Trình phương án phân bổ hơn 800 tỷ đồng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An

Mai Hoa 11/04/2024 15:12

(Baonghean.vn) - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi cho rằng, cần thay đổi tư duy trong phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển, khắc phục tính dàn trải mà cần dành nguồn lực đầu tư tập trung, khép kín theo lộ trình, đảm bảo hiệu quả cao.


bna_ MH5.jpg
Quang cảnh cuộc họp thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa

Sáng 11/4, Ban Dân tộc HĐND tỉnh tổ chức cuộc họp thẩm tra dự thảo nghị quyết phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

Tham dự cuộc họp thẩm tra có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ngành liên quan. Đồng chí Lô Thị Kim Ngân - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp thẩm tra.

bna_ MH4.jpg
Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lương Văn Khánh trình bày dự thảo nghị quyết. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở Quyết định số 1600, ngày 10/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán bổ sung kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho tỉnh Nghệ An, với tổng số tiền 801.478 triệu đồng; UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh xây dựng dự thảo nghị quyết phân bổ để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.

Dự thảo đề xuất phân bổ 801.478 triệu đồng để thực hiện 10 nhóm dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

bna_MH7.jpg
Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quế Thị Trâm Ngọc nêu ý kiến thẩm tra tại cuộc họp. Ảnh: Mai Hoa

Trên cơ sở dự thảo nghị quyết được trình và căn cứ tình hình thực hiện nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình trong thời gian qua, vấn đề được nhiều ý kiến thẩm tra đề xuất là cần xem xét nguyên tắc phân bổ, phải dựa vào nhu cầu thực tế tại các huyện thụ hưởng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của nguồn vốn, tránh tình trạng phân tán, manh mún và trả nguồn do không thực hiện được, trong khi đơn vị cần vốn lại không được phân bổ thêm.

bna_ MH.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lê Văn Ngọc tham gia ý kiến thẩm tra. Ảnh: Mai Hoa

Tham gia ý kiến thẩm tra, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh quan điểm: Cần thay đổi tư duy, khắc phục việc làm theo thói quen, lối mòn, chia nhỏ nguồn cho các địa phương, mà cần dành nguồn lực đầu tư tập trung, khép kín theo lộ trình, hoàn thành địa phương này sẽ triển khai tiếp địa phương khác, đảm bảo hiệu quả cao của nguồn vốn.

Như trong việc giải quyết đất ở cho người dân; trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

bna_ MH1.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi nhấn mạnh quan điểm cần thay đổi tư duy trong phân bổ nguồn lực đầu tư. Ảnh: Mai Hoa

Hay trong phân bổ nguồn kinh phí cho công tác đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cần phải có cách làm khác, nếu phân bổ nguồn về cho các trung tâm đào tạo nghề của các huyện thì sẽ không đủ năng lực để thực hiện do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người, dẫn đến mục tiêu cuối cùng là chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực lại không đảm bảo…

bna_ MH2.jpg
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thành viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Thị Quỳnh Hoa kiến nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn, quy định, đảm bảo hiệu quả cao hơn trong thực hiện chương trình. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh ý kiến trên, một số ý kiến cũng cho rằng, hiện các văn bản hướng dẫn và quy định của Trung ương, của tỉnh trong thực hiện cũng đang đặt ra một số khó khăn, đề nghị cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo thuận lợi và hiệu quả trong triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, phân bổ 55.710 triệu đồng cho dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; 137 triệu đồng cho dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; 544.484 triệu đồng cho dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; 29.557 triệu đồng cho dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; 97.416 triệu đồng cho dự án phát triển giáo dục - đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;

10.365 triệu đồng cho dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; 14.860 triệu đồng cho dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; 28.727 triệu đồng cho thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; 5.508 triệu đồng cho dự đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; 14.714 triệu đồng cho dự án truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trình phương án phân bổ hơn 800 tỷ đồng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO