Triển vọng mô hình trồng rừng cải thiện sinh kế ở huyện rẻo cao Nghệ An
Sau khi triển khai hỗ trợ hàng chục hộ dân trồng rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức đánh giá hiệu quả mô hình trồng rừng hướng đến bảo tồn nguồn nước, trung hoà các bon và cải thiện sinh kế tại huyện Kỳ Sơn.
Đây là mô hình được triển khai theo Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch “Hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức đánh giá hiệu quả mô hình trồng rừng hướng đến bảo tồn nguồn nước, trung hoà các bon và cải thiện sinh kế sau hơn 2 tháng triển khai.
Các mô hình triển khai tại khu vực xã Phà Đánh được doanh nghiệp tài trợ cùng với các đối tác phối hợp thực hiện gồm Cục Lâm nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ.
Theo Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch “Hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030”, giai đoạn 1 của các mô hình trồng rừng hướng đến bảo tồn nguồn nước, trung hoà các bon và cải thiện sinh kế tại huyện Kỳ Sơn tiến hành từ năm 2024 - 2028.
Theo đó, việc trồng rừng, dược liệu dưới tán rừng chính thức triển khai thực hiện từ tháng 10/2024, gồm 2 loại: Mô hình trồng gỗ lớn bản địa kết hợp với lâm sản ngoài gỗ với diện tích 5 ha, trồng cây gỗ lớn với mật độ 833 cây/ha, trồng cây lâm sản ngoài gỗ mật độ 1.100 cây/ha. Và mô hình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung cây gỗ lớn bản địa kết hợp với lâm sản ngoài gỗ với diện tích 10 ha, mật độ cây gỗ lớn 400 cây/ha.
Tại xã Phà Đánh, đến tháng 12/2024 đã trồng được hơn 1 tháng, các loài cây đang dần thích ứng với điều kiện môi trường và sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao.
Đánh giá kết quả cho thấy mô hình trồng cây bản địa gỗ lớn và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung cây bản địa gỗ lớn kết hợp với cây lâm sản ngoài gỗ bước đầu có tỷ lệ sống khá cao, đã nảy lộc và ra rễ. Nếu được chăm sóc và bảo vệ tốt trong những năm tiếp theo, đối với cây dổi xanh sau 10-12 tuổi có thể cho thu hái quả và đem bán. Giai đoạn này cây khép tán cũng giúp gia tăng chức năng phòng hộ, tăng khả năng lưu trữ nước và giữ trữ các bon.
Đối với cây sồi phảng, sau 8 năm có thể ra quả giúp phục hồi và gia tăng mật độ tái sinh trong mô hình khoanh nuôi tái sinh, là giai đoạn cây sinh trưởng mạnh, góp phần tăng khả năng phòng hộ, dự trữ nước và lưu trữ các bon. Còn cây ba kích và cây sa nhân đã được triển khai trồng tại Phà Đánh, sau 03 năm nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch với giá khoảng 150.000 đồng/kg; Sa nhân 70.000 đồng/kg, tạo khoản thu đáng kể nâng cao thu nhập cho người dân.
Các chuyên gia đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các mô hình trồng rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh nếu được tác động đúng kỹ thuật sẽ giúp các hộ gia đình tham gia trồng rừng vừa có thu nhập cải thiện sinh kế, vừa nâng cao giá trị sinh thái của rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất rừng. Đồng thời, đáp ứng được yêu cầu về môi trường, đảm bảo bền vững hơn về mặt kinh tế, xã hội và sinh thái trong tương lai./.