TRỰC TIẾP: Bộ trưởng Bộ Công an trả lời về việc cấp biển xe 80A, 80B cho doanh nghiệp
Chiều 13/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Tiếp tục cập nhật...
Ngay đầu giờ chiều đã có 32 đại biểu đang ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bùi Hiền Mai, Bùi Xuân Thống (Đồng Nai), Mai Thị Phương Hoa, Lưu Bình Nhưỡng, Nguyễn Mai Bộ,... chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm các vấn đề: Việc cấp hơn 500 biển số xe 80A, 80B cho doanh nghiệp, hiện nay Bộ đã thu hồi hết chưa; giải pháp ngăn chặn, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em; ngăn chặn tội phạm cướp giật tại các thành phố lớn; giải pháp để ngăn chặn tình trạng Vũ "nhôm" không xuất hiện trong thời gian tới...
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã rà soát, thu hồi gần như toàn bộ số đã cấp, hiện còn khoảng 20 biển chưa thu hồi được do đơn vị đã giải tán, hoặc xe đã quá cũ... Hiện nay việc cấp biển số được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ bản thu hồi biển xe 80A, 80B cấp cho doanh nghiệp
Bộ trưởng cho biết, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp, 80% nạn nhân là các cháu gái, đối tượng phạm tội đa số là người quen, thân... nguyên nhân chung là do công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; nhiều gia đình thiếu quan tâm trong việc chăm sóc con cái; công tác giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại của trẻ còn hạn chế; việc tố cáo, tiếp nhận tin báo xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời, gặp nhiều khó khăn... Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh phòng chống, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội.
Về giải pháp ngăn chặn tội phạm cướp, cướp giật, Bộ trưởng cho biết, loại tội phạm này thường xảy ra ở các thành phố lớn. Chỉ tính riêng Hà Nội, TPHCM đã chiếm khoảng 20% số vụ án cướp giật trên toàn quốc. Để ngăn chặn loại tội phạm này, bên cạnh việc quản lý chặt các đối tượng, Bộ sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, mật phục, xác lập các chuyên án để đấu tranh với các đối tượng, băng nhóm phạm tội...
Về vi phạm của tội phạm có tổ chức liên quan đến một số tướng lĩnh, sĩ quan công an, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vừa qua Bộ Công an đã điều tra khởi tố 5 vụ việc. Đây là bài học rất lớn trong công tác quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ... Bộ đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này.
Tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp
Bộ trưởng cho biết, tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục đang rất phức tạp và được dư luận rất quan tâm. Trong năm 2017, số vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện là 1.592 vụ (giảm 15% số vụ), trong đó xâm hại tình dụng là chủ yếu, chiếm 84% số vụ xâm hại trẻ em. 6 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 612 vụ xâm hại trẻ em, trong đó xâm hại chủ yếu vẫn là xâm hại tình dục, riêng hiếp dâm trẻ em xảy ra 209 vụ, tăng 4 vụ. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là các cháu gái, chiếm khoảng 80% số đối tượng bị xâm hại.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, người phạm tội chủ yếu chưa có tiền án, thường có quen thân với nạn nhân, song thời gian qua xảy ra một số vụ việc xâm hại gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, việc đưa tin, bài về các vụ việc xâm hại trẻ em trên các phương tiện truyền thông đưa tin đã làm nóng vụ việc, khiến nạn nhân, gia đình bị tổn thương trong thời gian dài. Một số vụ việc do ứng xử ban đầu không phù hợp, khiến dư luận nghi ngờ cơ quan tham gia xử lý.
Phân tích nguyên nhân khiến tình trạng xâm hại trẻ em trở lên phức tạp, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, chủ yếu do công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật hiệu quả chưa cao; phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm chưa sâu rộng; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong giáo dục chưa chặt chẽ; nhiều gia đình chưa quan tâm, thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em gái....
Đối với những tồn tại, khó khăn trong phát hiện, xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, do việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo tội xâm hại trẻ em chưa kịp thời; công tác thống kê kết quả xử lý tin tố giác tội phạm còn bất cập; kỹ năng xử lý thông tin xâm hại trẻ em còn hạn chế; việc tố cáo, trình báo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn chậm, nên tiếp cận hiện trường, thu thập bằng chứng hết sức khó khăn, nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng đến kết quả điều tra, xử lý loại tội phạm.
Mặt khác, các vụ xâm hại tình dục trẻ em thường nhạy cảm, nên nạn nhân, gia đình thường ngại tố giác, khiến xảy ra trường hợp xâm hại nhiều lần; gia đình thiếu hợp tác với cơ quan điều tra trong cung cấp chứng cứ. Hầu hết các vụ xâm hại trẻ em đều thiếu nhân chứng trực tiếp, trẻ em chưa có nhận thức hoàn chỉnh, tâm lý hoảng loạn nên khai báo thiếu chính xác. Một số vụ việc nạn nhân khai thác không thống nhất, theo sự chỉ dẫn của phụ huynh, nên gây khó khăn cho công tác điều tra. Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng chưa thống nhất, khiến một số vụ việc đến nay chưa xử lý được.
Về các giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ngày 6/8 vừa qua, Chính phủ tổ chức hội thảo trực tuyến, trong đó đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em.
