Trở thành khủng bố từ 'like' Facebook
Những đối tượng đi vào con đường cực đoan hóa không phải do họ tìm kiếm thông tin từ các nguồn mơ hồ. Trên thực tế, quá trình này thường bắt đầu từ việc rất đơn giản như ấn nút “like” (thích) hoặc “share” (chia sẻ) trên Facebook.
Mạng xã hội tiện dụng khiến nhiều người dễ bị IS dụ dỗ. Ảnh: Today Online. |
Không lâu sau khi thấy có người “like” hoặc “share” các thông điệp đồng cảm với số phận những người Hồi giáo ở Syria, hoặc bình luận trên một diễn đàn trên mạng về chủ đề này, những kẻ cực đoan sẽ liên lạc với người đó đó thông qua các công cụ chat công khai để nói về những chủ đề rất bình thường như gia đình, trường học, công việc, khát vọng và thách thức trong cuộc sống.
Con mồi là người trẻ vỡ mộng
Dần dần, các cuộc nói chuyện sẽ được chuyển sang những ứng dụng tin nhắn mã hóa như Whatsapp hay Telegram để nói về các chủ đề như cuộc chiến ở Syria hay những sự bức hại nhằm vào người Hồi giáo ở khu vực nào đó trên thế giới.
Những “người bạn mới quen” đó sẽ sẵn sàng chia sẻ các bài báo và đoạn phim ca ngợi những kẻ đánh bom tự tử và tầm nhìn về một nhà nước Hồi giáo và những vấn đề khác. Khi cơ hội đến, câu hỏi sẽ được đưa ra là: Bạn có muốn gia nhập Nhà nước Hồi giáo (IS) và cầm vũ khí để tham gia thánh chiến? Sau đó, các “con mồi” sẽ nhận được hướng dẫn chế tạo, sử dụng vũ khí hay cách đến Syria.
Mối đe dọa từ tình trạng cực đoan hóa ở Đông Nam Á càng trở nên báo động sau vụ bắt giữ một nhân viên trường mẫu giáo và 2 sĩ quan cảnh sát ở Singapore gần đây. Hai trong ba người này chưa đến 30 tuổi và một người là phụ nữ.
Đầu tháng 6/2017, Bộ Nội vụ Singapore thông báo cô gái Syaikhah Izzah Zahrah Al Ansari, 22 tuổi, một nhân viên trợ lý chăm sóc trẻ sơ sinh bị bắt ở Singapore vì muốn trở thành “góa phụ của chiến binh tử vì đạo”. Cô gái này bắt đầu bị cực đoan hóa từ năm 2013, khi mới 18 tuổi, do ảnh hưởng của một chiến dịch tuyên truyền trên mạng liên quan đến IS và đã chia sẻ những tài liệu ủng hộ IS qua mạng.
Sau khi Izzah bị bắt, Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền nói rằng hầu hết những người Singapore bị cực đoan hóa đều chưa đến 30 tuổi, và 5 trong số những người bị bắt có tư tưởng cực đoan từ khi còn niên thiếu.
Các chuyên gia chống khủng bố cung cấp những phân tích sâu về chiến lược tuyển người cực kỳ hiệu quả của IS, đặc biệt đối với những người trẻ.
“Duy trì liên lạc liên tục và nhất quán với các “con mồi” là một phương pháp tuyển mộ quan trọng của IS”, TS Jolene Jerard, một nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế S Rajaratnam cho biết. “Các “con mồi” thấy rằng họ có một người bạn ở bên kia ranh giới cho dù họ cách nhau cả đại dương. Sự kết nối cá nhân đó sẽ khiến họ bị lôi kéo”, TS Jerard nói.
Sự tiện dụng của công nghệ mạng xã hội giúp bất kỳ ai cũng có thể bị cực đoan hóa dù bất kể hoàn cảnh cá nhân hay nơi sinh sống, ông Remy Ahmad, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khủng bố và bạo lực chính trị thuộc Trường Quốc tế S Rajaratnam, nhận xét. Ông cho rằng tình trạng này không chỉ là lạm dụng công nghệ mà còn là cuộc tấn công vào những người dễ bị tổn thương về tình cảm và tinh thần không vững.
Những hình ảnh về xung đột quân sự và nạn nhân chiến tranh khiến họ thấy đồng cảm và đoàn kết, khiến họ đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời như lên đường để tham gia chiến đấu hoặc ủng hộ về tình cảm và tiền bạc, ông Remy nói.
Những người trẻ đặc biệt dễ bị IS lôi kéo vì họ đang ở giai đoạn dễ gặp khủng hoảng tính của cách cuộc đời hoặc “tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống”, bà Gullnaz Baig, một chuyên gia nghiên cứu về khủng bố tại Trường Kinh tế London, cho biết. Sự tìm kiếm “ý nghĩa cuộc sống” thường liên quan đến những nhu cầu về tinh thần và ước muốn “tìm kiếm sự khai sáng hoặc tôn giáo dưới dạng thanh khiết nhất”, bà Baig nói.
Nhiều phụ nữ mắc bẫy
Tương tự, các nhóm khủng bố từ lâu cũng nhằm vào phụ nữ. Có rất nhiều cô gái khắp thế giới, bao gồm các nước phương Tây, rơi vào bẫy này.
Một ví dụ là cô gái 27 tuổi người Indonesia tên là Dian Yulia Novi. Cuối năm ngoái, Novi bị giới chức Indonesia bắt vì có kế hoạch kích hoạt một chiếc nồi áp suất chứa đầy chất nổ trước dinh tổng thống. Quyết chết như một tử sĩ, Dian nói với tạp chí Time trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 năm nay rằng “thánh chiến” là điều bắt buộc đối với tất cả những người Hồi giáo, giống như việc cầu nguyện vậy.
IS có nhóm phụ nữ chuyên làm nhiệm vụ tuyển dụng các cô gái. Nhưng phương pháp lôi kéo phụ nữ vào hàng ngũ IS cũng tương tự lôi kéo các nam thanh niên.
Cũng như những người trẻ bị vỡ mộng vì hoàn cảnh thực tại của mình, những cô gái gia nhập đội quân của IS để cảm thấy được trao sức mạnh, bà Baig nói. Họ cũng coi việc tham gia IS là một dạng “nghĩa vụ tôn giáo thiêng liêng” cần thực hiện.
Dù bị lôi kéo bằng những cách thức giống nhau, những người trẻ, người trưởng thành, phụ nữ và đàn ông đóng vai trò khác nhau trong cấu trúc của IS, các chuyên gia cho biết. Đối với phụ nữ, họ đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp những thứ cần thiết cho chồng, và hướng dẫn, rèn luyện trẻ em trở thành thế hệ thánh chiến tiếp theo.
Vai trò đó được nói rõ trong nhiều tài liệu của IS như tạp chí Rumiyah. Số tháng 5 của tạp chí này có bài viết tựa đề “Phụ nữ là người chăn cừu trong gia đình người chồng”. Tuy nhiên, TS Jerard nhấn mạnh rằng vai trò của phụ nữ trong IS ngày càng tăng. Họ trở thành những người cung cấp tiền, tuyển dụng và cả vai trò cảnh sát đạo đức. Ngày càng nhiều phụ nữ trở thành kẻ đánh bom tự sát.
Theo TPO
TIN LIÊN QUAN |
---|