Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ bị xử lý như thế nào?
(Baonghean.vn) - Anh A. là con trai 1 của bà H., sau khi kết hôn A. chuyển đến một nơi khác sống và để bà cụ ở lại một mình không lương hưu, không có khả năng lao động. A. không về thăm, chu cấp tiền cho bà. Xin hỏi, anh A có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng không?
Đó là vấn đề quan tâm của bà Nguyễn Thị Tỵ (Nam Đàn)
Trả lời: Cấp dưỡng là một nghĩa vụ bắt buộc và không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác.
Theo Điều 111, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ như sau:
Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Điều 57, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo Điều 186, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, anh A. đã thành niên và có hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cha, mẹ trong khi mẹ A. không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì anh A. có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.