Triết lý về Phật giáo của Đại thi hào Nguyễn Du

21/03/2015 16:09

(Baonghean) - Vấn đề tư tưởng, triết lý Phật giáo trong sáng tác của Nguyễn Du đến nay còn nhiều bàn luận chưa thấu đáo. Hiểu được sự thâm hậu của tư tưởng, triết lý này, những người Việt Nam đang sống ở thế kỷ XXI sẽ có thêm giác ngộ về đạo Phật, về tôn giáo từ trí tuệ và trái tim vĩ đại của đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.

Phê bình và nghiên cứu Truyện Kiều, chúng ta thấy trong đó có sự hiện diện của tư tưởng, triết lí Phật giáo. Với một nghệ sĩ vĩ đại như Nguyễn Du thì tính thực tiễn, tích cực, lòng yêu cuộc sống, tình cảm nhân văn, chủ nghĩa nhân đạo dồi dào vốn có đã tạo ra sức mạnh, bản lĩnh lớn nhiều khi vượt khỏi những khía cạnh tiêu cực, phản tiến bộ của các tôn giáo mà chính thi hào bị ảnh hưởng. Bài thơ “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài” (Đài đá “phân kinh” của thái tử Chiêu Minh đời Lương) trong tập thơ chữ Hán Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du sáng tác trong vòng gần một năm khi làm trưởng đoàn sứ bộ đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) là một tham bác có tính chất như một luận chứng để chúng ta tham khảo khi tìm hiểu, nghiên cứu thái độ, cảm quan của Nguyễn Du đối với đạo Phật.

Mở đầu, trữ tình về cảnh hoang phế của “đài phân kinh”: “Nền đài hoang vu dưới làn mưa/ Cỏ cây bị rét đều chết khô”; kế đó bài thơ chê cười, phê phán hai cha con thái tử Chiêu Minh “Khéo bày chuyện chia kinh, chỉ thêm rắc rối vô ích”, “Một nhà cả hai cha con đều mù quáng”. Nhà thơ, rất táo bạo chỉ ra:

U mê mà theo Phật, thì Phật trở thành ma

(Si tâm qui Phật, Phật sinh ma)

Và: Ma sinh ra trong ý nghĩ.

(Nhất niệm chi trung, ma tự chí)

Theo nhà thơ, cuộc sống hiện thực không chỉ tồn tại, vận hành mà còn có quy luật riêng của nó, vượt ra ngoài, cao hơn hẳn những tín điều tôn giáo:

Không thấy đài sen mọc ở chốn sơn lăng,

Buổi sớm kia (Hầu Cảnh) cưỡi ngựa trắng qua Trường giang(2),

Cây rừng Sở bị họa, cá dưới ao bị vạ lây…

Kinh bị thiêu ra tro, đài cũng đổ nát

Nghìn vạn lời lưu lại cũng vô ích,

(Chỉ để) bọn ngu tăng đời sau đọc điếc tai người ta.

Nhà thơ đi đến triết lí sâu sắc về đạo Phật và khẳng định:

Người ta hiểu được chữ tâm, tức là tự độ rồi,

Linh sơn chỉ ở trong lòng người.

Minh kính cũng không phải là đài,

Bồ đề vốn không phải là cây.

Ta đọc kinh Kim Cương hàng nghìn lượt,

Những ý nghĩa gọi là sâu xa trong đó phần nhiều không rõ ràng.

Khi đến dưới đài Phân kinh này,

Mới biết kinh không chữ mới thật là chân kinh!

“Tài tri vô tự thị chân kinh” - kinh không chữ mới thật là chân kinh! Một tư tưởng về Phật giáo thật là huyền diệu! Theo chúng tôi hiểu, với Nguyễn Du căn gốc của đạo Phật, lẽ tồn tại của Phật giáo là ở cái “tâm” của lòng người - tình yêu cuộc sống, lòng nhân ái, sự đối xử có tình có nghĩa với đồng loại…, nói gọn là những lẽ đời tốt đẹp.

