Triển vọng mô hình tái chế nhựa đầu tiên ở Nghệ An

28/10/2017 10:27

(Baonghean) - Tình trạng chất thải nhựa phát tán ngoài môi trường đã và đang gây nhiều vấn đề nghiêm trọng do khả năng tồn lưu lâu, khó phân hủy. Đẩy mạnh tái chế nhựa bằng công nghệ tiên tiến là cách làm đang được “chạy thử” tại Nghệ An và bước đầu đã chứng minh tính hiệu quả, mang lại lợi ích kép cho ngành nhựa và phúc lợi xã hội.

Tái chế nhựa tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hà Tiến. Ảnh: Thu Giang
Tái chế nhựa tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hà Tiến. Ảnh: Thu Giang

Giải bài toán chi phí

Mỗi năm, ngành nhựa của Việt Nam cần hàng triệu tấn nhựa nguyên liệu, nhưng năng lực sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 200.000 tấn.Trong khi đó, giá dầu mỏ biến động liên tục làm tăng giá nhựa nguyên liệu, kéo theo giá thành sản phẩm nhựa của nước ta cũng cao lên và khó cạnh tranh với các quốc gia khác.

Thực tế trên đặt ra thách thức buộc các doanh nghiệp trong ngành nhựa phải tìm ra hướng đi mới, mà một trong số đó là tìm kiếm các nguồn nguyên liệu rẻ tiền hơn chẳng hạn như nhựa tái chế, đầu tư dây chuyền công nghệ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất từ nhựa phế thải.

Ở Nghệ An, trong những năm vừa qua, các cấp, các ngành đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ phát triển công nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong ngành nhựa nói riêng. Ví dụ mới nhất là mô hình sản xuất hạt nhựa và các sản phẩm nhựa từ nhựa phế thải tại Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hà Tiến, đóng trên địa bàn xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu với dây chuyền bóc tách màu điện tử trị giá khoảng 4 tỷ đồng, được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017.

Theo đó, chai nhựa phế thải các loại, thay vì chấm dứt “vòng đời” bằng cách chôn lấp thì giờ đây sẽ được “tái sinh”, trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho một chu trình hiện đại và thân thiện với môi trường. Sau khi được tách và phân loại, nhựa phế thải được chuyển đến máy bằm bằng chuyền băng tải, trải qua quá trình băm nhỏ và được đưa vào hệ thống rửa bằng máy ly tâm đồng bộ để tạo ra nguyên liệu có độ sạch cao.

Tiếp đó, nguyên liệu được làm sạch lần nữa qua hệ thống tách loại bỏ dị vật trước khi đưa vào vắt bằng máy quay ly tâm để đảm bảo độ khô ráo đạt từ 80-97%. Cuối cùng, nguyên liệu được chuyển đến máy xay, máy sấy ma sát, qua quy trình đóng bao cho ra sản phẩm mảnh nhựa PET băm tái sinh, xuất khẩu đi các thị trường ngoài nước.

Với cách triển khai như vậy, dự án đã đem lại không ít lợi ích nhãn tiền cho doanh nghiệp, như chia sẻ của ông Nguyễn Trung Thành - Phó Giám đốc công ty: “Hệ thống hiện đại giúp công ty tiết kiệm nhân lực, cụ thể từ khi áp dụng dây chuyền hiện đại chúng tôi giảm được khoảng 50 lao động thủ công cho khâu kiểm tra chất lượng sản phẩm, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Không những thế, dây chuyền hiện đại hơn giúp nâng cao sản lượng từ 3 tấn/ca lên 10 tấn/ca, tạo nguồn hàng ổn định để xuất khẩu, tăng doanh thu cho doanh nghiệp”.

Hiệu quả về môi trường

Đáng đề cập hơn cả, việc đưa vào sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến để tận dụng nguồn nhựa tái chế hứa hẹn đem lại những giá trị bền vững cho môi trường sống. Trước hết, biến phế thải thành nguyên liệu hữu ích giúp giảm lượng chất thải, tiết kiệm được phần diện tích đất vốn phải dành ra để chôn lấp chất thải khó phân hủy.

Không những thế, đưa nhựa phế thải vào một “vòng đời” mới còn giảm chi phí xử lý rác thải, đồng thời giảm tác động gây ô nhiễm của chúng đến đất đai, nguồn nước trong trường hợp bị chôn lấp hoặc vứt bừa bãi ra môi trường.

Ngoài ra, thông qua việc thu gom, ý thức của cộng đồng trong việc phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải cũng sẽ được nâng cao, song song với việc giảm thiểu phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính do tiết kiệm được năng lượng. Đặc biệt, quá trình này còn tác động làm giảm nhu cầu khai thác tài nguyên thiên nhiên vốn dĩ đã hao hụt đáng kể khi được bù đắp từ các sản phẩm thu hồi từ quá trình tái chế chất thải.

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An, cùng với những tiêu chí khác về công nghệ và hiệu quả kinh tế, chính những lợi ích vô giá trên đã thuyết phục được Bộ Công Thương chấp thuận hỗ trợ doanh nghiệp của Nghệ An xây dựng mô hình sản xuất nguyên liệu hạt nhựa và các sản phẩm nhựa từ nhựa phế thải.

Sơ đồ: Quy trình sản xuất từ nguồn nhựa tái chế.
Sơ đồ: Quy trình sản xuất từ nguồn nhựa tái chế.

Đánh giá cao những kết quả bước đầu hết sức tích cực đó, trung tuần tháng 10 vừa qua Sở Công Thương Nghệ An đã tiến hành nghiệm thu cơ sở và tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình trình diễn kỹ thuật nói trên, mời đại diện một số sở, ngành cấp tỉnh, cùng lãnh đạo địa phương và 20 doanh nghiệp đến “mục sở thị”, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư trao đổi, học tập kinh nghiệm.

Tại sự kiện ý nghĩa đó, bày tỏ kỳ vọng về những tín hiệu tích cực hơn nữa trong thời gian tới, ông Bùi Trầm - Phó Giám đốc Sở Công Thương đã nhấn mạnh: "Đây là mô hình đầu tiên tại Nghệ An được Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương hỗ trợ từ kinh phí khuyến công quốc gia năm nay, với mong muốn chia sẻ một phần kinh phí, khuyến khích, động viên vật chất và tinh thần cho doanh nghiệp thêm quyết tâm xây dựng mô hình. Chúng tôi mong rằng cách làm này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các địa phương, mở rộng sản xuất trong ngành công nghiệp nhựa nói riêng và công nghiệp nói chung, hướng đến tương lai phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển chung của Nghệ An".

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Triển vọng mô hình tái chế nhựa đầu tiên ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO