Triển lãm hoạt động của các nhà CM Việt Nam với nhân dân Trung Quốc
(Baonghean) - Từ thập kỷ 20 của thế kỷ trước, với mục tiêu đánh đuổi quân Pháp để khôi phục lại nền độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cách mạng hoạt động bí mật ở vùng biên giới Quảng Tây (Trung Quốc), trong đó có Long Châu. Những người cách mạng Việt Nam kề vai sát cánh với nhân dân Long Châu cùng chiến đấu, sống chết có nhau, viết nên những trang sử huy hoàng về tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.
Từ năm 1926, nhiều nhà cách mạng đã đến Long Châu hoạt động bí mật. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930, Long Châu trở thành một trong những địa điểm hoạt động quan trọng của Đảng ở nước ngoài. Nhiều nhà cách mạng Việt Nam như: Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… sống và hoạt động tại đây, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Long Châu lần đầu tiên vào tháng 10/1939. Sau đó, vào những năm 1941, 1942, 1950, 1951, Người đều có hoạt động ở Long Châu. Ở đây, nhiều gia đình còn giữ được những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trân trọng những kỷ niệm về các nhà cách mạng Việt Nam ở Long Châu, những người bạn Trung Quốc đã khôi phục ngôi nhà số 99 -101 phố Nam làm nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc và Long Châu.
Với gần 200 bức ảnh, triển lãm tái hiện một cách hình tượng, sinh động những sự kiện lịch sử về mối quan hệ và tình hữu nghị giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người làm cách mạng Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là với nhân dân Long Châu.
Triển lãm diễn ra từ ngày 18 đến hết ngày 31/12, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu Di tích Kim Liên.
Nguyễn Bá Hòe