Phải chăng vì vậy mà “Văn tế thập loại chúng sinh” viết cho nhà chùa, thường được tụng đọc ngày Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, nhưng chỉ là lời cảm thương vô hạn 10 loại cô hồn vất vưởng ở cõi âm sau khi đã sống trên cõi dương với những tình cảnh khổ ải khác nhau nhưng giống nhau ở sự cay đắng, hãy tụ về hưởng “bát cháo lá đa” của nhà chùa, của người sống chứ không là đưa họ về cõi Niết Bàn siêu thoát. Và cô Kiều trong kiệt tác Đoạn trường tân thanh tự nguyện xin Hoạn Thư ra hương đèn, kinh kệ tu ở chùa, những mong “Cửa thiền then nhặt, lưới mau” để “Thảm lấp, sầu vùi” sau khi bị Hoạn Thư đánh ghen nanh ác và lúc sóng gió cuộc đời dập vùi tối tăm mặt mũi đã than “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Nhưng “giọt nước cành dương” của nhà Phật làm sao dập tắt lửa lòng của nàng, nên nàng vẫn tỉ tê giao lòng với Thúc Sinh để rồi sau đó trốn ra với cuộc đời trong đêm! Lời lẽ Kiều từ chối sự khẩn cầu trở về nhà đoàn tụ của mẹ cha và Kim Trọng có viện đến chuyện tu trọn đời, nhưng sao lại đay nghiến: “Đã tu/ tu trót/ qua thì/ thì thôi!”.

Tranh minh họa

Xuống tóc, mặc áo nâu sồng, ăn chay, tụng kinh, với Thúy Kiều của Nguyễn Du nào có gì hạnh phúc? Ấy nên tình cảm, tình nghĩa với người tình, với cha mẹ và hai em, tức là với đời, là động lực, động cơ mạnh hơn nghĩa với nữ tu Giác Duyên và sự hấp dẫn của Phật đài. Cảnh đoàn viên cuối sách, dù cảm nhận thế nào đi nữa, thì chúng ta đều phải công nhận cuộc đời thực trần trụi có sức hấp dẫn lớn! Chúng tôi cho rằng sự giao hoan của Kim - Kiều trong buổi đoàn viên đích thực là một tình yêu bất tử, nó đã vượt xa chuyện xác thịt, tình dục và tình nghĩa để sống với tiêu chí chủ yếu và cao quý của ái tình nam nữ - tình yêu, mà chúng tôi nghĩ phần nhiều các cuộc hôn nhân xưa nay chưa dễ gì đã có được:

Khi chén rượu, khi cuộc cờ,

Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

“Kim - Kiều đã - sống - với - nhau - cùng - ngày - tháng”

(L.T.P- Chữ trinh trong Truyện Kiều, một cái nhìn hiện đại của Nguyễn Du).

Quả thật, chưa dám bàn luận đầy đủ vấn đề triết lí về đạo Phật của Nguyễn Du, nhưng qua các sáng tạo hình tượng thi ca như Đoạn trường tân thanh, Văn tế thập loại chúng sinh và thơ trữ tình tư tưởng, triết lí như “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài”… thì chúng tôi nghĩ những nghiên cứu xung quanh vấn đề hóc búa này không thể không hết sức thận trọng, phải rất khách quan - khoa học. Và bài thơ “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài” Nguyễn Du viết cách đây 200 năm, nhưng nó có giá trị điều chỉnh, định hướng cho xã hội chúng ta hiện nay về tín ngưỡng Phật giáo (và cả các tôn giáo khác) khi chùa chiền, thánh đường, đền miếu được xây dựng rất nhiều, lễ bái đang có chiều hướng lan tràn, lạm dụng, thậm chí có nhiều hiện tượng không lành mạnh!

NGƯT Lê Thái Phong

Mới nhất
x
Triết lý về Phật giáo của Đại thi hào Nguyễn Du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO