Trò chuyện với người cựu chỉ huy đội quy tập tại Lào: 'Nhiệm vụ gian khó mà thiêng liêng'

Thành Chung 27/07/2019 10:12

(Baonghean) - Trong suốt 35 năm qua, lực lượng quy tập hài cốt liệt sỹ của tỉnh Nghệ An đã luôn nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, hiểm nguy để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cha anh, đồng đội mình đã hy sinh và nằm lại trên đất nước bạn Lào. Trong tâm khảm họ, vẫn luôn trăn trở nỗi ưu tư...

Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện cùng Đại tá Hồ Trọng Bình là người đã có 31 năm làm công tác quy tập, nguyên Đoàn trưởng Đoàn Quy tập từ năm 1994-2015.

Đại tá Hồ Trọng Bình trong một lần làm nhiệm vụ. Ảnh tư liệu
Đại tá Hồ Trọng Bình trong một lần làm nhiệm vụ. Ảnh tư liệu

- Thưa Đại tá, được biết công tác quy tập hài cốt liệt sỹ bộ đội, chuyên gia tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào của tỉnh Nghệ An từ năm 1984 đến nay được chia thành 3 giai đoạn và mỗi giai đoạn đều có những đặc thù khác nhau. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn?

- Ngày 18/4/1984, Đoàn quy tập Nghệ An được thành lập nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc kháng chiến ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Tỉnh Nghệ An được giao nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào đưa về nước ở địa bàn 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Viêng Chăn, sau có thêm tỉnh Xay Xổm Bun mới thành lập.

Chúng ta có thể chia hoạt động tìm kiếm, quy tập trong 35 năm qua thành 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1984 - 1994. Ở giai đoạn đầu này, công tác còn sơ khai, cực kỳ vất vả bởi khi đó tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn hết sức phức tạp. Hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào chưa xây dựng chủ trương thống nhất cụ thể về việc di dời hài cốt quân tình nguyện Việt Nam. Các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở phía Nam và phía Bắc nên chưa có điều kiện bàn giao hồ sơ mộ chí. Tìm mộ liệt sỹ giai đoạn này là vừa làm vừa đề xuất Đảng, Nhà nước xây dựng chủ trương, chính sách liên quan.

Hài cốt liệt sỹ được quy tập đưa về an táng ở Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Nghi Lộc. Ảnh: Tiến Hùng

Giai đoạn thứ hai là từ năm 1994 - 2015. Lúc này, Đảng, Nhà nước ta và của bạn đã có chủ trương, chính sách hoàn thiện. Bởi vậy, giai đoạn này Nghệ An đã tập trung nhân, vật lực lớn và tinh nhuệ nhất để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cất bốc. Đây cũng là giai đoạn chúng ta tìm được nhiều liệt sỹ nhất, riêng ở tỉnh Xiêng Khoảng thời gian này đã tìm được khoảng 12.000 liệt sỹ và đưa về nước.

Giai đoạn thứ ba là từ năm 2015 đến nay. Do phần lớn mộ liệt sỹ đã được tìm thấy và đưa về nước, tình hình an ninh chính trị của bạn đã ổn định nên quy mô của Đoàn Quy tập được đưa về thành Đội Quy tập. Ở giai đoạn này, công tác tìm kiếm, quy tập rất gian khó bởi lực lượng giảm bớt; số mộ còn lại nằm ở khu vực vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp.

Tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Xiêng Khoảng.  Ảnh:  Trọng Kiên
Tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Xiêng Khoảng. Ảnh: Trọng Kiên

- Với 31 năm tham gia công tác quy tập, đối diện bao thách thức, gian khó, đồng chí có những kỷ niệm nào không thể quên?

- Với tôi, mỗi một chuyến lên đường làm công tác đều là kỷ niệm. Nghĩa là kỷ niệm ở đây khó đong đếm và lột tả hết được. Bởi những người làm công tác quy tập như chúng tôi luôn xác định: Ra đi để tìm lại đồng đội. Ra đi là phải tìm thấy đồng đội và đón đồng đội trở về. Xúc động và thiêng liêng lắm.
Về khó khăn thì cái lớn nhất mà lực lượng tìm kiếm quy tập phải đối mặt đó là thông tin xác định về phần mộ liệt sỹ. Do chiến tranh đã lùi xa khá lâu, các liệt sỹ thì hy sinh trong các giai đoạn khác nhau và ở trên địa bàn rừng núi hiểm trở, địa hình phức tạp... Thời gian, thiên tai, địch họa đã dần xóa đi các thông tin phần mộ, xóa đi các dấu hiệu nhận biết. Đơn cử, trong chiến tranh, cánh đồng Chum của nước bạn Lào với địa thế nóc nhà Đông Dương trở thành chiến trường ác liệt nhất. Địch và ta tập trung quyết chiến tại cao điểm này. Không biết bao nhiêu bom đạn đã cày xới. Nhiều vị trí ta vừa mai táng liệt sỹ đã bị bom đánh, bom vùi. Mai táng lại, bom đạn lại trùm lên. Hay như 11 liệt sỹ được chôn nơi nghĩa trang trên núi Phu Phà Đeng, huyện Mường Khun, tỉnh Xiêng Khoảng đã hoàn toàn biến mất sau một trận sạt núi vào mùa mưa năm 1990. Những cơn mưa rừng dữ dội ở Lào cũng đã cuốn đi bao ngôi mộ nằm cạnh suối...

Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ luôn được tỉnh Nghệ An quan tâm. Ảnh: Tiến Hùng
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ luôn được tỉnh Nghệ An quan tâm. Ảnh: Tiến Hùng

Khó khăn nữa là có giai đoạn trước đây tình hình an ninh chính trị của bạn chưa thật tốt khi mà lực lượng phỉ, phản động thường cài mìn, bắn lén, chống phá và xuyên tạc chủ trương tìm kiếm quy tập của hai Đảng, Nhà nước. Và còn đó là điều kiện, phương tiện tìm kiếm chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Có những hang đá tránh trú “nghi” có phần mộ nhưng chúng ta không thể cất bốc do hàng trăm nghìn mét khối đá đã vùi lấp hoàn toàn cửa hang.

Nói chung, khó khăn thì rất nhiều, nhưng với tinh thần, trách nhiệm, nghĩa tình với cha ông, các lực lượng quy tập luôn nỗ lực, cố gắng, khắc phục gian nan, hiểm nguy để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Chúng tôi đã từng nghe thông tin lực lượng phỉ, phản động ở Lào đã từng treo giá 50.000 USD cho ai lấy được tính mạng của đồng chí - người đứng đầu lực lượng quy tập và tham gia xây dựng lực lượng giúp bạn ở tỉnh Xiêng Khoảng; vậy thực hư thông tin này là như thế nào?
- Trong những năm 1990 - 2000, tình hình an ninh chính trị của tỉnh Xiêng Khoảng bất ổn do sự hoạt động mạnh mẽ, kéo dài của lực lượng tàn quân Vàng Pao. Chúng thường xuyên tổ chức bắn giết, đánh phá, ngăn cản sự phát triển chung của nước bạn Lào cũng như công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của ta. Lúc này, số lượng người dân Lào bị dụ dỗ đi theo quân này là không nhỏ, phỉ ở xung quanh, lẫn lộn trong dân.
Giúp bạn là giúp mình, năm 2000, Đoàn Quy tập của tỉnh Nghệ An tích cực thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước ta là xây dựng cơ sở cho nước bạn Lào. Đoàn đã cử cán bộ xuống từng địa phương để xây dựng, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; thực hiện công tác địch vận, tuyên truyền, vận động các đối tượng mà phỉ cài cắm vào bên trong các bản hướng thiện. Sau hơn 1 năm, Đoàn Quy tập tỉnh Nghệ An đã cùng quân đội Lào xây dựng, củng cố được lực lượng dân quân tại chỗ vững mạnh. Nhiều lần phỉ đánh thì đã bị dân quân đánh bật ra, chưa cần đến bộ đội chính quy vào.

Các thành viên đội Tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Xiêng Khoảng đang khảo sát địa hình tìm vị trí nơi an táng các liệt sỹ. Ảnh: Trọng Kiên
Các thành viên Đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại tỉnh Xiêng Khoảng đang khảo sát địa hình tìm vị trí nơi an táng các liệt sỹ. Ảnh: Trọng Kiên
Bắt đầu quá trình tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ đã hy sinh. Ảnh: Trọng Kiên
Bắt đầu quá trình tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ đã hy sinh. Ảnh: Trọng Kiên
Tỉ mỉ từng vị trí được đánh dấu để di dời đưa hài cốt các liệt sỹ. Ảnh: Trọng Kiên
Tỉ mỉ từng vị trí được đánh dấu để di dời đưa hài cốt các liệt sỹ. Ảnh: Trọng Kiên

Thông tin phỉ treo giá tính mạng tôi 50.000 USD quả thực là tôi không biết. Thông tin này tôi chỉ được nghe vào năm 2002 khi mà đích thân Bí thư, Tỉnh trưởng Xiêng Khoảng là nữ đồng chí Bun Phên đã gọi và trao đổi với tôi. Đồng chí Bun Phên cho biết: Đầu não của tàn quân Vàng Pao tại Mỹ đã nghĩ cách khủng bố lực lượng ta bằng việc treo giải 50.000 USD cho ai bắt hoặc bắn chết được tôi. Đồng chí cũng đề nghị tôi đi đâu thì thông báo lại để tỉnh bố trí lực lượng công an, bộ đội bảo vệ an toàn. Tuy nhiên, tôi cũng thưa lại rằng là chưa cần thiết, bản thân sẽ đề cao cảnh giác.

- Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, tình cảm thủy chung, hữu nghị đặc biệt của quân dân hai nước Việt - Lào đã luôn sâu sắc, thắm thiết. Bây giờ khi chiến tranh lùi xa, tình đoàn kết hữu nghị này được thể hiện như thế nào trong công tác tìm kiếm, quy tập liệt sỹ?
- Từ xưa, quân dân 2 nước Lào và Việt Nam luôn giữ vững tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, tình cảm anh em ruột thịt. Chủ tịch Lào Xuphanuvông từng khắc họa “Cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”. Bây giờ cũng vậy, cán bộ, chiến sỹ Việt Nam vẫn luôn được nhân dân Lào yêu quý, đùm bọc. Trong hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, cán bộ và nhân dân Lào đã kề vai, sát cánh, hỗ trợ chúng ta rất nhiều. Chính quyền bạn đã cử những cán bộ giỏi để cùng tham gia công tác tìm kiếm. Ở những bản làng, khi đoàn quy tập đến, người dân đều tiếp đón chu đáo, tạo điều kiện tốt nhất về sinh hoạt cho đoàn làm việc. Ai biết thông tin về phần mộ đều nhiệt tình cung cấp. Họ coi liệt sỹ Việt Nam là ân nhân, cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam là người thân thuộc nhất.
Xin được nêu một ví dụ minh chứng về tình cảm này, đó là: Người Lào rất kiêng cữ việc cất bốc, đưa hài cốt về nhà. Người mất sẽ được hỏa táng và sau đó tro cốt sẽ được gửi lên chùa. Tuy nhiên, với những hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam khi được tìm thấy, họ sẵn sàng rước vào nhà “ở nhờ” trong thời gian đoàn tiếp tục tìm kiếm trên địa bàn. Họ bảo nhau rằng: Không có những liệt sỹ này thì không có mình hôm nay!
Trong quãng thời gian 31 năm tìm kiếm ở Lào, tôi nhớ mãi một câu chuyện về nghĩa tình đồng đội. Đó là vào năm 1987, khi Đoàn quy tập về ở 1 bản thuộc huyện Phu Cút, tỉnh Xiêng Khoảng. Tại đây, một ông lão (do thời gian lâu ngày nên quên tên) đã tìm đến đoàn và dẫn chúng tôi đến một nghĩa trang có 24 ngôi mộ liệt sỹ thời chống Pháp. Các ngôi mộ đều được đắp rất to đẹp, được che nắng che mưa bằng ni lông, chiếu. Ông lão chia sẻ rằng 24 liệt sỹ Việt Nam này đều là đồng đội của ông. Sau khi các đồng đội hy sinh, ông đã lên đây dựng chòi và làm rẫy cạnh bên để canh giữ, chăm sóc phần mộ, làm bạn cùng các liệt sỹ. Vợ con ông thì ở trong bản, thi thoảng ông mới về. Gặp đoàn tìm kiếm, quy tập đưa các đồng đội ông về nước ông rất vui... Hoàn thành công tác quy tập 24 liệt sỹ về nước, một thời gian sau, chúng tôi quay lại thì không được gặp ông lão nữa. Dân bản bảo rằng ông đã dẫn vợ con chuyển nhà đi nơi khác.
- Sau 31 năm lăn lộn khắp núi rừng 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xay Xổm Bun của nước bạn Lào, nay đã nghỉ hưu, nhìn lại những việc mình đã làm, đồng chí có còn điều gì mà bản thân cảm thấy trăn trở?
- Chúng tôi luôn tâm niệm: Việc tìm kiếm, quy tập các liệt sỹ là tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ cháu, con đền đáp. Tôi tự hào về những gì mình và các đồng đội đã làm được. Song cũng như bao nhiêu người người làm công tác quy tập, người dân khác, sự trăn trở thì rất nhiều. Chúng tôi vẫn luôn mang trong mình nỗi niềm, ẩn ức về một cảm giác mắc nợ với cha, ông mình.

Mùa khô 2018/2019, Nghệ An đã quy tập được 98 hài cốt liệt sỹ từ Lào về với đất Mẹ. Ảnh: Tiến Hùng
Mùa khô 2018/2019, Nghệ An đã quy tập được 98 hài cốt liệt sỹ từ Lào về với đất mẹ. Ảnh: Tiến Hùng


Đó là, đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều bậc cha, anh, đồng đội mình đang nằm đâu đó nơi rừng hoang, núi thẳm ở nước bạn mà chúng ta vẫn chưa thể tìm ra, chưa đưa về được. Chiến tranh, thời gian và những người biết thông tin ngày càng ít đang dần xóa đi những dấu vết còn lại. Không biết rằng, chúng ta còn có thể đưa họ về được nữa không. Và chính do chiến tranh, do thiếu kinh nghiệm làm công tác quy tập nên những liệt sỹ mình khi đã đưa được về nước rồi nhưng đến bây giờ vẫn chưa tìm được tên, tuổi, quê quán. Trong khi đó, người thân của các liệt sỹ cũng già yếu rồi. Họ đang mòn mỏi đợi.
Tuy vậy, tôi vẫn vững một lòng tin: Đảng, Nhà nước, Quân đội ta đang và sẽ cố gắng hết sức, tinh thần trách nhiệm cao nhất để tìm kiếm, quy tập, có được thông tin về tất cả các liệt sỹ hy sinh tại nước bạn!
- Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!



Theo (Thực hiện)
Copy Link

Mới nhất

x
Trò chuyện với người cựu chỉ huy đội quy tập tại Lào: 'Nhiệm vụ gian khó mà thiêng liêng'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO