Trồng hàng nghìn ha cây cao su, doanh nghiệp vẫn “chưa được” thuê đất!

Rất khó thể tin, nhưng đó lại là sự thật. Trên địa bàn huyện Quế Phong, Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An đã trồng hàng nghìn ha cây cao su, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, nhưng “chưa được” cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.

Đầu tháng 8/2020, qua đường dây nóng Báo Nghệ An, một công dân ở huyện Quế Phong bày tỏ sự băn khoăn về dự án trồng cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An. Công dân này nói: Dự án trồng cây cao su thực hiện trên địa bàn các xã Hạnh Dịch, Tiền Phong và Mường Nọc của huyện Quế Phong từ năm 2013. Dù đã qua 7 năm, nhiều diện tích cây cao su đã bước vào kỳ khai thác nhưng có rất nhiều tồn tại: Quy hoạch trồng cây cao su nhưng đang là rừng tự nhiên, theo Chỉ thị 13 thì bất khả xâm phạm; có tình trạng quy hoạch chồng lấn lên các dự án khác, lên đất cộng đồng thôn, bản, khu tái định cư Thủy điện Hủa Na…; đáng băn khoăn nhất là Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Ngược lên Quế Phong, vào địa bàn xã Tiền Phong, thấy ở đây bạt ngàn cây cao su; trong đó, có nhiều diện tích đã được tổ chức khai thác. Tìm hiểu về nội dung nhiều diện tích quy hoạch trồng cao su nhưng là rừng tự nhiên, Hạt Kiểm lâm Quế Phong xác nhận đó là thực tế.

Hạt phó Hạt Kiểm lâm Quế Phong, ông Nguyễn Trạch Hùng cho biết, tại Quyết định số 4081/QĐ-UBND ngày 13/9/2013, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch diện tích trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong là 3.089,0 ha. Tuy nhiên, đến ngày 26/12/2016, tại Quyết định số 6665/QĐ-UBND, diện tích trồng cây cao su được UBND tỉnh điều chỉnh xuống còn  2.200 ha.

Căn cứ kết quả kiểm kê rừng được phê duyệt tại Quyết định 1731/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 của UBND tỉnh, tổng diện tích đã trồng cao su đến năm 2015 là 967,06 ha (trong đó ở xã Tiền Phong và Hạnh Dịch: 729,33 ha; Xã Mường Nọc, Quế Sơn (cũ):  237,73 ha); diện tích trong quy hoạch không có rừng là 248,47 ha; còn diện tích trong quy hoạch đang có rừng tự nhiên là 984,47 ha.

Ông Nguyễn Trạch Hùng cũng cho biết thêm, Hạt Kiểm lâm đang thực hiện đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng thôn trên địa bàn huyện Quế Phong. Qua công tác này thì nhận thấy người dân tại một số địa phương như Tiền Phong, Mường Nọc mong muốn được giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp để bảo vệ, sản xuất và hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước.

Cây cao su của Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An trên địa bàn xã Tiền Phong (Quế Phong).
Cây cao su của Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An trên địa bàn xã Tiền Phong (Quế Phong).

Nhưng do diện tích rừng và đất lâm nghiệp chưa giao còn rất ít, hoặc có thì lại thuộc quy hoạch trồng cây cao su đã được UBND tỉnh phê duyệt nên không thể giao cho người dân.

Bên cạnh đó, đang có tình trạng một số diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho chủ rừng, khi quy hoạch trồng cao su, mặc dù chưa thu hồi nhưng doanh nghiệp đã trồng cao su. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay chưa được giải quyết…

Với UBND huyện Quế Phong, cũng khẳng định những tồn tại ở dự án trồng cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An là có thật. Và cho biết đã báo cáo với Sở TN&MT, để sở này tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Theo Báo cáo số  206/BC-UBND ngày 22/6/2020 của UBND huyện Quế Phong, thì diện tích quy hoạch cho Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An trồng cao su ở Quế Phong là 3.089 ha; đến thời điểm hiện tại, đã trồng được 1.114 ha.

