Trùm 'game đánh bạc' Phan Sào Nam nói gì về công nghệ?
Phan Sào Nam lúc đang giữ cương vị Chủ tịch VTC Onilne khi nói về công nghệ thông tin, có những phát ngôn "bất hủ".
Phan Sào Nam: Nếu chúng ta giỏi mà nghèo thì không thể sống khỏe được (Ảnh: IT)
Cơ quan điều tra cho biết, quá trình điều tra đã phát hiện đường dây đánh bạc thông qua mạng internet có quy mô cực lớn, có sự tham gia của hàng ngàn người trong và ngoài nước. Đường dây đánh bạc này được điều hành bởi Phan Sào Nam (nguyên chủ tịch của VTC Online) và Nguyễn Văn Dương.
Trước đó, vào chiều 11.3, Bộ Công an chính thức thông tin về việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) về hành vi tổ chức đánh bạc.
Nhìn lại quãng thời gian ông Phan Sào Nam giữ cương vị Chủ tịch VTC Online mới thấy, những câu nói bất hủ của CEO này.
Ông Phan Sào Nam trong một lần trả lời báo chí cho rằng: “Internet là lĩnh vực tôi yêu thích và nghiên cứu suốt từ thời sinh viên. Tôi luôn mong muốn được làm công việc mình đam mê”.
Cũng nói về nghề nghiệp của mình, ông Phan Sào Nam cho biết: “Tôi nghĩ là tôi may mắn! May mắn đầu tiên là chọn Hàn Quốc để du học trong khi bạn bè toàn đi Anh, Mỹ… Hàn Quốc có nền công nghệ phát triển không quá xa Việt Nam, có văn hóa gần Việt Nam và đặc biệt là có những "huyền thoại" thần kỳ về sự vươn mình trỗi dậy. Điều đó thực sự kích thích những thanh niên trẻ giàu đam mê”.
Nói về góc độ là một lãnh đạo, ông Phan Sào Nam cho biết “Nếu được bố trí công việc phù hợp, được làm những thứ mà mình đam mê một cách chủ động thì năng lượng của con người là khủng khiếp”.
Mặc dù là một CEO nhưng phát ngôn của ông Phan Sào Nam cũng đôi lúc có những yếu tố duy tâm: “Tôi vẫn luôn tâm niệm câu của các cụ: "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi có được vị trí ngày hôm nay phần nhiều là do "thiên thời". Nhưng để điều hành được công ty tốt thì "nhân hòa" chiếm vị trí hàng đầu. Nếu người đứng đầu đưa ra đường lối, giải pháp được nhiều người đồng thuận thì sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Ông Phan Sào Nam cho rằng: “Nếu được bố trí công việc phù hợp, được làm những thứ mà mình đam mê một cách chủ động thì năng lượng của con người là khủng khiếp” (Ảnh: IT)
“Nếu một CEO mà không nhìn ra được cơ hội, không kịp thời chớp lấy nó thì có thể sẽ phải đi chậm hơn nếu không muốn nói là thất bại. Trong ngành internet, yếu tố "thiên thời" lại càng quan trọng, cơ hội không dài, đặc biệt là trong giai đoạn này nó chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Nếu chúng ta chần chừ không quyết thì chỉ 3 tháng sau thôi, cơ hội đó sẽ không còn nữa”.
Nói về internet ở Việt Nam, ông Phan Sào Nam cho rằng: “Cơ hội vàng này sẽ không lặp lại lần 2. Ngai vàng nào cũng sẽ sụp đổ nếu người đứng đầu không có chiến lược, chiến thuật đúng đắn để dẫn dắt đội quân của mình”.
Ông Phan Sào Nam còn có hoài bão muốn cạnh tranh với các “ông lớn” trên thế giới: “Tôi vẫn thường nói vui, các công ty dotcom của Việt Nam trước đây giống như những chàng "sinh viên nghèo học giỏi", đang cố gắng tự đi lên bằng nội lực của mình. Nhưng cuộc đua bây giờ không còn giới hạn ở phạm vi trong nước. Chúng ta phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn trên thế giới như Google, Facebook, Yahoo… Nếu chúng ta chỉ giỏi mà nghèo thì không thể sống khỏe được”.
Và khi nói tới internet, ông Phan Sào Nam còn hình tượng hóa: "Vẻ đẹp" của internet ở chỗ nó là một ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, chi phí đầu tư ít hơn so với các ngành sản xuất truyền thống khác nên mức độ tác động của suy giảm kinh tế là có, nhưng không lớn”. Ông cũng cho rằng: "Tôi đang đi đúng hướng và hoàn toàn có thể tự tin để bật lên"
Trong một hội thảo về công nghệ thông tin, ông Phan Sào Nam với cương vị là Chủ tịch VTC Online đã làm phép tính: “Doanh nghiệp game chờ đợi việc cấp phép từ năm 2010 đến nay là 3 năm, có 7.500 con người đang hoạt động trong ngành này, nhân con số đó lên thì cả ngành game đã chờ đợi tới 22.500 năm. Doanh thu ngành game năm 2012 đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, chiếm 0,2% GDP, thế nhưng đến nay nó vẫn chưa được cởi trói ở công tác quản lý, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”.