Tròn 2 năm thượng đỉnh liên Triều: Lặng lẽ, ít dấu ấn!
(Baonghean) - Ngày 27/4 đánh dấu tròn 2 năm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Kể từ cái bắt tay lịch sử giữa 2 nhà lãnh đạo, biết bao hy vọng đã được mở ra với lời hứa và cam kết của các bên về một tương lai hòa bình và ổn định, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Nhìn lại 2 năm qua, không phủ nhận những thành tựu đã đạt được nhưng cũng cần nhìn nhận thực tế, tiến trình đối thoại phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà 2 nhà lãnh đạo cam kết vẫn còn quá nhiều trắc trở. Và rằng, sau dấu mốc 2 năm vẫn sẽ còn rất nhiều việc phải làm!
Từ Tuyên bố chung…
Nhìn lại cuối tháng 4/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau cuộc gặp lịch sử đã cùng thống nhất ra một Tuyên bố chung. Trong đó, nổi bật nhất là việc lãnh đạo hai bên đã nhất trí sẽ hợp tác để tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố chung cũng cam kết, hai bên sẽ tiếp tục đối thoại để chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh, lập hiệp ước hòa bình lâu dài và bền vững.
Hai bên còn nhất trí giải quyết khẩn cấp các vấn đề nhân đạo của những gia đình bị chia cắt. Bên cạnh đó, hai bên cũng cam kết sẽ hợp tác giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo liên Triều, chấm dứt mọi hoạt động tuyên truyền như loa phát thanh và truyền đơn, nhất trí thành lập văn phòng liên lạc chung tại thành phố giáp Kaesong…
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty |
Để hiện thực hóa các cam kết đã đạt được, trong vòng 2 năm qua, 36 vòng đàm phán các cấp hai bên đã được tổ chức, trong đó có 2 hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 2 và thứ 3; 7.500 người dân 2 miền được đoàn tụ… Đường dây nóng liên lạc quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã được nối lại sau nhiều năm bị cắt đứt. Suốt 2 năm qua, giới chức quân sự của 2 miền Triều Tiên thường xuyên điện đàm 2 lần/ngày vào lúc 9 giờ sáng và 16 giờ chiều thông qua các đường dây liên lạc phía Đông và phía Tây của hai bên.
Chưa hết, tiếp nối thành công của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử, một sự kiện lịch sử khác là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên cũng đã diễn ra trong sự háo hức và kỳ vọng của người dân 2 miền Triều Tiên. Thế nhưng, kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 không đạt được Tuyên bố chung, mọi chuyện đã trở nên không hề dễ dàng!
Kết nối lại đường bộ và đường sắt giữa 2 miền Triều Tiên là một trong những thỏa thuận chủ chốt của cuộc gặp thượng đỉnh 2 năm trước.
Ngày hôm qua - 27/4, Hàn Quốc đã tổ chức một buổi lễ nhỏ, khá lặng lẽ tại nhà ga Jejin thuộc thị trấn biên giới Goseong, ở cực Bắc Hàn Quốc trên bờ biển phía Đông. Buổi lễ nhằm nhấn mạnh lại cam kết của Seoul thúc đẩy kết nối đường sắt và các giao lưu liên Triều khác mà hai bên đã nhất trí tại cuộc gặp thượng đỉnh 2 năm trước. Trong đó, kết nối lại đường bộ và đường sắt giữa 2 miền Triều Tiên là một trong những thỏa thuận chủ chốt. Phía Hàn Quốc dự kiến đầu tư 2.850 tỷ won (tương đương 2,3 tỷ USD) để xây dựng tuyến đường sắt dài hơn 110 km từ thành phố Gangneung ven biển phía Đông đến thị trấn biên giới Jejin.
Hàn Quốc khởi công tuyến đường sắt dài 110,9 km từ thành phố ven biển Gangneung đến thị trấn biên giới Jejin. Ảnh: Arirang |
Cần nhắc lại, hai bên đã tổ chức lễ động thổ dự án ở thị trấn biên giới Kaesong ngay vào tháng 12/2018, song trên thực tế, dự án cho đến nay vẫn chưa được khởi công do vấp phải những trở ngại liên quan các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.
Mặc dù mới tuần trước, phía Hàn Quốc tuyên bố xác định tuyến đường sắt Gangneung-Jejin là một dự án hợp tác liên Triều quan trọng, sẽ đẩy nhanh thi công mà không cần nghiên cứu tính khả thi. Thế nhưng, có một thực tế là một khi Triều Tiên vẫn vướng phải các lệnh trừng phạt của Mỹ thì các dự án hợp tác, trong đó có dự án đường sắt này sẽ không thể sớm khả thi!
…đến tương lai bất định!
Ngay trước dịp kỷ niệm tròn 2 năm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, báo chí Hàn Quốc thông tin, Mỹ dường như đã phát hiện dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa. Hay trước đó hồi tháng 3, Bình Nhưỡng cũng đã liên tục có nhiều động thái quân sự như ồ ạt bắn thử các loại tên lửa tầm ngắn. Thậm chí cuối tháng 3, nước này xác nhận đã thử nghiệm thành công một bệ phóng tên lửa “đa nòng siêu lớn”.
Triều Tiên liên tục phóng thử các tên lửa tầm ngắn trong tháng 3 vừa qua. Ảnh: AFP, Getty |
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Bình Nhưỡng lại liên tục có các động thái quân sự như vậy. Giới quan sát cho rằng, các bước đi này dấy lên lo ngại Triều Tiên có thể đang quay trở lại chính sách cứng rắn, quyết tâm theo đuổi chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Sự khác biệt quá lớn đã khiến cho đôi bên chưa thể tiến thêm một bước nào trong đối thoại.
Cũng bởi, dù đã có tới 3 lần gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, các cuộc đàm phán phi hạt hóa giữa hai bên vẫn bế tắc suốt hơn 1 năm qua do những bất đồng chưa thể tháo gỡ về quy mô phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, cũng như các nhượng bộ từ phía Mỹ. Trong khi Bình Nhưỡng muốn giảm quy mô từng bước tương ứng với các lệnh gỡ bỏ trừng phạt của Washington, thế nhưng Mỹ lại kiên quyết đòi ngay lập tức phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sự khác biệt quá lớn đã khiến cho đôi bên chưa thể tiến thêm một bước nào trong đối thoại suốt thời gian qua.
Thêm vào đó, chất xúc tác “Hàn Quốc” thời gian qua lại chưa phát huy được tác dụng khi Tổng thống Moon Jae-in phải dồn tâm lực cho cuộc tổng tuyển cử tại nước này. Mặc dù Đảng cầm quyền của ông Moon Jae-in đã giành chiến thắng, thế nhưng cuộc đua bầu cử Tổng thống Hàn Quốc 2022 vẫn đang còn ở phía trước. Bởi thế, dù dư luận kỳ vọng chiến thắng của Đảng cầm quyền sẽ là bước đệm, tạo động lực cho Tổng thống Moon Jae-in “hâm nóng” lại vai trò trung gian hòa giải Mỹ - Triều, nhưng thực tế cơ hội lại không nhiều!
Bộ 3 nhiều duyên nợ Mỹ - Hàn - Triều. Ảnh: Korea Times |
Trong khi đó về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump thời gian qua thể hiện chiến lược “im lặng” và “bỏ qua” đối với tất cả các động thái từ phía Triều Tiên. Thế nhưng, điều đó lại không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ triển khai các bước đi mới nhằm phá vỡ bế tắc đàm phán về hạt nhân. Đơn giản, ông Trump vốn chỉ đang muốn dành thời gian cho cuộc đua vào vị trí Tổng thống cũng như việc chống dịch Covid-19 trong nước. Và rằng, Bình Nhưỡng dù có sốt ruột đến đâu thì những “nước cờ” mới của Mỹ cũng sẽ chỉ được tung ra sau cuối năm nay mà thôi!