Còn về những tồn tại, gồm: Trồng cao su chồng lấn với đất cộng đồng bản Pỏm Om (xã Hạnh Dịch); quy hoạch chồng lấn với công trình Thủy điện Châu Thắng, khu tái định cư Thủy điện Hủa Na; quy hoạch chồng lấn với diện tích đất UBND tỉnh đã thu hồi của Lâm trường Quế Phong giao cho địa phương quản lý với diện tích khoảng 1.045,8 ha; quy hoạch không phù hợp với thực tế địa phương như quá sát khu dân cư, đầu nguồn sông, suối; chưa lập hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai; không phối hợp với địa phương trong việc rà soát, bóc tách điều chỉnh quy hoạch; có khoảng 519 ha đã quy hoạch trồng cao su thuộc rừng tự nhiên tại xã Tiền Phong chồng lấn với phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư của xã Tiền Phong theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018.

UBND huyện Quế Phong đề xuất: “Đề nghị Sở TN&MT đưa vào kế hoạch kiểm tra trong năm 2020 đối với dự án trồng cây cao su của Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An. Nếu dự án không có đủ điều kiện thực hiện với số diện tích đã quy hoạch nhưng chưa triển khai trồng cao su thì đề xuất UBND tỉnh chủ trì cùng với các sở, ban, ngành có liên quan làm việc với Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An và yêu cầu công ty trả lại số diện tích đã quy hoạch nhưng chưa triển khai trồng để tránh tình trạng quy hoạch treo, lãng phí đất đai, không ai chịu trách nhiệm chính khi có tình trạng hỏa hoạn, phá rừng xảy ra. Mặt khác, yêu cầu Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An thực hiện đầy đủ các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai đối với phần diện tích đã trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong”.

Tại sao Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, nhưng vẫn có thể trồng cây cao su với diện tích lên đến cả ngàn ha? Qua xác minh thì ở thời điểm năm 2014, ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh có ký Văn bản số 5199/UBND-NN đồng ý về chủ trương cho Công ty CP Đầu tư phát triển cao su Nghệ An được thực hiện trồng cây cao su trước khi có quyết định thu hồi đất.

Cụ thể Văn bản số 5199/UBND-NN có nội dung: “UBND tỉnh nhận được Tờ trình số 165/TTr-HĐQT ngày 22/7/2014 của Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An; kèm theo có văn bản làm việc về việc trả đất thực hiện dự án trồng cao su theo Quyết định số 4081/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh giữa Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp Sông Hiếu và Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An ngày 7/7/2014; Biên bản thống nhất rà soát số liệu về diện tích đất theo Quyết định số 4081/QĐ-UBND ngày 13/9/2013 của UBND tỉnh giữa Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp Sông Hiếu và Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An.

Cây cao su Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An trồng trên địa bàn xã Tiền Phong đã đến thời kỳ khai thác nhựa.
Cây cao su Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An trồng trên địa bàn xã Tiền Phong đã đến thời kỳ khai thác nhựa.

UBND tỉnh có ý kiến như sau: Để kịp trồng cao su trong vụ thu năm 2014, trên cơ sở Quy hoạch trồng cao su của Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An đã được UBND tỉnh phê duyệt và các Biên bản thống nhất số liệu nêu trên; UBND tỉnh đồng ý về chủ trương để Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An tiến hành trồng cao su trước khi UBND tỉnh thu hồi đất đối với diện tích của Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An, Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp Sông Hiếu đã thống nhất tại các tài liệu nêu trên…”.

Đi tìm lời giải cho câu hỏi vì sao cấp có thẩm quyền chưa thực hiện giao đất, cho thuê đất cho Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An để doanh nghiệp này thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo quy định. Chúng tôi tiếp cận được Văn bản số 3917/STNMT-QLĐĐ ngày 10/8/2020 của Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh, trong đó nêu: “Qua rà soát hồ sơ giao đất, cho thuê đất lưu tại Sở TN&MT cho thấy đến thời điểm hiện tại Công ty cổ phần ĐTPT cao su Nghệ An chưa được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất trên địa bàn Quế Phong theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện dự án đầu tư trồng cây cao su. Dự án trồng cây cao su trên địa bàn huyện Quế Phong mới được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch…”. Làm việc với Sở TN&MT để làm rõ thêm nguyên nhân, đại diện lãnh đạo sở này đề nghị lùi thời gian trả lời để làm rõ. Ông này nói:  “Sở sẽ thực hiện rà soát, làm rõ nguyên nhân để có câu trả lời trong thời gian sớm nhất…”.