'Trò chơi đi dây' của Tổng thống Tayyip Erdogan

05/05/2017 09:17

(Baonghean) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa trở về nước sau chuyến thăm Nga thành công với cuộc gặp được đánh giá là đầy “tâm đầu ý hợp” với Tổng thống Vladimir Putin. Nhiều người cho rằng, chuyến thăm tốt đẹp tới Nga không hẳn là điều tốt khi ông Erdogan sẽ tới Nhà Trắng để gặp gỡ Tổng thống Donald Trump vào giữa tháng 5 tới. Nhưng có lẽ ông Erdogan chẳng lo lắng nhiều đến thế, bởi ngoài những phẩm chất giúp ông đang vững vàng ở vị trí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông còn nổi tiếng là “bậc thầy” với “trò chơi đi dây” trong mối quan hệ với các cường quốc.

Nhà lãnh đạo gây tranh cãi

Tayyip Erdogan không phải là cái tên giành được nhiều thiện cảm trong giới chính trị gia quốc tế - đó là điều chắc chắn. Dù là một chính trị gia tầm cỡ, một cái bóng khó vượt qua trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau nhà lãnh đạo Mustafa Kemal Ataturk, nhưng tìm được những bài viết khen ngợi ông với những lời có cánh quả thực không dễ dàng.

Những bài viết về ông thường xuất hiện những từ như độc đoán, hung hăng, chuyên quyền - cũng chính là những yếu tố thường được viện dẫn để lý giải cho mối quan hệ khó khăn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước phương Tây, những nước luôn đề cao các giá trị dân chủ.

Dù gây tranh cãi, ông Tayyip Erdogan vẫn được ủng hộ để trở thành một “siêu Tổng thống”.
Dù gây tranh cãi, ông Tayyip Erdogan vẫn được ủng hộ để trở thành một “siêu Tổng thống”.

Ông được mô tả là một nhà lãnh đạo quyết liệt, không khoan nhượng với những người bất đồng quan điểm, buộc những người phản đối ông phải im lặng, từ một cậu bé 16 tuổi bị bắt vì lăng mạ Tổng thống, tới một cựu hoa hậu vướng vào nhiều rắc rối do đã chia sẻ một bài thơ chỉ trích ông trên mạng xã hội. Và minh chứng rõ nhất là cách xử lý của ông đối với cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái.

Những người khởi xướng đã dự định hạ sát ông khi đó đang ở khu nghỉ dưỡng Aegean ở Marmaris. Nhưng ông đã quay lại trong vòng chưa đầy 12 giờ và mạnh tay xử lý những người đã âm mưu hãm hại mình với gần 50.000 người bị bắt giam, bao gồm các sĩ quan quân đội, binh sĩ, nhà báo, luật sư, cảnh sát, các nhà nghiên cứu, các chính trị gia người Kurd…, 120.000 người khác trong đủ mọi lĩnh vực, ngành nghề cũng bị sa thải.

Dù cả ở trong nước và ngoài nước, Tổng thống Erdogan luôn vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng ông vẫn đang là một Tổng thống được nhiều người dân tín nhiệm – ít nhất là hơn một nửa. Cuộc trưng cầu ý dân gần đây về sửa đổi Hiến pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ đã minh chứng điều đó. Ai cũng biết bản Dự thảo Hiến pháp nếu được thông qua sẽ mở đường cho ông Erdogan trở thành một “siêu Tổng thống” với quá nhiều quyền lực.

Thế nhưng vẫn hơn 50% cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu vào ô “đồng ý”, và tất nhiên là họ có lý do cho sự lựa chọn của mình. Trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2002 – 1 năm sau khi ông tự đứng ra thành lập Đảng Công lý và Phát triển, sau đó đến tháng 8/2014 trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan được cử tri tín nhiệm phần lớn nhờ vào khả năng điều hành kinh tế đất nước của mình. Dưới sự chèo lái của ông, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng đều đặn với tốc độ trung bình 4,5%/năm, trở thành một quốc gia mạnh cả về sản xuất và xuất khẩu.

Lạm phát luôn được kiểm soát ở mức cho phép – một thành tựu đáng nể nếu nhìn lại những năm 1990, lạm phát có lúc lên tới 100%. Vì kinh tế của đất nước, ông sẵn sàng “xuống nước” xin lỗi Tổng thống Nga Vladimir Putin khi Thổ Nhĩ Kỳ “trót” bắn hạ một máy bay chiến đấu của nước này ở khu vực biên giới giáp ranh với Syria.

“Đi dây” giữa Nga và Mỹ

Từ sau khi gửi lời xin lỗi, ông Erdogan đã có 4 lần gặp gỡ Tổng thống Nga Putin để hàn gắn và phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia có nhiều duyên nợ. Sau cuộc gặp tại Sochi hôm 3/5, Nga đã đồng ý dỡ bỏ mọi rào cản trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ vốn được áp dụng từ sau vụ bắn rơi máy bay chiến đấu. Nhiều người nói rằng cuộc gặp tốt đẹp với Tổng thống Putin của ông Erdogan có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump không vui khi ông Erdogan tới thăm Mỹ vào ngày 16-17/5 tới.

Ông Erdogan được cho là có nhiều điểm tương đồng với cả ông Putin và ông Trump, đó là theo đuổi chủ nghĩa dân túy phi ngoại giao, sẵn sàng nói thẳng ý kiến của mình. Nhưng điều này không có nghĩa sẽ có một “cuộc diễu hành hàng 3” tiến lên phía trước. Dù vậy, ông Erdogan tự tin ông có thể tìm ra nhịp độ phù hợp khi song hành với từng người, để không ai bỏ lại ông và vượt lên trước.

Ông Erdogan vẫn an toàn giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Erdogan vẫn an toàn giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới tại Thổ Nhĩ Kỳ được công bố, cả ông Vladimir Putin và ông Donald Trump đều nhanh chóng gọi điện chúc mừng thành công của ông Tayyip Erdogan. Cuộc gọi điện chúc mừng của ông Putin không nằm ngoài dự đoán, nhưng của ông Donald Trump lại hoàn toàn gây bất ngờ.

Cuộc gọi của ông Trump diễn ra trong bối cảnh ông Erdogan đang đối mặt với chỉ trích của các nhà lãnh đạo châu Âu về cách ông củng cố quyền lực của mình, và ông Trump là nhà lãnh đạo phương Tây duy nhất gọi điện chúc mừng ông. Cuộc điện thoại để ông Erdogan cảm thấy cả hai nhà lãnh đạo của hai cường quốc đã đứng cạnh ông sau sự kiện rất quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của mình.

Ông Tayyip Erdogan hiểu rõ Mỹ và Nga có xung đột lợi ích và Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị kẹt vào giữa thế đối đầu của hai cường quốc này ở cả tầm khu vực và toàn cầu. Nếu ngả quá nhiều về một bên, ông sẽ khiến mối quan hệ với nước còn lại trở nên hết sức rủi ro. Nhưng ông Erdogan biết cách để không gắn liền lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga hoặc Mỹ tại những “lãnh địa nhạy cảm”.

Câu chuyện tại chiến trường đầy phức tạp Syria là một ví dụ điển hình. Dù quyết định triển khai chiến dịch quân sự Lá chắn sông Euphrates và đưa quân sang Syria, song Thổ Nhĩ Kỳ lý giải hành động này là bảo vệ khu vực biên giới của mình. Điều này khiến Mỹ không vui nhưng cũng không thể chỉ trích ra mặt dù Lực lượng dân quân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ nhắm đến trong chiến dịch này lại là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn.

Với Nga cũng vậy, nước này không thể bác bỏ nhu cầu chính đáng là tự bảo vệ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, dù mục tiêu tham chiến của Nga tại Syria là trợ giúp ông Assad giữ vững toàn vẹn lãnh thổ. Vậy là, ông Tayyip Erdogan vẫn an toàn trên sợi dây ranh giới giữa Nga và Mỹ. Với khả năng giữ thăng bằng như vậy, không có lý do gì ông lại không chờ đợi một chuyến thăm Nhà Trắng thành công sau chuyến công du tới Sochi vừa rồi.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Trò chơi đi dây' của Tổng thống Tayyip Erdogan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO