Triều Tiên luôn có Trung Quốc là đồng minh ngoại giao
(Baonghean.vn) - Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên máy bay của hãng hàng không Air China để tới Singapore tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tín hiệu phát đi rất rõ ràng: Bắc Kinh vẫn là đồng minh ngoại giao của Bình Nhưỡng.
Việc đăng tải hình ảnh ông Kim lên chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Air China là một cách phô trương đầy bất ngờ. Ảnh: AP |
Ông Kim Jong-un chưa từng có chuyến bay xa như vậy kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 12/2011, và việc nhà lãnh đạo Triều Tiên lên chuyến bay của hãng hàng không Trung Quốc chứng tỏ hai đồng minh thời chiến tranh lạnh này vẫn cần có nhau, bất chấp các căng thẳng gần đây.
Theo giới phân tích, các tờ báo của đảng Lao động Triều Tiên đăng bức ảnh ông Kim lên chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Air China là một cách phô trương đầy bất ngờ, bởi Triều Tiên vốn luôn tự hào về ý thức tự cường của mình.
Giáo sư Koh Yu-hwan nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Dongguk ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nhận xét: “Đây có thể là một lý do thực tiễn, song cũng là một động thái mang tính biểu tượng nhằm chứng tỏ cho người dân thấy rằng, Trung Quốc luôn có Triều Tiên hỗ trợ và Bắc Kinh có thể ở đó vì Bình Nhưỡng, nếu toàn bộ tiến trình phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên với Mỹ thất bại”.
Giới phân tích cũng cho rằng, Bắc Kinh luôn suy xét vấn đề an toàn cho cá nhân ông Kim Jong-un, bởi phi đội máy bay của Triều Tiên đã cũ kỹ. Cha của ông Kim Jong-un, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il nổi tiếng là người luôn sợ bay và chỉ đi lại bằng tàu.
Trong quá khứ, cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành rất thành thạo trong việc gây xung đột giữa hai cựu thù Cộng sản thời Chiến tranh Lạnh, là Bắc Kinh và Moskva, để từ đó giành được sự nhượng bộ từ cả hai nước này.
Giáo sư Koh chia sẻ: “Bình Nhưỡng có thể cho rằng, hiện tại họ có thể sử dụng chiến thuật tương tự để áp dụng với Trung Quốc và Mỹ, nhằm đạt được lợi ích riêng của mình”.
Theo ông Koh, cùng lúc đó, ông Kim Jong-un muốn tăng cường quan hệ với các cường quốc như Trung Quốc và Nga, để tự bảo vệ chính mình, nếu Bình Nhưỡng bắt đầu xóa bỏ kho vũ khí hạt nhân, vốn được xem là “thanh kiếm báu vật” của nước này.
Chuyên gia Lu Chao nghiên cứu về Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc) cho rằng: “Trung Quốc có khả năng vẫn cảnh giác trước đòn lừa bịp có thể có của Hàn Quốc và Mỹ”.
Chuyên gia này cảnh báo, nếu Washington, Seoul và Bình Nhưỡng ký một hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên mà không có sự tham gia của Bắc Kinh, “Trung Quốc có quyền hủy bỏ nó”.
Như vậy, có thể thấy, Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao diễn biến của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, bởi đây là vấn đề an ninh quốc gia mang tầm quan trọng với nước này.