8 tỷ USD. Không chỉ quy mô ngân sách viện trợ thay đổi mà cách suy nghĩ của Tokyo sau viện trợ nước ngoài cũng đã thay đổi.

Nhật Bản và Trung Quốc cạnh tranh viện trợ phát triển. Ảnh Reuters.
Nhật Bản và Trung Quốc cạnh tranh viện trợ phát triển. Ảnh Reuters.
 Nếu như trước đây, viện trợ nước ngoài của Nhật Bản tập trung vào an ninh con người, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế và phúc lợi thì nay cách tiếp cận đã mở rộng hơn với những hoạt động liên quan quốc phòng và quân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh biển. Điều này có thể thấy rõ trong Sách Trắng của Nhật Bản về ODA vừa công bố. Tokyo sẽ cung cấp cho các nước Đông Nam Á tàu tuần tra và trang thiết bị liên quan để giúp những nước này tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển đồng thời phát triển các gói viện trợ nhân đạo và những nỗ lực nhằm ngăn chặn xung đột.

Ngoài Đông Nam Á, Nhật Bản cũng  bắt đầu “để tâm” hơn đến khu vực Ấn Độ Dương. Hồi đầu tháng này, Chính phủ Nhật Bản đã điều một đơn vị bảo vệ bờ biển tới Djibouti, quốc gia hướng ra các tuyến đường biển đóng vai trò quan trọng đối với thương mại quốc tế. Đơn vị này làm nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng bảo vệ bờ biển nước sở tại cách vận hành và bảo dưỡng các tàu tuần tra do phía Nhật Bản cung cấp, cũng như cách giải quyết với các tàu lạ. Chính phủ Nhật Bản dự kiến cũng sẽ điều đơn vị bảo vệ bờ biển này tới Sri Lanka để hướng dẫn lực lượng sở tại cách vận hành 2 tàu tuần tra mà Tokyo sẽ cung cấp vào tháng 7 tới.

Vậy lý do của sự thay đổi trong cách dùng ODA của Nhật Bản là gì? Từ năm 2016, Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu đưa ra khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” như một định hướng trong đại chiến lược về đối ngoại của Tokyo. Trọng tâm của chiến lược này chính là duy trì trật tự hàng hải dựa trên pháp quyền, qua đó bảo đảm ổn định và thịnh vượng khu vực.

Trọng tâm này được cụ thể hóa qua 3 trụ cột chính gồm: phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải; tăng cường tính kết nối thông qua việc hoàn thiện “cơ sở hạ tầng chất lượng cao” như cảng biển, đường bộ và hoàn thiện môi trường kinh doanh để đạt sự thịnh vượng kinh tế; duy trì hòa bình và ổn định thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và phòng chống thảm họa...

Trong bối cảnh như vậy, có thể nói, việc Nhật Bản mở rộng mục đích của các khoản viện hoàn toàn có thể hiểu được. Nói một cách ngắn gọn, nếu như trước đây tiền viện trợ của Nhật Bản gắn liền với khái niệm về “sự thịnh vượng của người dân Nhật Bản” thì nay bổ sung thêm khái niệm “tầm ảnh hưởng của nước Nhật”. Nhật Bản giờ không chỉ thể hiện vai trò của mình trong việc xóa đói, giảm nghèo, cải thiện các tiêu chuẩn y tế ở những nước đang phát triển mà còn muốn “phủ sóng” các vấn đề chiến lược lớn hơn, liên quan đến trật tự và sự ổn định của khu vực rộng lớn từ Đông Á đến châu Phi.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng muốn cạnh tranh với Trung Quốc khi các khoản viện trợ phát triển của Bắc Kinh ngày càng gia tăng trong khuôn khổ thực hiện sáng kiến “Vành đai, con đường”.

Dùng tiền thay cho “nắm đấm”

Giới quan sát cho rằng, Nhật Bản theo đuổi chiến lược “Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và cởi mở” phần lớn là do những thay đổi của môi trường địa chính trị trong bối cảnh sự nổi lên của Trung Quốc ở khu vực. Với Nhật Bản, sự quyết đoán trên biển của Bắc Kinh ở các biển Hoa Đông và Biển Đông là điều đặc biệt đáng lo ngại. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn mở rộng sự ảnh hưởng của mình ra khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn.

Nhật Bản đã điều một đơn vị bảo vệ bờ biển tới Djibouti. Ảnh Reuters
Nhật Bản đã điều một đơn vị bảo vệ bờ biển tới Djibouti. Ảnh Reuters
Trong những năm gần đây, quốc gia này không ngừng “đổ tiền” vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka, Maldives…. Tháng 2 năm ngoái Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti gần eo biển Bab el-Mandeb, nằm trong số những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới và là một trong ba động mạch quan trọng của Ấn Độ Dương.

Từ góc độ an ninh biển, điều dễ hiểu là Nhật Bản chủ yếu vẫn lo ngại về các tuyến đường biển và kiềm chế hành vi hung hăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Tokyo không ngừng thúc đẩy khái niệm tự do hàng hải của các tuyến đường biển và dùng viện trợ để phát triển mạng lưới các quốc gia có cùng chí hướng trong khu vực.

Điều này cho thấy, thay vì đối đầu trực diện, Tokyo tìm cách đi vòng bên ngoài, nỗ lực tạo thế cạnh tranh với Bắc Kinh dựa trên sự ủng hộ của các đối tác khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Ngoài việc đổ tiền viện trợ cho các quốc gia dọc Đông Á đến châu Phi, Nhật Bản cũng đang tham gia cùng Australia, Mỹ, Ấn Độ trong việc lập ra một kế hoạch phát triển hạ tầng khu vực chung như một lựa chọn thay thế cho sáng kiến “Vành đai - Con đường” trị giá nhiều tỷ USD của Trung Quốc.

Nhóm “Bộ tứ” này không có cạnh tranh về lợi ích trong các vấn đề an ninh khu vực, dù là ở biển Đông, biển Hoa Đông hay trong vấn đề Triều Tiên. Các yếu tố đó là tiền đề cho phép nhóm hợp tác phát triển thành một “tứ giác kim cương” ở Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Đây từng là một ý tưởng của Thủ tướng Shinzo Abe cách đây một thập kỷ về một khu vực rộng mở, nơi con người, hàng hóa, tiền vốn và kiến thức được luân chuyển minh bạch dưới “vòm cổng của tự do và thịnh vượng”. Với những sáng kiến và cách tiếp cận linh hoạt, thời gian tới Nhật Bản chắc chắn sẽ tham gia tích cực hơn vào trật tự và sự ổn định của khu vực, trong đó nhấn mạnh giá trị của an ninh hàng hải tại hai vùng biển lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.