“Theo chức năng của Bộ Công an, chúng tôi đang chỉ đạo các công an địa phương triển khai theo một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các biện pháp này như: Chủ động tham mưu cấp ủy chính quyền địa phương tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân, nhất là về kiến thức liên quan đến xâm hại trẻ em; đẩy mạnh thực hiện chuyên đề phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; chấn chỉnh công tác tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tội phạm”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Về lực lượng điều tra chuyên trách hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, “Bộ Công an đã hình thành lực lượng đấu tranh với tội phạm này, đã tham gia không chỉ trong nước mà hợp tác quốc tế trong điều tra xâm hại tình dục trẻ em”.
"Bài học xương máu" trong quản lý cán bộ
Chất vấn Bộ trưởng Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết:Cử tri bức xúc trước nhiều một số vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến một số sĩ quan công an thời gian qua. Trong đó, vụ Vũ "nhôm" là vụ điển hình thể hiện sự lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi.
Đại biểu đặt câu hỏi, sau vụ việc này, Bộ có rà soát và còn kiểu Vũ "nhôm" hay không, giải pháp nào để tránh tình trạng kiểu Vũ "nhôm" thời gian tới?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, liên quan đến vụ Vũ "nhôm", Bộ đã điều tra, khởi tố 5 vụ án, đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan đến tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; đồng thời xử lý tướng lĩnh công an, xử lý nguyên lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm đây là bài học lớn về công tác quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ, bị lợi dụng hình thành tổ chức bình phong.
“Chúng tôi đã rà soát, chấn chỉnh và chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng để có hoạt động tội phạm như vậy, cương quyết không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ "nhôm"”, Bộ trưởng khẳng định.
Chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Quách Thế Tản cho rằng: Tội phạm sử dụng công nghệ cao được phát hiện ngày càng nhiều. Một số vụ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ cấp cao ngành công an gây bất bình trong nhân dân. Cụ thể là đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng vừa qua (liên quan đến Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa). Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này?
Trả lời đại biểu Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc đấu tranh với vụ án cờ bạc trên mạng được Bộ tập trung đấu tranh trong thời gian dài. Sau đó Công an Phú Thọ phát hiện một mảnh của vụ án và Bộ Công an giao cho Công an Phú Thọ điều tra và thấy trong vụ án có liên quan đến cán bộ trong ngành.
Theo Bộ trưởng: “Đây là bài học xương máu”. Nguyên nhân là do cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị đồng tiền cám dỗ. Mặt khác, mảng công nghệ cao không phải lực lượng nào cũng nắm rõ nên có sự lợi dụng để bảo kê. Vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Chúng tôi cũng đã có biện pháp chấn chỉnh.
Bộ trưởng cho biết thêm, sau vụ án trên thì chúng tôi còn phát hiện một số vụ án sử dụng công nghệ cao và thu về số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhất là trong mùa World Cup vừa qua.
Hành vi gian lận thi cử không phải là mới
Trả lời đại biểu về việc điều tra gian lận thi cử, Bộ trưởng Công an cho biết ngành đã khởi tối 3 vụ án về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với những người có chức trách quản lý bài thi của thi sinh.
“Đây là những thủ đoạn mới được phát hiện ra trong năm 2018 này, các thủ đoạn rất tinh vi. Tuy nhiên, hành vi gian lận thi cử thì không phải là mới và không phải đến 2018 này mới có mà có thể đã diễn ra từ thời gian trước. Chúng tôi có khảo sát một số cháu đỗ đại học với điểm số rất cao nhưng quá trình học thì không theo được chương trình”, Bộ trưởng Công an cho biết.
Để phòng chống những thủ đoạn này thì cần tiếp tục có sự phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý việc ra đề, chấm thi, công bố điểm… sao cho thành khâu phép kín để không thể can thiệp được, nhất là bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại. Đây cũng là thách thức rất lớn với các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian tới.
Tín dụng đen đẩy tình hình tội phạm tăng cao
Đối với tội phạm tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ xác định hoạt động của tín dụng đen là một trong những nguyên nhân đẩy tình hình tội phạm tăng cao vừa qua.
Tội phạm này vừa là loại tội phạm hình sự, nhưng cũng là công ty, nhóm có hoạt động liên quan kinh tế, ranh giới rất khó phân biệt.
Theo Bộ trưởng, tội phạm tín dụng đen còn đất sống là do tiền nhàn rỗi trong dân rất lớn, nhu cầu của người dân cũng lớn, trong khi tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tín dụng đen có đất phát triển.
Phần lớn đối tượng cầm đầu đều là đối tượng cộm cán, lập băng nhóm tiến hành hoạt động này; siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích. Nhiều nơi ngang nhiên như đi cướp ngày khi đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều tổ chức lợi dụng, núp bóng doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội.
Công an xác định, với tổ chức cho vay tín dụng đen mà xác định được đối tượng hình sự cầm đầu thì cần tập trung đấu tranh. Bộ Công an cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, với cơ quan ngân hàng huy động tiền nhàn rỗi trong dân, giải quyết tiếp cận vốn của người dân.
Theo chương trình phiên họp, chiều 13/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Cuối phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Tô Lâm và các Bộ trưởng, trưởng ngành… Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, sau một ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm đã hoàn thành chương trình đề ra đúng tinh thần hỏi nhanh, đáp gọn, các bộ trưởng nắm chắc vấn đề, tình hình. Trên cơ sở kết luận của các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành với mỗi nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổng thư ký Quốc hội có thông báo để làm cơ sở cho các cơ quan tổ chức thực hiện và các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát.