Trọn nghĩa vẹn tình

18/12/2013 18:23

(Baonghean) - Hơn 60 năm trôi qua, người vợ trẻ ấy giờ đã trở thành bà cụ góa bụa. Cũng chừng ấy năm, bà vẫn ở vậy một lòng thủy chung son sắt, chắt chiu tích góp những đồng tiền lẻ để mong có ngày đi và tìm thấy hài cốt của người chồng liệt sỹ. Người phụ nữ đặc biệt ấy là cụ Phạm Thị Hường, sinh năm 1930, ở xóm 8, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu.

(Baonghean) - Hơn 60 năm trôi qua, người vợ trẻ ấy giờ đã trở thành bà cụ góa bụa. Cũng chừng ấy năm, bà vẫn ở vậy một lòng thủy chung son sắt, chắt chiu tích góp những đồng tiền lẻ để mong có ngày đi và tìm thấy hài cốt của người chồng liệt sỹ. Người phụ nữ đặc biệt ấy là cụ Phạm Thị Hường, sinh năm 1930, ở xóm 8, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu.

Cưới và ở với nhau vỏn vẹn 9 tháng, người con gái họ Phạm đang tuổi mười chín đôi mươi ở một làng nghèo ven biển đã phải tiễn chồng lên đường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sự nhớ nhung được người phụ nữ trẻ chôn chặt vào tận đáy lòng những mong người chồng yên tâm chiến đấu, sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, ông đã vĩnh viễn nằm lại miền Tây Bắc, bỏ lại một mình bà với nỗi đau khôn nguôi. Hơn 60 năm trôi qua, người vợ trẻ góa bụa ấy vẫn một lòng thờ chồng, chắt chiu từng đồng lương, tích góp những đồng buôn bán vặt với ước mong đi tìm hài cốt của chồng.

Cụ bà Phạm Thị Hường.
Cụ bà Phạm Thị Hường.

Trong câu chuyện với bà, chúng tôi được biết: Sau một thời gian tìm hiểu, tháng 1/1953, bà Phạm Thị Hường và ông Trần Văn Giảng tổ chức đám cưới giản dị, đơn sơ nhưng ngập tràn hạnh phúc. Gia đình bên nội cũng không khá giả gì nhưng bà Hường vẫn luôn cố gắng làm việc, chu toàn bổn phận người dâu hiền, con thảo. Nhưng niềm hạnh phúc giản đơn đến với họ quá ngắn ngủi. Chín tháng sau ngày cưới, ông Giảng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chia tay người vợ trẻ tình nguyện nhập ngũ ở chiến trường Tây Bắc - Điện Biên Phủ.

Ngày ở nhà, bà Hường luôn mong ngóng tin chồng và mong ngày chiến thắng, ông Giảng sẽ lành lặn trở về. Vậy mà, cuối tháng 5/1954, tất cả như sụp đổ, bà Hường lặng người khi cầm trên tay giấy báo tử, chồng bà đã hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ. Cả một thời gian dài bà ốm liệt giường vì nỗi đau quá lớn. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, lại có giấy báo từ chiến trường gửi về hai người em ruột của ông Giảng cũng hy sinh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, bà cố gắng gượng vượt lên tất cả để chăm sóc mẹ chồng ốm yếu, tiếp tục thay chồng làm trọn chữ hiếu.

Từ ngày biết tin chồng hy sinh, bà tự sưởi ấm cuộc đời mình bằng những ký ức về ông và nỗi khắc khoải, sự dằn vặt vì chưa thấy mộ của chồng. Suốt gần 60 năm qua bà chắt chiu từng đồng lương ít ỏi, đi từng buổi chợ tích góp từng đồng xu để đi tìm hài cốt của chồng.

Trong khoảng những năm 1958 đến 1960 bà đã nhiều lần cùng gia đình chồng ra vùng Tây Bắc đi tìm hài cốt ông Giảng. Bà đã tìm gặp đồng đội ông để hỏi thăm, nhưng vẫn không tìm được chính xác nơi ông Giảng. Trở về quê, bà vẫn âm thầm tìm kiếm thông tin và tích góp những đồng tiền lẻ từ việc buôn bán vặt để mong có ngày tìm được mộ chồng. Sau đó vài lần bà một mình bắt xe lên chiến trường Tây Bắc thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, hy vọng sẽ làm được điều mình hằng mong. Bây giờ đã vào tuổi ngoại bát tuần, mắt mờ, sức yếu nhưng bà Hường vẫn ngày ngày ra chợ bán quả trứng mớ rau, gom góp từng đồng tiền lẻ và chưa bao giờ thôi hy vọng về việc tìm được mộ chồng. Điều khiến ai cũng cảm phục là suốt hơn nửa thế kỷ qua bà vẫn thủy chung ở vậy trong căn nhà cấp 4 cũ thờ chồng. Tấm lòng của bà Phạm Thị Hường, người vợ liệt sỹ đã tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của người phụ nữ Việt Nam.

Bài, ảnh: P.N

Mới nhất
x
Trọn nghĩa vẹn tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO