Trồng đu đủ thu nhập hàng trăm triệu đồng
(Baonghean.vn) - Mô hình trồng đu đủ chỉ mới áp dụng trên địa bàn xã Diễn Liên (Diễn Châu) từ năm 2012 nhưng tới thời điểm này, cây trồng đã phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Những cây con được trồng trong các lon sắt, bón bằng phân vi sinh, đất được giữ độ ẩm và toàn bộ cây sẽ được bởi bao bì tránh ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng |
Năm 2012, sau khi đi học các lớp tập huấn khuyến nông, ông Nguyễn Văn Bá ở xóm 4, Diễn Liên đã quyết định trồng thử nghiệm cây đu đủ trên 3 sào đất và mang lại hiệu quả rõ rệt. Ông là người đầu tiên trên địa bàn xã Diễn Liên theo đuổi mô hình này với diện tích lớn nhất.
Ông Bá cho biết: “Trong trang trại gần 2ha của gia đình, cây đu đủ tuy diện tích không nhiều nhưng lại cho năng suất cao hơn so với các cây trồng khác. Mặt khác, đây là cây trồng cho thu hoạch thường xuyên, đầu ra ổn định, mang lại cho gia đình tôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.”
Những chùm đu đủ được chăm sóc tốt sẽ cho những quả to, chất lượng, màu sắc bắt mắt. Mỗi quả thế này có khối lượng khoảng 2 kg, bán với giá 10.000 đồng/kg |
Các hạt giống đu đủ được ông Bá mua từ trung tâm khuyến nông tỉnh. Mỗi hạt giống có giá 2.000 đồng, hạt sau khi gieo khoảng 20 ngày sẽ ra cây con. Hiện nay ông Bá nhận gieo giống cây cho các hộ dân với giá 5.000 đồng/cây. Tuy nhiên, phải có kĩ thuật thì tỉ lệ lên cây con mới cao được, ông cho biết: “Hạt giống phải bón bằng phân vi sinh, mỗi ngày tưới 1 lần nước, đừng để giống khô quá. Cây con phải che chắn cẩn thận bởi dù không bị sâu bệnh nhưng dễ bị chuột cắn hoặc các loại gia cầm giẫm nát”.
Thời gian từ lúc gieo xuống tới khi thu hoạch là 9 tháng. Một sào trồng khoảng 50 - 70 cây, cho năng suất trung bình 6 tấn/sào. Hiện đang là thời điểm thu hoạch đu đủ bán ra thị trường, giá đu đủ là 10.000 đồng/kg khi bán trực tiếp tại vườn nhưng giai đoạn cao điểm, có thể lên tới 15.000 đồng/kg. Như vậy, 1 sào thu nhập tối thiểu 60 triệu đồng. Những quả phát triển tốt, to và đẹp có thể nặng tới 3 - 4 kg. Trung bình mỗi ngày gia đình ông bán ra thị trường 50 kg đu đủ, mang lại thu nhập 500.000 đồng/ngày.
Ông Nguyễn Văn Vinh – trưởng ban khuyến nông xã Diễn Liên đi thăm mô hình trồng đu đủ cho năng suất và thu nhập cao trên địa bàn. |
Hiện nay có hai loại đu đủ chính là đu đủ ruột đỏ Thái Lan và đu đủ ruột vàng Đài Loan. Đu đủ Đài Loan có năng suất cao hơn, trái mềm, tỉ lệ ra quả nhiều hơn nhưng không ngon bằng đu đủ Thái Lan . Bởi vậy, so về giá thành thì đu đủ Thái Lan cao hơn 1.000 – 2.000 đồng/kg.
Hiện nay toàn diện tích đất nông nghiệp của Diễn Liên là 475ha, trong đó đất trồng đu đủ chỉ hơn 2ha vì đây là giống cây mới được áp dụng trồng tại địa phương, tập trung chủ yếu ở xóm 3, xóm 4.
Mô hình trồng đu đủ của anh Cao Xuân Giang, xóm 4, Diễn Liên. Năm nay anh trồng hơn 100 gốc đu đủ trên 2 sào đất. Sau một năm thu hoạch cho thu nhập gần 100 triệu đồng. |
Ông Nguyễn Văn Vinh – trưởng ban khuyến nông xã Diễn Liên cho biết: “Trước đây, đu đủ chủ yếu được trồng lẻ trong vườn các hộ dân chưa có đầu ra ổn định nên hiệu quả kinh tế không cao. 2 năm trở lại đây, cây trồng này được phát triển theo hướng đu đủ thương phẩm vì bà con nhận thấy đây cây trồng có sức sống cao, chịu sâu bệnh tốt, giá thành cao mà thị trường tiêu thụ lớn. Trên địa bàn hiện có 15 hộ dân trên địa bàn xã trồng đu đủ quy mô khá lớn”. Đu đủ Diễn Liên được bán cho các thương lái mang ra các chợ tiêu thụ, một phần còn lại nhập cho các nhà hàng, quán ăn và các quán nước giải khát, sinh tố vì đây là mặt hàng tiêu tụ mạnh trong đợt nắng nóng.
Là người đầu tiên trên đại bàn xã Diễn Liên theo đuổi mô hình đu đủ nên ông Bá có nhiều kinh nghiệm chăm sóc giống cây này. Ông cho biết, đu đủ là loại cây cần nhiều nước nhưng rất sợ úng, do đó cần cung cấp đầy đủ nước cho cây vào mùa nắng hoặc thoát nước tốt cho cây vào mùa mưa hoặc khi bị úng lũ. Khi trồng nên đặt thân nằm nghiêng xuôi theo chiều gió mạnh. Mật độ trồng đối với đu đủ giữa các cây từ 1,5 – 2 mét và giữa các hàng 2,5 - 3 mét. Bà con nên trồng thưa để dễ chăm bón và thu hoạch. Ngoài ra cần chú ý làm cỏ cho cây, cỏ dại sẽ cạnh tranh dinh dưỡng và là nơi trú ẩn của sâu bệnh nên cần làm thường xuyên quanh gốc. Nông dân cần dùng rơm hoặc cỏ khô tủ quanh gốc vào mùa nắng để giữ độ ẩm và giữ nhiệt độ thích hợp cho cây. |
Quang An